Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, hoàn thành mục tiêu chương trình năm 2022 về thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025, bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương, nhất là 2 huyện chưa về đích nông thôn mới là Ba Vì và Mỹ Đức quyết liệt, tập trung nguồn lực đầu tư để hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới trong năm 2022.
Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2022 có thêm 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và có thêm hai huyện đạt chuẩn nông thôn mới...
Bà Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, các địa phương thay đổi mạnh mẽ về tư duy, nhận thức một cách toàn diện về phát triển nông nghiệp cho phù hợp với tình hình mới, trên cơ sở phát huy tối đa đặc thù, lợi thế của nông nghiệp Thủ đô để phát triển. Các địa phương soát lại chính sách về hỗ trợ xây dựng hạ tầng tại các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, thủy sản; chính sách khuyến khích đầu tư thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp…
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới Hà Nội cho biết, vừa qua Đoàn thẩm định của thành phố đã tiến hành đánh giá các tiêu chí của 5 xã theo đề xuất của huyện Đan Phượng. Theo đó, 5/5 xã đủ điều kiện trình Hội đồng thành phố xem xét, trình Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu ở một số tiêu chí riêng.
Cụ thể, xã Đan Phượng đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong các lĩnh vực, môi trường, giáo dục và đào tạo, y tế, tổ chức sản xuất, du lịch; xã Thọ Xuân đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về giáo dục và đào tạo, y tế; xã Liên Hà đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về giáo dục và đào tạo, y tế, tổ chức sản xuất.
Trong khi đó, xã Song Phượng cũng đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về các lĩnh vực, văn hóa, giáo dục và đào tạo, y tế; xã Tân Hội đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trên các khía cạnh về văn hóa, giáo dục và đào tạo, y tế.
Ông Lê Văn Thìn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đan Phượng cho biết, năm 2021, huyện ủy Đan Phượng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội và nhiều nhiệm vụ trọng tâm khác.
Tổng giá trị sản xuất của huyện Đan Phượng đạt 15.232 tỷ đồng, đạt 97,6% kế hoạch và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2020. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch tích cực. Đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng của huyện chiếm 46,76%; thương mại - dịch vụ chiếm 46,5%; nông nghiệp còn 6,83%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đạt 864,5 tỷ đồng, đạt 111,4% dự toán...