Góp đất trồng cao su - Bài cuối: Nông dân có bị "bỏ quên"?

Sau hơn 7 năm kể từ ngày cây cao su “ lên núi”, nông dân tham gia góp đất trồng cao su tại Sơn La mong mỏi chờ đến ngày cạo mủ để được chia lợi nhuận. Tuy nhiên, được chứng kiến hơn 50 ha cao su gần đến thời kỳ cạo mủ tại địa bàn xã Mường Bú, huyện Mường La bị chặt bỏ vào trung tuần tháng 3 vừa qua mà không rõ nguyên nhân, người dân hết sức hoang mang lo lắng.

Chặt bỏ cây chất lượng thấp

Năm 2009, nguời dân tại xã Mường Bú, huyện Mường La tham gia góp hơn 1.400 ha đất để trồng cây cao su. Ông Lò Văn Thưởi, bản Bủng, xã Mường Bú cho hay, nhà ông góp 5,3 ha đất sản xuất nông nghiệp để trồng cao su, ông và các hộ dân trong bản mong mỏi từng ngày công ty cao su tổ chức cạo mủ để có việc làm và thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống. Tuy nhiên, mới đây công ty cao su đã cho chặt phá cây cao su mà không nêu rõ nguyên nhân khiến ông và các hộ dân trong bản hết sức bức xúc.

Cây cao su được chất thành đống ven đường.


“Các anh bên đội cao su nói diện tích cao su tại đây không có khả năng chịu hạn hán, không phù hợp với khí hậu thời tiết, do đó chất lượng mủ thấp, giờ không chặt thì sau này cũng phải chặt. Số cây cao su bị chặt một phần công ty lấy làm cọc rào, phần thì cho người dân lấy về làm củi đun, trông mà xót xa lắm”, ông Thưởi tâm sự.

Trong tổng số gần 6.500 ha cây cao su mà Công ty cổ phần Cao su Sơn La triển khai trồng ở Sơn La hiện có rất nhiều diện tích cao su ở các địa phương được đánh giá là kém phát triển, thân cây còi cọc rất khó để có thể cho mủ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được cho là do yếu tố tầng đất canh tác, chất đất không đảm bảo, nhất là yếu tố về thổ nhưỡng. Ngay khi cây cao su vừa mới “lên núi” được khoảng 2 năm, đã phải hứng chịu đợt rét đậm, rét hại năm 2010 khiến cho 5% tổng diện tích cao su ở Sơn La bị chết và rất nhiều diện tích cao su ở Quỳnh Nhai, Yên Châu... bị ảnh hưởng dẫn đến việc nhiều diện tích cây cao su không phát triển được.

Quyền lợi của người dân tiếp tục bị "treo"

Quyết định tạm dừng kế hoạch trồng cao su ở Sơn La trong 2 năm 2014 và 2015 khiến người dân góp đất trồng cao su ở Sơn La rất lo lắng. Hơn nữa, việc lùi thời gian cạo mủ thêm 2 năm nữa so với kế hoạch ban đầu cũng chưa được Công ty cổ phần Cao su Sơn La thông báo tới các hộ dân góp đất, khiến nhiều người nghi ngờ về hiệu quả đầu tư trồng cao su.

Mặt khác, khi bắt đầu tiến hành trồng cây cao su, giữa công ty và người dân tham gia góp đất làm cổ phần hầu hết đều đã thống nhất thỏa thuận giá trị góp đất là 10 triệu đồng/ha, và người dân sẽ được hưởng 10% giá trị (hoặc sản lượng) sản phẩm mủ cao su thu được khi có thu hoạch. Trong khi đó, theo tính toán của các chuyên gia về cây cao su, thì sau khi cây cao su cho sản phẩm 5 năm lúc đó mới có lãi. Hơn nữa, giá mủ cao su hiện nay đang rất thấp, và được dự báo là trong 5 đến 7 năm nữa vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.

Anh Lò Văn Nhỡ, người dân tộc Khơ Mú ở bản Phiêng Phớ, xã Nong Lay, huyện Thuận Châu bày tỏ, nhà anh đã góp 700 m2 đất để trồng cao su, hiện nay anh cũng như các hộ dân góp đất trong bản rất lo lắng về sản lượng mủ của cây cao su, vì sắp đến thời điểm thu hoạch mà công ty cao su chưa có văn bản nào đánh giá về chất lượng mủ. Đất đai đã góp hết để trồng cao su, nông dân không biết làm gì để sinh sống, giờ anh Nhỡ chỉ mong có công việc thường xuyên để làm cũng như mong công ty sớm có kế hoạch cạo mủ để anh và các hộ trong bản có việc làm với nguồn thu nhập ổn định.

Ông Võ Nhật Duy, Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Sơn La cho rằng, cây cao su có chu kỳ trong vòng 30 năm nên người dân cũng không nên lo lắng quá nhiều về những khó khăn ban đầu. Vấn đề công nhân thiếu việc làm trong thời gian cây cao su khép tán, công ty đã đưa ra các giải pháp để tạo thêm việc làm cho người dân như cho vay vốn không lãi để phát triển chăn nuôi, tăng cường điều động công nhân ở những nơi không có việc làm đi làm ở nơi khác...

Những việc làm mà phía Công ty cổ phần Cao su Sơn La đã hứa với người dân thực chất cũng chỉ thực hiện được một phần nhỏ, thực tế tại địa phương cho thấy rất nhiều nơi người dân góp đất trồng cao su đang thiếu vốn để phát triển sản xuất, thiếu việc làm nghiêm trọng.

Công Luật - Hữu Quyết

Góp đất trồng cao su: Nông dân tái nghèo
Góp đất trồng cao su: Nông dân tái nghèo

Nông dân ở miền núi Sơn La đang đứng trước muôn vàn khó khăn vì đất sản xuất đã không còn, việc làm tại công ty cao su ngày càng ít đi, và những lợi ích mà phía công ty hứa hẹn vẫn chỉ là "mơ tưởng".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN