Hải Dương thu ngân sách về đích trước 3 tháng

Theo Sở Tài chính Hải Dương, từ đầu năm đến nay, tỉnh Hải Dương đã thu ngân sách trên 21.600 tỷ đồng, đạt 110% dự toán năm và bằng 158% so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó, thu nội địa của Hải Dương ước được 18.671 tỷ đồng, đạt 110% so với dự toán năm và bằng 162% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Trọng Tiến,  Phó Cục trưởng Cục thuế Hải Dương cho biết, đến nay, có 8 khoản thu vượt dự toán gồm: Thu tiền sử dụng đất; thu từ lợi nhuận, cổ tức được chia; thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước trung ương; thu từ khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh; thu thuế thu nhập cá nhân; thu tiền thuê đất; thu khác ngân sách (phạt vi phạm hành chính); thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Còn lại 8 khoản thu đạt khá, đạt trên 80% so với tiến độ dự toán.

Theo Giám đốc Sở Tài chính Hải Dương Nguyễn Trọng Tuệ, trong 9 tháng, tổng chi ngân sách của Hải Dương ước đạt trên 11.000 tỷ đồng, bằng 123% so với cùng kỳ; trong đó, chi cho đầu tư phát triển là trên 2.245 tỷ đồng, đạt 42% kế hoạch vốn năm 2024; chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo là trên 3.357 tỷ đồng; chi cho sự nghiệp y tế là trên 394 tỷ đồng; chi sự nghiệp kiến thiết kinh tế là trên 556 tỷ đồng; chi đảm bảo xã hội trên 838 tỷ đồng…

Cũng theo lãnh đạo Sở Tài chính, năm 2024, Hải Dương dự kiến tổng thu ngân sách là trên 28.000 tỷ đồng; trong đó thu nội địa dự kiến đạt trên 24.700 tỷ đồng (dự kiến thu cao nhất từ trước đến nay). Tổng chi ngân sách năm 2024 dự kiến là trên 26.700 tỷ đồng.

Để đạt được số thu ngân sách như dự toán, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đề nghị các cấp, các ngành cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tiến độ thu, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực thu, sắc thuế để có phương án chỉ đạo, điều hành thu kịp thời, dự báo thu hàng tháng, quý sát đúng với thực tế phát sinh.

Ngành thuế tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp để triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thu; chủ động triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải phápcquản lý thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.

Cục thuế chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh cụ thể theo từng giai đoạn, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương trình Ban Chỉ đạo thu ngân sách nhà nước và UBND tỉnh phê duyệt.

Các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương tích cực rà soát, phối hợp cung cấp thông tin, dữ liệu theo đề nghị của cơ quan thuế để kịp thời xác định nghĩa vụ tài chính, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý chặt chẽ, góp phần tăng cường quản lý nguồn thu ngân sách nhà nước.

Ngành thuế tiếp tục rà soát các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng đăng ký, kê khai, nộp thuế, phí và triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên địa bàn. Việc thực hiện hoàn trả ngân sách nhà nước đã đầu tư tại các dự án được giao đất được hưởng ưu đãi đầu tư như trường học, bệnh viện; tiền người sử dụng đất phải nộp bổ sung đối với thời gian chưa tính tiền thuê đất, tiền sử dụng đất.

Cục thuế Hải Dương tập trung kiểm tra hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu trong toàn tỉnh. Triển khai bản đồ số hộ kinh doanh và các giải pháp quản lý thuế hiệu quả đối với cá nhân kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh thương mại điện tử, chuyển nhượng bất động sản.

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu chính quyền các địa phương, Sở Tài nguyên Môi trường và các Sở, ngành liên quan nhanh chóng triển khai các dự án có liên quan đến đấu giá thu tiền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và tập trung xử lý các dự án còn tồn đọng chưa tính tiền sử dụng đất để tăng thêm nguồn thu cho ngân sách.

Các địa phương phối hợp với các ngành khẩn trương đẩy mạnh việc xử lý tài sản dôi dư, không còn nhu cầu sử dụng để tạo nguồn tài chính bổ sung ngân sách nhà nước phục vụ cho mục tiêu đầu tư phát triển và các nhu cầu khác theo quy định…

Đối với chi ngân sách, lãnh đạo tỉnh Hải Dương yêu cầu các sở, ngành, đơn vị dự toán, các địa phương tiếp tục điều hành chi ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý và sử dụng ngân sách.

Các cấp, các ngành hạn chế tối đa việc ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi không thật sự cần thiết và không có nguồn để đảm bảo. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương đề nghị đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; gắn tiến độ giải ngân, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công với trách nhiệm người đứng đầu.

Đồng thời, đẩy mạnh thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công; trong đó, có vướng mắc về đất đai, giải phóng mặt bằng... Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập; chủ động rà soát danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; đẩy mạnh cung ứng sản phẩm, quản lý chặt chẽ công tác mua sắm, kiểm soát chặt chẽ quy trình mua sắm tài sản công theo đúng tiêu chuẩn, định mức quy định của pháp luật hiện hành…

Mạnh Tú (TTXVN)
Chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước
Chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước

Ngày 3/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 36/CT-TTg về việc thực hiện Nghị quyết số 132/2024/QH15 ngày 24/6/2024 của Quốc hội về bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN