Thống kê 2 tháng đầu năm 2020, mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng chỉ đạt 0,1%. Nếu so sánh cùng kỳ 2019, mức tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm đạt khoảng 1%. Điều này cho thấy, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đang bị suy giảm khá mạnh. Bên cạnh đó, theo đánh giá của các ngân hàng thương mại (NHTM), tổng dư nợ tín dụng đang bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi dịch COVID-19 là khoảng 12%/tổng dư nợ tín dụng hiện nay.
Trước tình hình tăng trưởng tín dụng thấp, các NHTM đã tung ra nhiều gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu (XNK) bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Theo đó, đã có khoảng 21 NHTM hỗ trợ tích cực cho các DN với gần 41.000 khách hàng/300.000 tỷ đồng (tổng số dư nợ) để vượt qua thời điểm khó khăn.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đưa ra các chính sách và giải pháp để hỗ trợ các NHTM và các tổ chức tín dụng (TCTD) để tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng “mạnh tay” hỗ trợ DN. Đáng chú ý, việc NHNN giảm đồng loạt các mức lãi suất điều hành và giảm trần lãi suất huy động, cho vay ngắn hạn bằng VND là những chính sách được đón nhận một cách rất tích cực nhất. Trong đó, lãi suất kỳ hạn huy động vốn từ 1 tháng đến 6 tháng, trần lãi suất đã giảm 4,75%. Nhờ vậy, hiện đã có nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay từ 0,5% - 1,5% để đồng hành với DN.
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế, TS.LS Bùi Quang Tín, việc hạ các mức lãi suất điều hành của NHNN là động thái kịp thời, đúng lúc giúp cho các NHTM cũng như DN, người dân hạ được chi phí tài chính trong sản xuất kinh doanh và trong cuộc sống; tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh toàn cầu bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19. Đây là bộ chính sách giảm lãi suất đầy đủ nhất so với những lần giảm lãi suất điều hành của NHNN trước đó.
Điều này cũng thể hiện rõ, NHNN đã thay đổi đáng kể về góc nhìn chính sách trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và những biện pháp kiểm soát dịch bệnh gắt gao đang ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các DN. Đặc biệt, theo phân tích của đại diện ngân hàng VietinBank, lần hạ lãi suất này chủ yếu hỗ trợ thanh khoản, giảm chi phí đầu vào cho các NHTM. Cụ thể, nếu huy động vốn từ dân cư giảm, ngân hàng có thể sử dụng công cụ vay tái chiết khấu, tái cấp vốn, liên ngân hàng, bù trừ thanh toán... với lãi suất thấp hơn của NHNN. Qua đó, giúp ngân hàng vẫn đảm bảo được cấp tín dụng với mặt bằng lãi suất cho vay thấp hơn để phục vụ cho nền kinh tế.
Mặc dù vậy, LS.TS Bùi Quang Tín vẫn lo ngại sự tác động của dịch COVID-19 mang tính trung, dài hạn. Cụ thể, giảm lãi suất điều hành chỉ tác động tới các khoản vay mới; trong khi đó, nhu cầu vốn mới của DN hiện nay yếu do kinh doanh đình trệ. Hiện nhiều DN có tâm lý “ngồi im” chờ cơ hội, đặc biệt là chờ gói kích thích của Chính phủ, chờ dịch bệnh kiểm soát xong… Đối với các hợp đồng vay cũ, DN khó lòng được ngân hàng hỗ trợ nếu không chứng minh được bị thiệt hại nặng nề bởi COVID-19.
Giám đốc tư vấn và đầu tư CTCK Kim Eng Phan Dũng Khánh cũng cho rằng, việc tác động của dịch COVID-19 mang tính chất trung, dài hạn hơn là ngắn hạn khi các lệnh phong tỏa vẫn còn ở nhiều quốc gia và châu lục, người dân hạn chế ra đường nên việc sản xuất kinh doanh cũng phải cầm chừng. “Tác động lớn nhất lúc này là giúp DN cầm cự chờ dịch đi qua, trừ một số ngành nghề đặc thù hoặc các DN chuyển đổi cơ chế bán hàng hóa dịch vụ như áp dụng công nghệ nhiều hơn, tăng cường thương mại điện tử”, ông Khánh bình luận thêm.
Trước thực tế này, theo ý kiến của một số chuyên gia, việc giảm lãi suất là chưa đủ mà cần cả sự phối hợp nhịp nhàng của Bộ Tài chính cùng các bộ liên quan mới phát huy hiệu quả các chính sách. Qua đó, cũng để tránh tình trạng chính sách này được thực thi nhưng chính sách khác không được thực thi một cách đồng bộ, dẫn đến sự kìm hãm, níu kéo các chính sách tiên phong như chính sách giảm lãi suất của NHNN.
Chia sẻ thêm vấn đề này, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, bên cạnh giảm lãi suất, cần thêm sự trợ lực của chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Chẳng hạn, những gói cứu trợ nhanh. Thực tế, nhiều DN hiện phải dừng kinh doanh, sản xuất nên thiếu hụt nguồn tiền để trả lương cho người lao động, thanh toán cho đối tác, trả nợ ngân hàng và hàng loạt chi phí khác…
Trong khi đó, dự báo dịch COVID-19 có thể kéo dài đến cuối quý 2/2020, chuyên gia Bùi Quang Tín lo ngại, nếu tình hình như vậy thì doanh thu và lợi nhuận của các ngân hàng sẽ giảm rất mạnh. Do vậy, ngoài các chính sách hỗ trợ giảm lãi suất, giảm chi phí, giãn thuế, giảm thuế thì các ngân hàng cũng nên nhanh chóng thay đổi trong việc hỗ trợ và tiếp cận với khách hàng của mình. Bởi khách hàng cũ hiện nay là quan trọng nhất, nếu không đồng hành sát và tìm hiểu kỹ DN của mình đang cần gì, thiếu gì thì DN sẽ khó có thể tiếp cận được nguồn vay hỗ trợ của ngân hàng.
Hiện các NHTM đã đưa ra nhiều gói hỗ trợ kích cầu, trong đó có gói hỗ trợ tín dụng 285.000 tỷ vừa qua đã thể hiện sự rõ nét về việc đồng hành của các NHTM với DN. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hơn 95% DN Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khó có thể chứng minh được tài sản thế chấp cũng như sự ảnh hưởng tài chính từ dịch COVID-19, trong đó là sự tác động của giảm doanh thu, giảm lợi nhuận của DN như thế nào khó có thể làm báo cáo chứng minh thiệt hại.
Song song đó, muốn được sự hỗ trợ tín dụng của các ngân hàng, DN phải thông qua thẩm định của ngân hàng theo tuân thủ của NHNN nên quá trình thẩm định không thể dễ dàng. Như vậy, số tiền hỗ trợ đi vào thực chất sẽ không được như kỳ vọng, khả năng trên 50% khoảng dư nợ hiện nay sẽ trở thành các khoản nợ xấu nếu diễn biến dịch COVID-19 kéo dài đến quý 3/2020. Trong khi đó, theo Thông tư 02 và 09 của NHNN, nợ xấu sẽ trở thành quỹ trích lập dự phòng, như vậy các khoản các lợi nhuận của ngân hàng giảm đi đáng kể. Chuyên gia Tín cho rằng, gói hỗ trợ tín dụng cho DN cần phải thực hiện lâu dài, theo đó số tiền hỗ trợ thực mới có thể lan toả đến được DN và hiệu quả.
“Đây cũng chính là lúc các ngân hàng nên nhìn lại và thay đổi cách vận hành bộ máy quản lý, cách thức kinh doanh của mình, sự hỗ trợ cho doanh nghiệp cũ và mới, giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động trong mùa dịch COVID-19. Bởi khi giúp DN cũng chính là giúp chính mình, giúp ngân hàng hoạt động tốt hơn.”, chuyên gia Tín chia sẻ thêm.