Đây là tình trạng chung, tại tỉnh, thành phố đang có tốc độ đô thị hoá cao gặp phải. Nhưng với cách làm hay đã giúp Hà Nội giảm dần diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang.
Theo ông Nguyễn Quang Y, Giám đốc Hợp tác xã Thương mại, dịch vụ, tổng hợp Duyên Thái (huyện Thường Tín - Hà Nội), để người dân không bỏ ruộng hoang cần đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhiều hơn, có chính sách hỗ trợ, giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản.
Cụ thể, vụ Xuân năm 2024, lần đầu tiên hợp tác xã triển khai mô hình “mượn ruộng” của dân để sản xuất, với tổng diện tích 30 mẫu. Với diện tích này, hợp tác xã đã đưa máy móc vào sản xuất theo hình thức cánh đồng mẫu lớn, phân chia thành 2 mô hình: Vàn cao (chiếm 50% diện tích) cấy 2 vụ lúa, sử dụng máy cấy; vàn trũng cấy một vụ lúa bằng hình thức gieo sạ và 1 vụ cá. Do cơ giới hóa sản xuất nên việc triển khai cấy lúa xuân diễn ra nhanh gọn. Cây lúa cấy máy đều, rảnh thưa và bám vào đất sâu hơn so với cấy tay, nên sinh trưởng, phát triển tốt hơn.
"Thấy cấy máy hiệu quả, nhiều hộ đã đăng ký với hợp tác xã nhận ruộng làm theo mô hình liên kết. Sau khi thu hoạch vụ Xuân xong, chúng tôi sẽ đánh giá hiệu quả để nhân rộng. Hy vọng, thành công của mô hình này sẽ truyền cảm hứng cho người dân không bỏ ruộng hoang", ông Nguyễn Quang Y chia sẻ.
Ông Tô Văn Dũng, ở xã Duyên Thái, huyện Thường Tín cho biết, do công việc đồng áng vất vả, chi phí sản xuất cao, thu nhập thấp nên gia đình ông cũng không mấy mặn mà với sản xuất nông nghiệp. Nhưng vụ xuân năm nay, hợp tác xã đưa máy móc vào làm đất, gieo cấy và còn nhận làm tất cả các khâu dịch vụ cho người dân, như chăm sóc, bón phân, bảo vệ thực vật đến thu hoạch, nên gia đình ông đã xin hợp tác xã tham gia 7 sào để sản xuất.
Tại huyện Mê Linh, để giải bài toán bỏ ruộng hoang, huyện Mê Linh đã quy hoạch thành 13 vùng trọng điểm phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, như: vùng trồng hoa có diện tích gần 1.000 ha tại các xã Mê Linh, Văn Khê, Đại Thịnh, Tự Lập; vùng rau an toàn 700 ha ở các xã Tráng Việt, Văn Khê, Tiền Phong, Tiến Thắng; vùng trồng chuối 300 ha tại xã Hoàng Kim, Chu Phan…
Sau khi quy hoạch được phê duyệt, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, tạo điều kiện về chính sách cho các tổ chức, cá nhân liên kết, tích tụ ruộng đất xây dựng thành các mô hình nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất theo chuỗi khép kín. Tiêu biểu là mô hình trồng chuối tiêu hồng và chuối tây hồng quy mô 270 ha của Hợp tác xã Dịch vụ chuối tổng hợp Hoàng Kim; mô hình trồng sen ướp trà, diện tích 50 ha của Hợp tác xã Làng nghề sen Mê Linh...
Ông Trần Hùng, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai (Hà Nội) cho biết, vụ Xuân 2024, huyện Quốc Oai đã chỉ đạo các xã, thị trấn hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, cá nhân tích tụ, thuê lại diện tích sản xuất lúa khó khăn, kém hiệu quả sang trồng rau màu, dược liệu, thủy sản, cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao.
Trong 3 tháng đầu năm, một số đơn vị đã thuê lại ruộng của dân để sản xuất cánh đồng mẫu lớn, như: Hợp tác xã Nông nghiệp xứ Đoài, xã Cộng Hòa thuê lại 10 ha diện tích trũng thấp tại xã Cộng Hòa để triển khai mô hình trồng sen kết hợp nuôi trồng thủy sản, tham quan, trải nghiệm; Hợp tác xã Quốc Oai Xanh thuê 5 ha đất trồng lúa, rau màu kém hiệu quả chuyển đổi trồng nho, táo, phật thủ tại vùng bãi xã Cộng Hòa; Hợp tác xã An Phát thuê 20 ha đất sản xuất nông nghiệp bỏ hoang nhiều năm của các hộ dân xã Yên Sơn chuyển đổi trồng táo, ổi, cây cảnh; Hợp tác xã Nông nghiệp Yên Nội liên kết sản xuất lúa chất lượng cao với quy mô 40 ha tại xã Đồng Quang… Nhờ đó, các vùng, mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần hạn chế tình trạng bỏ ruộng hoang.
Theo Tiến sĩ khoa học Nguyễn Hữu Cường, để không còn tình trạng bỏ ruộng hoang thì chính quyền cơ sở phải có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao đến vấn đề này. Đó là phải nhận diện rõ những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bỏ ruộng hoang, như: thiếu lao động, chi phí sản xuất lớn, hiệu quả thấp để có những hỗ trợ cụ thể. Chẳng hạn, chính quyền địa phương hỗ trợ các hợp tác xã, gia đình tích tụ ruộng đất, vận động, đàm phán với các hộ không có nhu cầu canh tác nhượng lại, cho mượn ruộng để các tập thể, cá nhân tích tụ, tập trung ruộng sản xuất. Các địa phương cần hỗ trợ đưa cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Ví dụ như: xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây- Hà Nội) có 260 ha đất lúa, nhưng trước đây có vụ chỉ cấy được vài chục ha. Nhưng vụ Xuân năm 2024, diện tích gieo cấy đã tăng lên 190 ha. Đó là do các hợp tác xã trên địa bàn thị xã đã liên kết với nhau đưa máy cấy vào sản xuất và liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Điều này giúp cho người nông dân tích cực hơn khi quay lại sản xuất nông nghiệp nên tình trạng đất ruộng bị bỏ hoang cũng dần giảm đi, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Hữu Cường chia sẻ.
Để hạn chế tình trạng đất ruộng bị bỏ hoang, ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương để tiến hành rà soát những diện tích không sản xuất nông nghiệp hàng năm. Bên cạnh đó, sở cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nhất là về Luật Trồng trọt, để bà con nông dân biết, thực hiện.
Đối với những diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang, không canh tác trong 1 năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ đề xuất xử phạt vi phạm hành chính. Trong trường hợp đất bị bỏ hoang hai năm liên tiếp, Sở có thể xem xét, đề xuất thu hồi để giao cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Điều này nhằm sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp, không để lãng phí tư liệu sản xuất của người dân.