Hải Dương: Tiêu thụ nông sản Tết chuyển biến tích cực

Mặc dù chịu tác động từ dịch COVID-19, tuy nhiên, việc tiêu thụ một số mặt hàng nông sản, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ Tết ở một số địa phương của tỉnh Hải Dương những ngày gần đây đã có chuyển biến tích cực.

Chú thích ảnh
Nông dân Hải Dương thu hoạch nông sản trong những ngày có dịch COVID-19. Ảnh minh họa

Cuối tháng 1/2021, khi dịch COVID-19 tại Hải Dương mới bùng phát, thành phố Chí Linh áp dụng phong tỏa, cách ly y tế, việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn. Các mặt hàng rau, củ, quả và sản phẩm chăn nuôi trong tỉnh bị ảnh hưởng do nhiều doanh nghiệp không đến thu mua.

Trước tình hình này, UBND tỉnh Hải Dương đã kịp thời có văn bản gửi các tỉnh, thành phố đề nghị quan tâm, tạo điều kiện cho các xe chở hàng hóa, vật tư, nhu yếu phẩm, các sản phẩm nông nghiệp lưu thông qua các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình đảm bảo mục tiêu “kép” như Chính phủ đã đặt ra. Đồng thời, Sở Giao thông vận tải Hải Dương cũng đã ban hành hướng dẫn đối với các phương tiện vận tải. 

Trong khoảng 1 tuần trở lại đây, lượng xe của thương lái, doanh nghiệp về Chí Linh thu mua gà đồi tăng lên từng ngày. Riêng trong ngày 7/2 đã có 64 lượt xe ô tô đến thu mua.

Chú thích ảnh
Xe vận tải vào vùng dịch thu mua nông sản đều được phun khử trùng.

Ông Vũ Văn Hoạt, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Dương cho biết, để đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch, cán bộ chi cục đã và đang tăng cường tại các chốt kiểm dịch để hỗ trợ tối đa, phối hợp với lực lượng chức năng hướng dẫn các lái xe chấp hành quy định phòng dịch, kiểm tra sức khỏe cho lái xe, phun khử khuẩn phương tiện vận chuyển, yêu cầu lái xe không tiếp xúc gần với người dân… Chi cục cũng khảo sát và cung cấp danh sách các hộ nuôi cho đơn vị thu mua.

Ước tính, từ khi bùng phát dịch COVID-19 đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cấp khoảng 5.000 lít hóa chất phục vụ vệ sinh tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường khu vực chăn nuôi, buôn bán, giết mổ động vật và hỗ trợ việc khử trùng cho các xe tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong quá trình vận chuyển đi tiêu thụ.

Với sự hướng dẫn, hỗ trợ của các cơ quan chức năng, đến nay, đã có khoảng 300 lượt xe ô tô đã tới thu mua gà cho các hộ chăn nuôi ở Chí Linh với giá bán tương đương giá thị trường. Ước tính có gần 500.000 con gà đồi Chí Linh đã được tiêu thụ.

Việc tiêu thụ các sản phẩm trứng gia cầm tại huyện Cẩm Giàng – địa phương mới thiết lập vùng cách ly y tế vẫn diễn ra tương đối thuận lợi. Mỗi ngày có khoảng 200.000 quả trứng gia cầm được đưa đi tiêu thụ.

Bên cạnh các sản phẩm chăn nuôi, đầu ra cho các loại rau màu cũng có chiều hướng khả quan. Theo ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Chí Linh, những ngày qua, sau khi có chỉ đạo và hướng dẫn của tỉnh ban hành, các doanh nghiệp đến thu mua cà rốt ở các vùng trồng chuyên canh đã rục rịch tăng trở lại. Đến thời điểm này, ước tính đã tiêu thụ được trên 300 tấn cà rốt.

Ông Bùi Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Nhân Huệ, thành phố Chí Linh cho biết, xã có trên 100ha cà rốt; trong đó khoảng từ 50 -  60 ha cho thu hoạch trước Tết Nguyên đán. Năng suất và chất lượng cà rốt năm nay rất cao, ước tính khoảng 50 tấn/ha. Nhờ sự quan tâm và tháo gỡ kịp thời của tỉnh, việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp nói chung của Nhân Huệ mấy hôm nay đã thuận lợi hơn.

Ước tính đến ngày 8/2, mỗi ngày có khoảng trên 50 tấn rau màu của xã Nhân Huệ; trong đó có 30 tấn cà rốt được thu mua và vận chuyển đi bán ở các tỉnh. Giá bán cà rốt hiện nay khoảng 6.000 đồng/kg. Hiện chỉ còn khoảng 20 ha cà rốt chưa thu, xã đang vận động bà con thu hoạch. Những xe thu mua nông sản khi đi qua chác chốt kiểm dịch đều được phun khử khuẩn phương tiện và người lái, đảm bảo yêu cầu chống dịch.

Đối với một số diện tích su hào, súp lơ, cải bắp tại huyện Gia Lộc, theo bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, giá bán các loại rau củ thời điểm này không được cao như đầu vụ. Cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp vẫn đang nỗ lực kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua rau, sẵn sàng giải quyết nhanh nhất những vướng mắc của các thương lái khi lưu thông, vận chuyển.

Một số mặt hàng trái cây bán Tết như cam, ổi, chuối tại các địa phương trong tỉnh cũng tương đối khả quan. Đến nay, người dân vùng trồng chuối Thanh Khê, Thanh Hà đã tiêu thụ được 90% sản lượng. Ông Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch UBND xã Thanh Khê cho biết: “Sau khi tỉnh có văn bản tháo gỡ khó khăn về vận chuyển hàng hóa nông sản, việc thu mua chuối của nông dân trong xã thuận lợi hơn. Tuy vậy, dịch bệnh nên giá chuối chỉ bằng từ 50 - 60% so với Tết năm trước. Thay vì bán từ 400 - 500.000 đồng/buồng như năm trước, nay chỉ tư 250 - 300.000 đồng/buồng. Với giá bán này, bà con lãi 50 triệu đồng/sào (360 m2/sào).

Tương tự, tại đất ổi Liên Mạc, huyện Thanh Hà, gần 500 ha ổi của xã cơ bản đã qua giai đoạn cao điểm thu hoạch. Theo đại diện lãnh đạo xã, những ngày qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá ổi chỉ bằng 50% so với trước dịch. Tuy nhiên, 80% diện tích ổi đã thu từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch nên hiện giờ chỉ còn khoảng 20% diện tích, sẽ thu rải rác từ nay đến qua Tết. Từ khi tỉnh Hải Dương có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố lân cận hỗ trợ việc lưu thông hàng hóa, hàng ngày, UBND xã cấp giấy xác nhận địa bàn chưa có dịch, Trạm y tế xác nhận sức khỏe của các lái xe để hỗ trợ cho các thương lái trong quá trình vận chuyển ổi đi tiêu thụ.

Đối với thị xã Kinh Môn, các loại cam và bưởi đã bán hết từ trước khi dịch bùng phát nên nông dân vẫn có lãi cao. Phường Thất Hùng có khoảng 45 ha trồng cam và bưởi. Năm nay, cam Vinh với giá bán 25.000 đồng/kg cam, cam đường canh từ 35.00 - 40.000 đồng/kg, bưởi từ 20 - 25.000 đồng/quả, nông dân vẫn có lãi khoảng 400 - 500 triệu đồng/ha trồng cam, bưởi.

“Hiện nay, việc tiêu thụ nông sản của địa phương cơ bản chỉ còn ổi bị ảnh hưởng, giá bán giảm khoảng 50% so với thời điểm cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên diện tích không đáng kể và bà con có thể thu hoạch rải vụ đến tháng Giêng”, ông Nguyễn Trọng Thuấn, Chủ tịch UBND phường Thất Hùng, thị xã Kinh Môn cho biết.

Riêng hành và tỏi – loại cây trồng chủ lực vụ đông của Kinh Môn, do có lợi thế để khô được nên hiện nông dân địa phương đang thu hoạch, mang về phơi khô đợi khi hết dịch, việc lưu thông thuận lợi hơn mới bán.

Tin, ảnh: Mạnh Minh (TTXVN)
'Giải cứu’ nông sản vùng dịch
'Giải cứu’ nông sản vùng dịch

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, người nông dân tại nhiều địa phương trên cả nước bất ngờ rơi vào cảnh lao đao do kênh tiêu thụ bị thu hẹp, hàng hóa ế ẩm, giá cả lao dốc, nhất là ở các địa phương vùng dịch như Quảng Ninh, Hải Dương, Gia Lai... Ở đây, lượng nông sản tồn đọng là khá lớn. Các cơ quan chức năng đã và đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi để hỗ trợ người dân, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa ổn định, phát triển kinh tế - xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN