BÀI 1: THU NHẬP NGÀY CÀNG ÍT
Nông dân ở miền núi Sơn La đang đứng trước muôn vàn khó khăn vì đất sản xuất đã không còn, việc làm tại công ty cao su ngày càng ít đi, và những lợi ích mà phía công ty hứa hẹn vẫn chỉ là "mơ tưởng".
Nông dân hết việc
Trở thành công nhân làm việc tại Công ty cổ phần Cao su Sơn La là điều mà người dân hy vọng sau khi đã góp đất nương rẫy của mình. Tuy nhiên, với mức thu nhập như hiện nay, nhiều người đã ngao ngán và muốn rời công ty để đi kiếm việc làm mới, song diện tích đất đai - nguồn tư liệu sản xuất chính của người dân lại đang nằm dưới quyền quản lý của người khác đã khiến cho người dân rơi vào tình cảnh “đi không được, ở không song”.
Đồi cao su bị chặt tại xã Mường Bú, huyện Mường La. |
Bản Cán, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La có 41 hộ với 288 nhân khẩu, năm 2008 các hộ dân trong bản đã góp gần 40 ha đất sản xuất nông nghiệp để tham gia trồng cây cao su. Anh Cà Văn Giao, một người dân trong bản cho biết, gia đình anh góp gần 1 ha đất để trồng cây cao su từ năm 2008, anh đã may mắn được nhận vào làm việc tại Công ty cao su, trong 1 - 2 năm đầu công việc tương đối ổn định với mức thu nhập khá. Song từ khi cây cao su khép tán công việc ngày càng ít đi, thậm chí có tháng còn không có việc làm, mức thu nhập sau khi trừ các loại bảo hiểm chỉ vỏn vẹn từ 300.000 - 400.000 đồng/tháng, thậm chí có rất nhiều người làm việc trong công ty cao su một vài tháng trở lại đây không những không có thu nhập mà còn nợ tiền bảo hiểm.
“Trước đây khi chưa góp đất để trồng cao su, người dân chúng tôi trồng ngô, trồng sắn thu nhập bình quân hàng năm cũng được khoảng 25 - 30 triệu đồng, số tiền này không nhiều nhưng cũng đủ cho cuộc sống. Từ khi góp đất trồng cao su cuộc sống ngày càng khó khăn, gia đình có bao nhiêu đất sản xuất đều đã góp hết để trồng cao su, không biết thời gian tới cuộc sống của chúng tôi sẽ ra sao nữa” - anh Giao bộc bạch.
Tái nghèo từ khi trồng cao su
Trước đây kinh tế của người dân trong bản Nà An, xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La tương đối ổn định, quỹ đất của người dân ngoài việc phát triển cây ngô, cây sắn làm cây trồng chủ lực thì người dân còn trồng cỏ voi để lấy thức ăn chăn nuôi các loại gia súc tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên kể từ năm 2011, khi triển khai trồng cây cao su, cuộc sống của người dân bắt đầu gặp nhiều khó khăn, những năm đầu tiên khi cây cao su chưa khép tán, người dân có thể trồng xen kẽ các loại cây trồng ngắn ngày để kiếm thêm thu nhập, nhưng từ khi cây cao su khép tán người dân không có nguồn thu nhập phụ trong khi việc làm trong công ty cao su bị hạn chế, khiến cho cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Mùi Văn Dính, Bí thư chi bộ bản Nà An cho biết, bản có 102 hộ với 450 nhân khẩu, các hộ dân trong bản đã tham gia góp hơn 500 ha đất nông nghiệp để trồng cao su. Khoảng 1 - 2 năm trở lại đây việc làm của người dân làm việc trong công ty cao su ngày càng ít, trong bản xuất hiện nhiều hộ nghèo và hiện nay đã lên tới 46 hộ, trong khi trước kia bản chỉ có 30 hộ nghèo.
Trên địa bàn tỉnh Sơn La có khoảng 7.300 hộ dân góp đất trồng cao su, người dân góp đất trồng cao su với mong muốn được trở thành công nhân để có nguồn thu nhập ổn định hơn, nhưng thực tế cho thấy, trung bình 3 hộ góp đất mới có 1 người được nhận làm công nhân và thu nhập của người công nhân đó cũng không ổn định.
Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Nhật Duy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Sơn La cho rằng, số lao động dư thừa sau khi góp đất trồng cao su và tình trạng công nhân thiếu việc làm là không phải do công ty mà do chính quyền địa phương, bởi trước đây người dân cũng không có việc làm vì thế mới có dự án trồng cao su để tạo việc làm cho người dân. Còn chỗ nào người dân không có việc làm thì chính quyền địa phương nơi đó phải lo.
Bài và ảnh: Công Luật - Hữu Quyết
Bài cuối: Nông dân có bị “bỏ quên”?