Cụ thể, đại diện Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank) cho biết, ngân hàng đã nộp đơn lên Sở Kế hoạch và Đầu tư xin dời đại hội đến tháng 6/2020 nhằm hạn chế rủi ro lây nhiễm và đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng và thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng về việc tránh tụ tập nơi đông người.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã công bố quyết định của Hội đồng quản trị về việc dời lịch họp cổ đông sang tháng 6 thay vì tổ chức vào tháng 4 như kế hoạch nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Các ngân hàng như: Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng thông báo kế hoạch tạm hoãn tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2020 vì tình hình dịch COVID-19 phức tạp. Thời gian và địa điểm sẽ được các ngân hàng công bố sau khi Hội đồng Quản trị quyết định cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế và tuân thủ chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước
Trước đó, ngày 7/2, ACB đã chốt danh sách cổ đông tham dự đại hội thường niên 2020 tại Tp. Hồ Chí Minh và dự kiến tiến hành trong tuần đầu của tháng 4/2020.
Còn tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), ngân hàng cho biết theo kế hoạch, VietinBank sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông vào ngày 21/4/2020 như đã công bố thông tin. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, VietinBank đã chủ động xây dựng các phương án, kịch bản tổ chức đại hội tạo điều kiện thuận lợi nhất để các cổ đông có thể tham dự và bảo đảm quy định của pháp luật.
"VietinBank sẽ tiếp tục bám sát tình hình diễn biến dịch COVID-19 cũng như chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền về việc tổ chức đại hội đồng cổ đông đối với các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng để có quyết định phù hợp, kịp thời", đại diện ngân hàng này cho hay.
Tính đến nay, mới có Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức thành công đại hội cổ đông thường niên năm 2020 vào đầu tháng 3 vừa qua. Đại hội đã thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó nhất trí với một số chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2020.
Cụ thể, năm 2020, BIDV đặt mục tiêu tăng trưởng huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, dự kiến tăng trưởng 9%; tín dụng tăng trưởng theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước (hiện nay là 9%); lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 12.500 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát thấp hơn 1,7%; tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến 7%; tổng tài sản 1.568.000 tỷ đồng; mức thù lao Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát năm 2020 mức tối đa 0,41% lợi nhuận sau thuế hợp nhất 2020.
Tuy nhiên, theo ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, đây là kịch bản tích cực nhất khi chưa tính đến tác động của dịch bệnh COVID-19. Kịch bản lợi nhuận hiện tại được xây dựng dựa trên giả định dịch hết trong tháng 3 này. Ngân hàng sẽ cố gắng hoàn thành kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông giao, nhưng theo hướng linh hoạt, có thể sẽ điều chỉnh các chỉ tiêu trong trường hợp cần thiết và báo cáo với cổ đông.
Liên quan đến đại hội cổ đông các ngân hàng, kế hoạch kinh doanh, mục tiêu lợi nhuận và nhất là việc chia cổ tức vẫn luôn là điều mà cổ đông mong ngóng mỗi mùa đại hội. Tuy nhiên, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng vừa có một loạt chỉ thị để đối phó và khắc phục khó khăn do dịch bệnh.
Trong đó, Thống đốc yêu cầu các ngân hàng cần chủ động rà soát, cắt giảm chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương thưởng cũng như điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp thực tế trước khi đại hội cổ đông.
Các đơn vị sẽ phải chủ động xây dựng các kịch bản kinh doanh chi tiết (kế hoạch kinh doanh dự phòng theo diễn biến của dịch bệnh). Hiện mới có Nam A Bank công bố giảm mục tiêu lợi nhuận so với năm trước.
Không chỉ vậy, trước mắt, các ngân hàng không được chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục triển khai Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Trong đó chú trọng triển khai các biện pháp như cơ cấu lại khoản nợ, hoãn, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất khoản vay cũ và cả khoản vay mới, khuyến khích giảm mạnh, giảm sâu hơn nữa đối với những đối tượng, loại hình doanh nghiệp khó khăn, cần sự chia sẻ để giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất.
Các ngân hàng thương mại phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp, hộ gia đình bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra với mức giảm khoảng 2% lãi suất cho vay so với thời điểm trước dịch.