Tình trạng chậm trễ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) diễn ra từ cuối năm 2022. Tuy nhiên thời điểm “bùng nổ”được đánh giá là từ đầu năm đến nay do nhiều doanh nghiệp cạn kiệt dòng tiền, “sức khỏe" bị "bào mòn” sau mấy năm bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Nhiều công ty phải ngừng sản xuất vì cạn vốn
Có mặt tại khu vực Cảng Cái Lân (tỉnh Quảng Ninh) trong những ngày cuối tháng 8/2023, phóng viên báo Tin tức dễ dàng quan sát thấy cảnh hàng loạt xe ben, xe ủi, máy múc gỗ dăm phải ngừng hoạt động. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh nghiệp lao đao thì lại có những doanh nghiệp xuất khẩu có đơn hàng cũng không dám nhận bởi nếu mỗi chuyển tàu xuất khẩu với trị giá 100 tỷ đồng, thì khoảng 10 tỷ đồng tiền thuế giữ lại.
Clip chia sẻ của các doanh nghiệp ngành dăm gỗ đã bị nợ đọng tiền hoàn thuế GTGT của riêng ngành chế biến, xuất khẩu gỗ tại khu vực cảng Cái Lân:
Gương mặt khắc khổ, dáng người nhỏ bé, bà Phạm Thị Vinh, Giám đốc Công ty 12-11 Hạ Long (Quảng Ninh) chia sẻ đã bị mất ngủ nhiều tháng nay do quá lo lắng vì 130 tỷ đồng tiền thuế chưa được hoàn. Hiện tổng giá trị máy móc đã đầu tư của công ty cũng lên tới cỡ trăm tỷ đồng đang phải “đắp chiếu”, có dấu hiệu hoen rỉ vì ngừng hoạt động, công nhân phải nghỉ việc vì chủ doanh nghiệp cũng không còn vốn để trang trải các chi phí, lương nhân công. Có những đêm, bà Vinh phải điện thoại cho lãnh đạo Chi hội dăm gỗ Việt Nam để cập nhật tình hình về 11 doanh nghiệp dăm gỗ đã kêu cứu nhiều nơi về việc khó khăn trong hoàn thuế mà Công ty 12-11 thuộc danh sách này.
“Chưa bao giờ chúng tôi khó khăn như năm nay. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ có nhiều doanh nghiệp sẽ bị đóng cửa. Hệ lụy kéo theo đó là hàng triệu hộ trồng rừng sẽ bị ảnh hưởng. Theo ước tính, tổng số tiền hoàn thuế còn bị nợ đọng của 11 doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ tại Cảng Cái Lân là trên 1.000 tỷ đồng”, bà Phạm Thị Vinh than thở.
Theo chia sẻ của các chủ doanh nghiệp khu vực Cảng Cái Lân, nếu như việc hoàn thuế GTGT diễn ra bình thường như những năm trước thì trung bình một tháng, tại khu vực có khoảng 15 tàu dăm gỗ xuất khẩu tại thị trường Nhật, Hàn Quốc. Mỗi chuyến tàu trị giá trên dưới 100 tỷ đồng. Thế nhưng, hơn 1 năm trở lại đây, các doanh nghiệp phải hoạt động cầm cự, thậm chí đóng cửa nhà máy, đối diện với nguy cơ bị phá sản vì cả nghìn tỷ đồng tiền thuế chưa được hoàn.
Luật Thuế GTGT ban hành từ năm 2008, luật Quản lý thuế từ 2006 và các luật sửa đổi sau đó đến nay đều nhất quán về vấn đề hoàn thuế cho doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp thuộc đối tượng được hoàn thuế phải đảm bảo 3 điều kiện: Có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ hoặc chứng từ nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu; có chứng từ thanh toán qua ngân hàng; có hợp đồng ký kết xuất khẩu hàng hóa và tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu là được hoàn thuế.
Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức, bà Phạm Thị Vinh khẳng định: “Công ty tôi không chỉ đáp ứng đủ 3 quy định về yêu cầu hòa thuế. Ngoài ra, doanh nghiệp còn nộp các phí khi hàng hóa qua cảng, thực hiện thông quan… Hàng xuất khẩu là có thật, nguyên liệu đầu vào là từ nguồn trong nước. Vậy không lý do gì không hoàn thuế cho doanh nghiệp tôi. Không chỉ đáp ứng 3 quy định ngành Thuế, doanh nghiệp chúng tôi còn có các biên lai, lệ phí khi hàng hóa qua cảng Quảng Ninh...”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Minh Hưng - Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Ích Yên cho biết đến nay số tiền thuế chưa được hoàn của doanh nghiệp là 17 tỷ đồng và hiện công ty đang phải tạm dừng hoạt động: “Nằm trong danh sách 11 doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ ở Cảng Cái Lân gửi đơn thư đề nghị giải quyết việc hoàn thuế tới Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh. Nhưng do vượt thẩm quyền, Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh vẫn phải chờ chỉ đạo của Tổng cục Thuế trong việc yêu cầu hoàn tất các khâu truy xuất nguồn gốc gỗ.”
“Hiện nhiều doanh nghiệp đã bị xếp vào nhóm nợ 2, 3 của hệ thống tín dụng và sắp tới là nguy cơ vào nhóm nợ xấu. Việc giải quyết hoàn thuế GTGT có ý nghĩa rất quan trọng bởi đó là nguồn vốn quay vòng để các doanh nghiệp tiếp tục đáo nợ. Suốt 2 năm qua, việc hoàn thuế bị ách tắc. Hơn 6.000 tỷ đồng là nợ đọng tiền hoàn thuế GTGT của riêng ngành chế biến, xuất khẩu gỗ trong hơn 1 năm qua. Trong đó ngành dăm gỗ chiếm gần 2/3. Hàng đã xuất đi, thuế GTGT chưa được hoàn”, ông Thang Văn Thông - Phó Chi hội trưởng Chi hội dăm gỗ Việt Nam than thở.
Các văn bản "làm khó" quá trình thực thi
Luật GTGT ban hành từ năm 2008, luật Quản lý Thuế từ 2006 và các luật sửa đổi sau đó đến nay đều nhất quán về vấn đề hoàn thuế cho doanh nghiệp. Luật cũng đã quy định rõ về thời gian kiểm tra, xác minh hồ sơ hoàn thiện. Đối với các doanh nghiệp được hoàn trước, kiểm tra sau thì thời gian thực hiện trong vòng 6 ngày làm việc sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Trường hợp doanh nghiệp thuộc diện kiểm trước, hoàn sau thì thời gian tối đa để cơ quan thuế kiểm tra là 40 ngày liên tục kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ. Sau thời gian quy định, cơ quan thuế vẫn có quyền kiểm tra lại nếu có nghi ngờ hay phát hiện vấn đề nào đó và đòi truy hoàn thuế. Còn nếu hồ sơ của doanh nghiệp đã nộp đầy đủ, hợp lệ thì phải được xử lý theo đúng thời gian luật đã quy định. Nhân viên nào để hồ sơ trễ cũng cần bị xem xét trách nhiệm.
“Kể từ khi 2 luật này ban hành, các doanh nghiệp vẫn được hoàn thuế bình thường, không có quá nhiều vấn đề phát sinh. Tuy nhiên vài năm gần đây, ngành Thuế đã bắt đầu có thêm một số công văn mới. Từ đó khiến nhiều doanh nghiệp rất khó khăn trong việc làm thủ tục hoàn thuế GTGT", luật sư Trần Xoa (Công ty luật Minh Đăng Quang) cho biết.
Việc làm theo các công văn nội bộ của ngành trong khi luật không có, theo luật sư Trần Xoa là gây cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp. Từ đó khiến cho các doanh nghiệp bị bế tắc, có thể phá sản sẽ kéo theo kinh tế cả nước chậm phát triển, nguồn thu ngân sách giảm đi là càng phải xem xét lại trách nhiệm.
Mới đây nhất, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) Đỗ Xuân Lập đã có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội để báo cáo về những khó khăn của các hội viên trong việc hoàn thuế GTGT được nêu song song với những vướng mắc liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này.
Giải trình chi tiết, VIFOREST nhắc tới các quy định đang làm khó quá trình thực thi của Công văn 2124/TCT-TTKT về việc giải quyết hoàn thuế gửi cục thuế các tỉnh và thành phố. Đó là, khi thực hiện thanh tra, cục Thuế phải chủ động phối hợp với cơ quan công an và các cơ quan chức năng khác trên địa bàn, như hải quan, biên phòng, kiểm lâm… trong việc xác định rõ nguồn gốc gỗ. Hay quy định đối với hàng hóa có nguồn gốc thu mua trực tiếp từ người dân theo bảng kê hàng hóa, phải thực hiện xác minh trực tiếp đến từng người dân theo yếu tố rủi ro. Khi thực hiện kiểm tra về phương tiện vận chuyển, thì phải đối chiếu giữa lịch trình di chuyển của từng xe, theo từng lái xe...
Với Công văn số 633/TCT-TTKT về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp có rủi ro về hoàn thuế GTGT, các doanh nghiệp của Hiệp hội cho rằng, việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp F0 cần tập trung đối chiếu, xác minh, làm rõ những dấu hiệu sai phạm (nếu có) về hoàn thuế GTGT của các doanh nghiệp qua các khâu từ F1, F2, F3… đến khâu cuối theo hướng dẫn tại các văn bản của Tổng cục Thuế… đối với đầu vào; và rà soát, xác minh các nội dung rủi ro liên quan tới hoạt động xuất khẩu qua kiểm tra, rà soát phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế… đối với đầu ra đang gần như làm khó không chỉ doanh nghiệp mà cả cơ quan thuế địa phương.
Ông Thang Văn Thông cho rằng: Cơ quan Thuế đưa ra các biện pháp quản lý chặt chẽ trong việc hoàn thuế GTGT là đúng nhưng những lý do này chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay của doanh nghiệp. Theo một số doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu gỗ, việc xác minh nguồn gốc gỗ tới tận hộ trồng rừng mới được hoàn thuế GTGT là nhiệm vụ “bất khả thi”.
Đáng nói là thời gian triển khai Công văn chỉ “trong tháng 2/2022 và kết thúc chậm nhất trong tháng 5/2022”, nhưng các cục thuế vẫn tiếp tục sử dụng các quy định tại công văn này để làm căn cứ khi gửi công văn xác minh nguồn gốc.
Bài 2: Phân loại doanh nghiệp để hoàn thuế sớm, xử lý tận gốc hóa đơn giả