Trước đó, từ ngày 21/9, Hà Nội thực hiện Chỉ thị số 22/CT-UBND của UBND thành phố về việc điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thủ đô trong tình hình mới, chuyển từ việc áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg sang Chỉ thị số 15/CT-TTg và một số biện pháp cao hơn để phù hợp với tình hình thực tế.
Các công trình xây dựng cơ bản được hoạt động trở lại với các điều kiện cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh. Thành phố giao Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, Sở Công Thương và UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp các đơn vị liên quan quản lý, hướng dẫn tổ chức hoạt động xây dựng căn cứ quy mô công trình, thẩm quyền quản lý. Tuy nhiên, thành phố không cho phép các công trình xây dựng hoạt động trở lại tại các "vùng đỏ".
Là một trong 6 công trình giao thông trọng điểm, cấp bách trên địa bàn Thủ đô được phép thi công trong thời gian giãn cách xã hội, dự án cầu Vĩnh Tuy 2 vẫn đang giữ vững khí thế lao động khẩn trương, nhanh chóng. Cán bộ, công nhân lao động của liên danh Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Xây dựng Trung Chính quyết tâm giữ đúng tiến độ đặt ra.
Đại diện Vinaconex cho biết, ở thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của thành phố Hà Nội, dự án gặp một vài khó khăn do việc nhập khẩu vật liệu xây dựng, mua bán, vận chuyển thiết bị, nguyên vật liệu cần thiết tới công trình từ địa phương khác vào Hà Nội bị chậm so với dự kiến. Khắc phục khó khăn, các nhà thầu thi công đã triển khai các biện pháp hiệu quả để duy trì thi công nên tiến độ dự án vẫn được đảm bảo.
Cán bộ, công nhân lao động tại dự án cầu Vĩnh Tuy 2 tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc phòng, chống dịch trên công trường. Tất cả công nhân, cán bộ kỹ thuật khi làm việc phải đeo khẩu trang, đo nhiệt độ vào buổi sáng trước khi bắt đầu làm việc, sát khuẩn tay, tuân thủ nghiêm quy định 5K.
Theo nhà thầu Vinaconex, hiện tại, trên công trường có gần 500 công nhân cùng làm việc. Lực lượng này được chia thành 11 mũi với 3 ca liên tục từ sáng tới tối muộn, theo sát kế hoạch đã được đề ra. Công nhân được bố trí nơi ăn ở linh hoạt, thực hiện "3 tại chỗ", đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Tương tự, tại dự án Đường vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã tư Vọng, công tác thi công từng hạng mục đang được công nhân xây dựng tăng tốc thực hiện với tâm thế làm việc tích cực, chủ động. Hiện tại, dự án được chia thành hai phần đường gồm phần đường trên cao (từ đường Vĩnh Tuy đến Ngã tư Sở) và phần dưới thấp (từ đường Vĩnh Tuy đến Ngã tư Vọng). Đoạn trên cao từ Ngã tư Vọng đến Ngã tư Sở đã được hoàn thành, phần dưới thấp như đoạn từ ngã tư Minh Khai đến chân cầu Vĩnh Tuy đã thông xe. Hai đoạn vành đai trên cao từ đường Vĩnh Tuy đến Chợ Mơ và từ Chợ Mơ đến Ngã tư Vọng, phần còn lại đoạn dưới thấp đang được tập trung hoàn thiện.
Để kịp hoàn thành đúng tiến độ, các nhà thầu chủ động triển khai nhiều mũi thi công đồng loạt, công nhân xây dựng được chia ca theo ca làm và ở từng phần khác nhau. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 được ưu tiên hàng đầu khi tại các địa điểm thi công có hơn 500 người cùng làm việc như: yêu cầu đo nhiệt độ trước khi vào công trường, ghi danh sách khai báo những người tới làm việc theo ngày, công nhân bắt buộc phải mặc đồ bảo hộ và đeo khẩu trang khi làm việc…
Cũng vào thời điểm này, công nhân tại dự án Trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đang cùng nhau vừa tham gia sản xuất vừa đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả. Theo thông tin từ phía nhà thầu, dự án xây dựng trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội có mật độ xây dựng đạt khoảng 24% và vẫn đang được đẩy nhanh tiến độ. Nhà thầu và chủ đầu tư luôn đốc thúc, theo dõi sát sao công trình, cùng người lao động sớm cán đích hoàn thành dự án mà vẫn đảm bảo chất lượng công trình.
Anh Nguyễn Duy Hương, Chỉ huy trưởng công trình Trụ sở Tòa án, cho biết, thành phố nới lỏng việc giãn cách nhưng chúng tôi không nới lỏng công tác phòng dịch tại công trường. Người lao động đang làm việc tại dự án đều có ý thức phòng, chống dịch, tuân thủ nghiêm việc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách trong quá trình thi công, thực hiện phương án sản xuất an toàn "3 tại chỗ" ngay tại công trình để việc thi công được triển khai thuận lợi.
Cũng trong thời điểm làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, tại công trường hai Dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3, việc đảm bảo tiến độ thi công an toàn, nhanh chóng luôn được chủ đầu tư, đơn vị thi công đặt lên hàng đầu, nhất là công tác phòng, chống dịch tại địa phương, đảm bảo an toàn cho công nhân lao động.
Theo đại diện Công ty Cổ Phần Tập đoàn Cienco4 (hiện đang là nhà thầu thi công và liên danh thi công tại một số dự án đầu tư công, công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn Thủ đô), tác động của dịch bệnh và nguyên vật liệu xây dựng đầu vào có xu hướng tăng, giảm thất thường khiến việc triển khai dự án cũng bị ảnh hưởng. Trước những khó khăn này, công ty đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo dự án được thi công đúng tiến độ. Công ty đã lên kế hoạch, chủ động nguồn nhân lực nên không bị thiếu hụt công nhân lao động; đồng thời, chủ động phối hợp cùng chính quyền địa phương cho xe vận chuyển vật liệu di chuyển đến các công trường dự án kịp thời để tiếp tục thi công, hoàn thiện dự án.
Không chỉ có công nhân lao động các dự án, công trình trọng điểm cấp bách của thành phố mà cả những công nhân lao động tại nhiều công trình xây dựng nhỏ lẻ, nhà ở, công trình xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp trường học, bệnh viện… được phép thi công cũng nhanh chóng bắt nhịp lại, tham gia sản xuất.
Đáng chú ý, vào thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, các dự án nhỏ lẻ tại nhiều quận huyện phải dừng thi công để phòng, chống dịch, đời sống công nhân xây dựng gặp nhiều khó khăn khi không có tiền, không đủ lương thực, thực phẩm.
Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Long Biên, việc nới lỏng giãn cách xã hội khiến người lao động vui mừng khi được tham gia thi công trở lại để tiếp tục ổn định cuộc sống. Không khí tại các công trường xây dựng trở nên sôi động hơn, công nhân làm việc tập trung để hoàn thành nhiệm vụ.
Đối với các dự án cần được xây dựng để hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công, chính quyền các quận, huyện, thị xã phối hợp với chủ đầu tư, các công ty xây dựng thực hiện các gói thầu lên phương án tổ chức lại hoạt động xây dựng tại công trình đáp ứng yêu cầu an toàn phòng, chống dịch, gấp rút hoàn thành theo đúng thời hạn đã đề ra, không để chậm muộn làm ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn.