Động thái này được cho là có thể làm gia tăng xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đại diện doanh nghiệp cho rằng, bên cạnh những thách thức thì cơ hội cũng là không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt; trong đó, nhiều ngành hàng trong nước được dự báo có thể hưởng lợi lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần cảnh giác với việc hàng Trung Quốc núp bóng, lấy thị trường Việt Nam làm chỗ “né” xuất xứ rồi xuất khẩu sang Mỹ.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, việc Mỹ tiếp tục đẩy mạnh đánh thuế lên các sản phẩm của Trung Quốc đã được dự báo trước. Đây là cuộc chiến giữa hai nền kinh tế lớn. Do đó, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam nói chung và ngành thép nói riêng. Đánh giá cụ thể thì cũng chưa có báo cáo chi tiết về thiệt hại đối với việc xuất nhập khẩu các sản phẩm thép Việt đối với hai thị trường này. Tuy nhiên, cuộc chiến này sẽ mang lại cả lợi ích và thiệt hại cho ngành thép trong nước.
Cụ thể, về lợi ích, Mỹ đẩy mạnh áp thuế đối với sản phẩm từ Trung quốc và điều này đã thực hiện qua việc Chính phủ của Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc; trong đó, có mặt hàng thép. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho sự cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam khi đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường này, đặc biệt, là các nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất thép như than, quặng, sắt thép vụn... Giá vật liệu đi xuống có thể giúp cho doanh nghiệp Việt đẩy mạnh sản xuất.
Ở chiều ngược lại, cuộc chiến thương mại này cũng khiến cho Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong việc xuất khẩu thép sang Mỹ. Do vậy, Trung Quốc sẽ tìm mọi cách để lách luật, xuất khẩu thông qua một thị trường khác để tránh bị áp thuế. Thị trường Việt Nam rất có thể là một trong những con đường đó.
Ông Sưa cũng cho hay, thép Việt là một trong những ngành chịu nhiều áp lực từ phòng vệ thương mại nhất. Trong hơn 1 tháng qua, thép Việt phải chịu đến hơn 10 vụ kiện phòng vệ. Nay lại gặp thêm tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ là rất khó khăn cho doanh nghiệp thép trong nước. Thép Trung Quốc thời gian tới có khả năng sẽ tìm cách đẩy mạnh vào thị trường Việt Nam.
Vì vậy, đòi hỏi sự nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam để nâng cao chất lượng sản phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nhằm thuận lợi trong xuất khẩu sang thị trường khác, tránh việc bị áp thuế không đáng có. Ngoài ra, cơ quan chức năng nhà nước cũng cần có những chính sách, biện pháp để kiểm soát chặt chẽ nguồn thép nhập khẩu, bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, tránh việc sản phẩm thép từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam để lẩn tránh thuế xuất khẩu sang Mỹ.
Một số doanh nghiệp trong ngành dệt may cũng cho hay, thời gian qua đã có sự dịch chuyển đơn đặt hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam, số lượng các đối tác là bạn hàng từ Trung Quốc tìm kiếm làm ăn với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tăng lên đáng kể. Ông Trần Văn Quy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH dệt may Trung Quy bày tỏ, bạn hàng từ phía Trung Quốc đã tìm đến Công ty của ông nhiều hơn và mong muốn được hợp tác làm ăn. Tuy nhiên, theo ông Quy thì Công ty vẫn đang cân nhắc lựa chọn khách hàng để tránh những rủi ro.
Còn ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP Hồ Chí Minh chia sẻ, sự dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng khi vừa qua Mỹ tiếp tục gia tăng thuế suất đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ; trong đó có sản phẩm dệt may. Với tình hình này, Trung Quốc sẽ tìm các bạn hàng mới từ các nước; trong đó có Việt Nam, nhằm giảm giá thành sản phẩm để bù đắp việc giảm 10% doanh thu ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt thuế. Điều này sẽ khiến sự cạnh tranh trên thị trường mặt hàng dệt may ngày càng khốc liệt hơn.
Nếu gói trừng phạt 200 tỷ USD được Mỹ thực hiện thì năm 2019 xuất khẩu dệt may sẽ bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại của hai nước lớn, cơ hội cho dệt may Việt Nam là 50/50 và vấn đề là doanh nghiệp có tận dụng được cơ hội hay không? Tuy nhiên, điều doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần lúc này là thông tin cụ thể, cảnh báo sớm từ cơ quan quản lý để doanh nghiệp chủ động, có giải pháp ứng phó. Về phía Cơ quan quản lý của Việt Nam cần cảnh giác với chiêu núp bóng, lấy thị trường Việt Nam làm chỗ né xuất xứ rồi xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ.