Quan điểm của lãnh đạo thành phố Hà Nội là sẽ tiếp tục xem xét, tìm cách tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai dự án một cách thuận lợi nhất; đồng thời cũng cương quyết thu hồi các dự án mà chủ đầu tư cố tình vi phạm, trì hoãn.
Năm 2018, cùng với việc theo dõi, kiểm tra, xử lý đối với 39 dự án bị chấm dứt hoạt động, vi phạm pháp luật về đất đai; trong đó, đã công khai 16 dự án hoàn toàn bị chấm dứt hoạt động theo quy định; thành phố hiện đang chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, rà soát đối với 383 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai.
Đáng chú ý, mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã có Kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc đầu tư 8 dự án sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Kết quả, cả 8 dự án đều chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Đó là những dự án do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội thanh tra, bao gồm: Bãi đỗ xe tại ô đất ký hiệu A11/P2 phường Đại Kim, quận Hoàng Mai và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì; Bãi đỗ xe tải và dịch vụ công cộng; Bệnh viện chuyên khoa mắt kỹ thuật cao Sài Gòn - Hà Nội; Trường Mầm non khu đô thị Đồng Tầu; Trường tiểu học Bắc Cổ Nhuế; Trường trung cấp nghề Thiên Đức; Trường trung học phổ thông dân lập Trần Quang Khải; Trường trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành.
Căn cứ theo kết quả kiểm tra, xác minh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội phê bình các nhà đầu tư để xảy ra các thiếu sót, vi phạm; đồng thời, yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm và thực hiện các quy định liên quan đến tiến độ triển khai dự án, chế độ báo cáo về hoạt động đầu tư, báo cáo giám sát đánh giá dự án đầu tư. Đối với 5 dự án đã cam kết tiến độ phải khẩn trương lập hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư, điều chỉnh tiến độ để tổng hợp trình UBND thành phố xem xét, quyết định.
Thành phố cũng chỉ đạo các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường hơn nữa việc phối hợp, đôn đốc các dự án sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư để hỗ trợ nhà đầu tư khi gặp khó khăn cũng như xử lý kịp thời các vi phạm; có kế hoạch thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại khu vực có dự án được phê duyệt nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai dự án cũng như khớp nối hạ tầng kỹ thuật.
Theo Kết luận thanh tra, cả 8 dự án nói trên đều chậm tiến độ theo giấy chứng nhận đầu tư hoặc giãn tiến độ thực hiện dự án, giãn tiến độ đầu tư nhưng không đề xuất bằng văn bản với cơ quan đăng ký đầu tư hoặc có thông báo nhưng chưa được sự chấp thuận của cơ quan này; không thực hiện báo cáo về hoạt động đầu tư, báo cáo giám sát đánh giá dự án đầu tư.
Cụ thể, có 3/8 dự án sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư đã thực hiện cơ bản hoàn thành hoặc thực hiện một phần các thủ tục đầu tư, xây dựng, nhưng dừng thực hiện; trong đó, có nguyên nhân khó khăn về nguồn vốn thực hiện dự án, hoặc do dự về hiệu quả đầu tư nên chưa triển khai.
Như dự án Trường Mầm non khu đô thị Đồng Tầu đã cơ bản hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng từ năm 2011, song, tại thời điểm thanh tra ngoài thực địa, nhà đầu tư vẫn chưa triển khai xây dựng các hạng mục, công trình. Dự án Bệnh viện chuyên khoa mắt kỹ thuật cao Sài Gòn Hà Nội của Công ty cổ phần Bệnh viện mắt Sài Gòn, nhà đầu tư chưa tích cực phối hợp, liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để hoàn thiện các thủ tục về đất đai, xây dựng.
Tương tự, dự án Trường trung cấp nghề Thiên Đức của Công ty TNHH Trường Thiên Đức, từ năm 2013 đến nay, nhà đầu tư cũng không liên hệ, phối hợp với các cơ quan có liên quan để thực hiện và hoàn thiện các thủ tục về đất đai, xây dựng mặc dù đã có văn bản yêu cầu của cơ quan chức năng. Theo kiểm tra hồ sơ cho thấy, nhà đầu tư này đang gặp khó khăn về nguồn vốn và chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế đối với Nhà nước (Chi Cục thuế huyện Sóc Sơn đã có thông báo Thông báo số 1192/TB-CCT ngày 05/4/2018 về việc Công ty TNHH Trường Thiên Đức không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế).
Có 3 dự án, nhà đầu tư đã triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng nhưng do vướng mắc về khớp nối hạ tầng với khu vực dẫn đến chậm tiến độ (dự án không có đường vào). Đơn cử như dự án xây dựng Bãi đỗ xe tại ô đất ký hiệu A11/P2 phường Đại Kim và xã Tân Triều của Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh xuất nhập khẩu Vạn Xuân chậm tiến độ; trong đó có nguyên nhân khách quan là do tuyến đường chính đi vào dự án là tuyến đường bao quanh Khu tưởng niệm Chu Văn An chưa đưa vào khai thác sử dụng.
Do vậy, trong quá trình thi công dự án, nhà đầu tư đã phải đi nhờ tuyến đường nội bộ của Cụm công nghiệp làng nghề Tân Triều. Hay dự án Bãi đỗ xe tải và dịch vụ công cộng của Công ty TNHH Khang Minh, chủ đầu tư đang dừng giải phóng mặt bằng, chờ làm thủ tục đấu nối đường vào dự án với tuyến đường 100 mới mở; dự án xây dựng Trường tiểu học Bắc Cổ Nhuế cũng chờ đấu nối với tuyến đường Phạm Văn Đồng đang thi công.
Đáng chú ý, tại thời điểm thanh tra có 1 nhà đầu tư có văn bản thông báo không còn nhu cầu thực hiện dự án; 1 nhà đầu tư không phối hợp với Đoàn thanh tra và có tên trong danh sách các dự án chậm tiến độ. Hai dự án này thuộc diện dự án phải “chấm dứt hoạt động dự án đầu tư” theo quy định tại Điều 48 Luật Đầu tư năm 2014. Đó là Trường trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành và Trường trung học phổ thông dân lập Trần Quang Khải.
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, nguyên nhân để xảy ra tình trạng tồn tại các dự án chậm triển khai nói trên là do một số chủ đầu tư có khó khăn về tài chính, chưa có kinh nghiệm trong thực hiện dự án (chưa lường hết khó khăn về khớp nối hạ tầng khi lựa chọn vị trí dự án; việc triển khai các thủ tục đầu tư còn lúng túng...), nhiều nhà đầu tư còn do dự về hiệu quả đầu tư... nên chưa tích cực phối hợp với các cấp chính quyền và các cơ quan liên quan giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các thủ tục về đầu tư.
Tuy nhiên, về khách quan, cũng do sự biến động về kinh tế - xã hội cũng như sự thay đổi về cơ chế, chính sách pháp luật khiến nhà đầu tư phải xem xét, cân nhắc lại hiệu quả của dự án. Mặt khác, do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai hay việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại nhiều nơi còn chậm, thiếu đồng bộ, cũng gây khó khăn trong khớp nối hạ tầng dự án với khu vực. Sự phối hợp trong các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương còn chưa chặt chẽ; việc đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, xử lý vi phạm chưa kịp thời.
Để xảy ra các hạn chế, thiếu sót vi phạm nêu trên, Kết luận thanh tra của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội chỉ rõ, trách nhiệm chính thuộc về các nhà đầu tư, song các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và chính quyền địa phương nơi có dự án thực hiện cũng có phần trách nhiệm trong việc đôn đốc, theo dõi các dự án.
Căn cứ Nghị định 50/2016/NĐ-CP ngày 01/6/2016 của Chính phủ, đoàn thanh tra ban hành 5 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 nhà đầu tự do đã thực hiện các hành vi vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 175 triệu đồng. Đối với 2 dự án (Trường trung học phổ thông dân lập Trần Quang Khải và Trường trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành), đoàn thanh tra đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét lập hồ sơ chấm dứt hoạt động đầu tư.