Đồng thời, tạo mọi điều kiện thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn sản xuất kinh doanh.
Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 10/2021 ước tính đạt 3.834 tỷ đồng, tăng 37,4% so với tháng trước và giảm 16,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính chung 10 tháng năm 2021, vốn thực hiện đạt 32,3 nghìn tỷ đồng, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước và bằng 63,7% kế hoạch năm. Trong số đó, vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố thực hiện 15,4 nghìn tỷ đồng, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt 65,4% kế hoạch năm. Vốn ngân sách nhà nước cấp quận, huyện thực hiện 15,3 nghìn tỷ đồng, giảm 12,7% và đạt 61,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã, phường thực hiện 1,6 nghìn tỷ đồng, giảm 1,1% và đạt 72%.
Dự án tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội), có chiều dài 12,5 km, gồm 8,5 km đi trên cao và 4 km đi ngầm với tổng mức đầu tư 32,9 nghìn tỷ đồng. Đến nay, tiến độ thực hiện các gói thầu phần trên cao đạt trên 90%; việc giải phóng mặt bằng các ga ngầm cơ bản hoàn thành và 10/10 đoàn tàu đang được chạy thử nghiệm. Dự kiến thời gian tới, 10 đoàn tàu sẽ chạy liên tục tại các ga trên cao với chiều dài 8,5 km đoạn Nhổn - Cầu Giấy.
Dự án đường Vành đai 2 đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, đến nay, tiến độ toàn dự án ước đạt trên 80% khối lượng công việc; đã hoàn thành đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến cầu Mai Động và đoạn từ Ngã Tư Vọng đến Ngã Tư Sở. Hiện dự án đường Vành đai 2 trên cao đang được nhà thầu khẩn trương triển khai thi công để kịp đảm bảo tiến độ.
Dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) có tổng mức đầu tư hơn 2,5 nghìn tỷ đồng. Cầu có tổng chiều dài và đường dẫn hơn 3,4 km, được khởi công từ đầu năm 2021. Đến nay, nhà thầu đã hoàn thành khoan nhồi nhiều trụ cầu và đang hoàn thiện mặt bằng đường dẫn lên cầu. Hiện, việc thi công đang bị chậm lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng nhà thầu đang cố gắng đảm bảo các biện pháp phòng dịch cũng như huy động nhân lực nhằm thi công vượt tiến độ dự án.
Song song với việc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm để phát triển kinh tế xã hội, thành phố Hà Nôi luôn quan tâm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Riêng tháng 10, thành phố có 14 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 9,6 triệu USD.
Bên cạnh đó, có 7 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký đạt 27,1 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần 21 lượt, đạt 138,3 triệu USD.
Lũy kế 10 tháng năm 2021, toàn hành phố thu hút 1,2 tỷ USD vốn FDI; trong đó, đăng ký cấp mới 256 dự án với số vốn đạt 196,2 triệu USD; 92 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 506,6 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 336 lượt, đạt 410,3 triệu USD.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp trong những tháng dịch bệnh lắng xuống cũng có nhiều khởi sắc. Trong tháng 10, thành phố có 2.298 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, vốn đăng ký đạt 37,1 nghìn tỷ đồng; thực hiện thủ tục giải thể cho 292 doanh nghiệp; 1.332 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động; 1.060 doanh nghiệp trở lại hoạt động, gấp 2 lần cùng kỳ năm trước.
Tính chung 10 tháng năm 2021, Hà Nội có 19,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký đạt 275,2 nghìn tỷ đồng, giảm 2%; thực hiện thủ tục giải thể cho 2,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 26%. Hà Nội có 11 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 17% và có 9,1 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 76% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.
Thành ủy, UBND thành phố đang có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trở lại sản xuất, tiêu thụ hàng hóa sau dịch COVID-19. Tháng 10, UBND thành phố đã tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại tháo gỡ khó khăn cho hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn. UBND thành phố Hà Nội cũng vừa ban hành kế hoạch tiếp tục tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho những doanh nghiệp khác, dự kiến được tổ chức trong tuần từ 3 -6/11/2021.