Hà Nội đẩy nhanh sắp xếp, đổi mới DNNN

Chiều 19/3, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2013 – 2015 với sự tham dự của các sở, ban, ngành và doanh nghiệp trên địa bàn.

Hội nghị đã xác định, mục tiêu của việc đẩy nhanh sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian tới trên địa bàn Hà Nội nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.


Một công ty TNHH một thành viên chuyên sản xuất, lắp ráp xe ô tô khách, xe buýt. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN.


Riêng năm 2013, Hà Nội dự kiến sắp xếp 30 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp; trong đó cổ phần hoá 7 doanh nghiệp, 9 bộ phận doanh nghiệp và 14 doanh nghiệp sẽ được sắp xếp theo các hình thức khác. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm sao tiếp tục giải quyết nhanh những tồn tại, vướng mắc trong và sau cổ phần hoá các doanh nghiệp. Công tác tuyên truyền, giải thích rõ chủ trương, chính sách và tìm được sự đồng thuận của các bên là giải pháp được chú trọng hàng đầu.

Đối với nhiệm vụ cụ thể, trong quý I/2013 các Tổng công ty, Công ty mẹ – Công ty con và các doanh nghiệp phải hoàn thành báo cáo quyết toán tài chính năm 2012. Những đơn vị này còn chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể công tác sắp xếp, cổ phần hoá các doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp thuộc Tổng công ty. Ban Đổi mới doanh nghiệp thành phố phải tích cực đôn đốc chỉ đạo thực hiện và báo cáo kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, nhờ tích cực sắp xếp nên những năm qua các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố hoạt động có hiệu quả, doanh thu ngày một tăng, giải quyết việc làm ổn định cho đông đảo lao động. Từ năm 1996 đến nay, thành phố đã hoàn thành việc sắp xếp đối với 420 trên tổng số 490 doanh nghiệp; trong đó có 271 doanh nghiệp cổ phần hoá, 48 doanh nghiệp chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con...

Năm 2012, mặc dù kinh tế hết sức khó khăn, nhưng tổng doanh thu của các doanh nghiệp Hà Nội đạt trên 31.000 tỷ đồng, bằng 105% kế hoạch năm; nộp ngân sách nhà nước trên 2.000 tỷ đồng. Hiện nay, tổng số vốn của Nhà nước trong các doanh nghiệp đạt gần 18.000 tỷ đồng, tổng tài sản trên 42.300 tỷ đồng...

Mặc dù phát triển mạnh, nhưng thời gian qua ở những công ty này cũng gặp không ít khó khăn, tồn tại và yếu kém như: Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu so với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh còn thấp, tính cạnh tranh chưa cao. Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xử lý dứt điểm những tồn tại về tài chính, nhưng hiện nhiều doanh nghiệp Nhà nước vẫn chưa tìm được đầu ra tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá ứ đọng, tồn kho còn lớn, nhất là các doanh nghiệp xây dựng, công nghiệp. Bộ máy quản trị doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến nhưng chưa đồng đều, vẫn còn doanh nghiệp mang tính hành chính và công nợ vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng lưu ý: Ngoài sự hỗ trợ, tạo điều kiện hết sức của chính quyền, các doanh nghiệp cũng cần năng động, chủ động, sáng tạo để vượt qua khó khăn. Những doanh nghiệp đã được lên kế hoạch sắp xếp lại cần ủng hộ chủ trương để sớm ổn định sản xuất kinh doanh, từng bước hội nhập. Hà Nội cũng đang chú trọng cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà để doanh nghiệp phát triển.


Nguyễn Văn Cảnh




Cải thiện môi trường kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh doanh nghiệp

Thành phố Cần Thơ đang tích cực cải thiện môi trường kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN