Hạn hán kéo dài đang tác động nghiêm trọng tới sản xuất, đời sống, sinh hoạt của nhiều trường học, cơ sở y tế và hộ dân nơi đây.
Người dân “gồng mình” chống hạn
Theo thống kê từ Cơ quan Khí tượng thủy văn địa phương, so với cùng kỳ năm 2022, tổng lượng mưa phổ biến trong 4 tháng đầu năm 2023 ở Lào Cai thấp hơn từ 20 - 30%. Nắng hạn đã khiến gần 1.900 ha ngô, lúa, hoa màu bị ảnh hưởng; tập trung chủ yếu tại các huyện Mường Khương, Bảo Yên, Bảo Thắng, Bát Xát và thành phố Lào Cai.
Tại hồ thủy lợi thôn Tảo Giàng (xã Lùng Vai, huyện Mường Khương), mực nước giảm mạnh từ độ sâu hơn 5 m giờ xuống chỉ còn gần 1 m. Hàng chục ha ruộng lúa của người dân các thôn Bồ Lũng, Giáp Cư, Trung Tâm, Lùng Vai, Tảo Giàng đã khô hạn, nứt nẻ. Theo thống kê, xã Lùng Vai hiện có 92 ha lúa, 1.057 ha chè, 300 ha ngô và 300 ha cây giống khác đang bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Để có nước chống hạn cho lúa, nhiều hộ dân chấp nhận vét ao, bán cá non (cá chưa đến kỳ thu hoạch) để bơm nước cứu lúa. Tuy nhiên, đây cũng là giải pháp ngắn hạn bởi vì các chân ruộng nứt nẻ, nước bơm về đến đâu thấm hết đến đó.
Không chỉ ở Lùng Vai, nhiều địa phương khác của huyện Mường Khương cũng gặp khó khăn do tình trạng ít mưa dẫn tới khô hạn. Chị Nguyễn Thị Thanh (thôn Na Lin, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương) cho biết, gia đình chị có khoảng 5.000 cây chè đã chết do bị khô hạn. Những khu vực trồng dứa, quế, lúa bị táp hết vì thiếu nước.
Ông Nguyễn Văn Mão, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Lầu, huyện Mường Khương cho biết, mưa ít dẫn tới khô hạn, rất nhiều các loại cây trồng, nhất là cây ngô bị ảnh hưởng. Diện tích ngô trên địa bàn xã là 260 ha; trong đó có khoảng 154 ha bị ảnh hưởng không phát triển được (cây ngô mới cao hơn 1 m đã cho ra bông nên chất lượng bị kém), chủ yếu ở các nương đồi cao không có nước để tưới do các khe, suối nhỏ đều cạn kiệt. Đặc biệt, địa bàn hiện có trên 600 ha chè đều cơ bản bị khô hạn.
Cùng với thiệt hại về cây trồng, các hộ nuôi cá nước lạnh ở thị xã Sa Pa, huyện Bát Xát chịu thiệt hại nặng nề do thiếu nguồn nước dẫn đến cá chết hàng loạt. Đây cũng là thời điểm đổ nước cho các chân ruộng bậc thang nên tình trạng thiếu nước gia tăng.
Thiếu nước sinh hoạt trầm trọng
Không chỉ thiếu nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, nước phục vụ sinh hoạt của người dân vùng cao của Lào Cai đang dần cạn kiệt. Gần 1 tháng qua, nguồn nước duy nhất cung cấp cho trên 300 học sinh bán trú tại Trường Trung học Phổ thông số 2 Sa Pa liên tục bị mất. Để có nước phục vụ sinh hoạt, thầy cô giáo và học sinh phải chia nhau đến hộ dân xin từng xô nước. Vì vậy, nước sạch được thầy trò ở đây tiết kiệm triệt để từ vệ sinh cá nhân, nấu ăn và sinh hoạt khác.
Chia sẻ với phóng viên, thầy giáo Ma Tân Hợi, Trường Trung học Phổ thông số 2 thị xã Sa Pa cho biết, những ngày này, giáo viên và học sinh của nhà trường như phải sống trên các đảo của Trường Sa. Để có nước sinh hoạt, mọi người phải đến các nhà dân để xin. Nước rửa mặt và tắm xong phải giữ lại để sau đó sử dụng cho nhà vệ sinh hoặc tưới cây. Nhiều hộ dân đã nghĩ đến việc khoan giếng sử dụng nhưng cũng không khả thi. Nguồn nước ngầm cạn kiệt nên việc khoan giếng ở các địa phương vùng cao gặp khó khăn do chi phí cao hơn nhiều lần so với các địa phương ở vùng thấp và nhiều khi khoan xong không có nước.
Tại khu vực đầu nguồn của xã Lùng Vai, huyện Mường Khương, nước từ khe núi chảy vào bể chứa rất ít. Trong khi đó, mực nước trong bể đã cạn đến đáy không thể cấp cho hệ thống phía dưới. Đây là hệ thống cấp nước sinh hoạt cho gần 500 hộ dân các thôn phía dưới trung tâm xã Lùng Vai. Phó Chủ tịch UBND xã Lùng Vai Vàng Việt Trung cho biết, hiện 9/11 công trình cung cấp nước sinh hoạt của xã đang trong tình trạng cạn kiệt nước nghiêm trọng.
Chị Vương Thị Hiền (thôn Tảo Giàng, xã Lùng Vai) chia sẻ, thời gian qua, gia đình chị phải dùng xe máy mang can nhựa đi gần 5 cây số để lấy nước về phục vụ sinh hoạt. Đời sống gia đình vốn đã khó khăn giờ thêm chật vật vì mất thêm tiền xăng, dùng xe máy chở nước về sinh hoạt và bơm tưới cho cây trồng.
Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn xã Lùng Vai có gần 1.000 hộ đang lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt; tập trung nhiều nhất tại các thôn: Bồ Lũng, Giáp Cư, Trung Tâm, Lùng Vai, Tảo Giàng. Trước tình trạng trên, để chủ động chống hạn, lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, xã đã lên phương án điều tiết nước hồ chứa Tảo Giàng và các công trình thủy lợi tại các thôn để ưu tiên nước tưới cho diện tích hạn nặng và điều tiết việc cấp nước sinh hoạt luân phiên.
Ngoài ra, địa phương đã chỉ đạo tổ quản lý vận hành hồ chứa Tảo Giàng phối hợp với tổ thủy nông của thôn thực hiện điều tiết nước ở mức vừa đủ để tưới tiêu và chỉ tháo nước từ hồ ra kênh thủy lợi vào ban ngày (từ 6 giờ - 18 giờ) để đảm bảo người dân có thể lấy nước triệt để… Đồng thời, xã xây dựng thêm đập phụ ở bên dưới đập của công trình thủy lợi thôn Bồ Lũng để tận thu nước thừa từ đầu nguồn về bổ sung cho diện tích ruộng phía dưới…
Đối với việc cấp nước sinh hoạt của các thôn, xã Lùng Vai, xã đã thống nhất với Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ cấp nước Lào Cai tổ chức điều tiết nước bằng cách lấy nguồn nước bổ sung từ hệ thống thủy lợi đưa về bể lắng, sau đó xử lý để cấp vào hệ thống phục vụ nhân dân.
Bên cạnh các biện pháp kỹ thuật, Chi cục Thủy lợi tỉnh Lào Cai đã lập các tổ công tác đến các địa phương để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các phương án cấp nước đã xây dựng, thực hiện đúng lịch lấy nước của từng thôn, khu ruộng; sửa chữa hệ thống mương máng để tránh thất thoát nước.
Chi cục chỉ đạo các tổ thủy nông của các địa phương cung cấp nước tiết kiệm, hợp lý phù hợp với điều kiện sinh trưởng của cây trồng, tránh lãng phí; đồng thời, chuẩn bị máy bơm dã chiến để chuẩn bị cho các cánh đồng thiếu nước trầm trọng.