Gỡ vướng để phát triển các dự án điện khí LNG nhập khẩu

Với ưu điểm lượng phát thải thấp hơn 50% so với điện than và có thể đạt hơn 90% hệ số công suất khi cần thiết mà không gặp phải tình trạng gián đoạn và phụ thuộc vào thiên nhiên như điện gió hay mặt trời, nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu đang được đánh giá là nguồn "điện sạch" có thể thay thế một phần điện than trong tiến trình hiện thực hóa các mục tiêu cắt giảm phát thải, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc phát triển các dự án điện LNG nhập khẩu tại Việt Nam vẫn đang gặp nhiều thách thức lớn.

Chú thích ảnh
Nhà máy điện Turbine khí Chu trình hỗn hợp Nhơn Trạch 2 tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Ảnh tư liệu: Huy Hùng/TTXVN

Nhiều rào cản với đặc thù của dự án điện LNG

Là dự án điện LNG nhập khẩu đầu tiên tại Việt Nam đang được triển khai, dự án nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 do Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) - đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư   dù đã ký được hợp đồng EPC vào ngày 17/2/2022 nhưng những khó khăn trong triển khai vẫn đang ở phía trước.

Phó Tổng Giám đốc PV Power Nguyễn Mạnh Tưởng cho biết rào cản lớn nhất đối với PV Power cũng như các nhà  đầu tư điện khí LNG nhập khẩu khác tại Việt Nam hiện nay chính là việc giải quyết các khó khăn về cơ chế do tính chất đặc thù của dự án điện khí LNG.

Đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa có cơ chế hay quy định cụ thể cho việc phát triển điện khí LNG tại Việt Nam cũng như chưa có quy định hay tiêu chuẩn trong việc xây dựng kho cảng và nhập khẩu khí LNG bởi cho đến nay các dự án điện khí tại Việt Nam đều sử dụng nhiên liệu khí khai thác từ mỏ nội địa.

Với đặc thù sử dụng nhiên liệu LNG nhập khẩu bằng tàu chuyên dụng và vận chuyển từ các nước như Mỹ, Nga, Australia hay Trung Đông nên việc phát triển dự án điện LNG nhập khẩu cần có cơ chế về sản lượng điện hợp đồng Qc (hợp đồng bao tiêu) phù hợp với khối lượng khí là cái điểm mấu chốt quan trọng nhất.

Bên cạnh đó, việc ký kết các hợp đồng mua bán khí dài hạn và ấn định khối lượng khí hàng năm là yêu cầu tiên quyết để có được nguồn khí LNG giá hợp lý, đảm bảo cho dự án điện LNG nhập khẩu hoạt động ổn định và hiệu quả.

Vì vậy, việc cam kết sản lượng điện và khí nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư của cả chuỗi dự án là rất quan trọng. Đây chính là cơ sở để các nhà đầu tư quyết định đầu tư, ông Tưởng chia sẻ.

Ngoài ra, việc xây dựng nhà máy điện LNG cũng đòi hỏi phải gần vị trí kho cảng nhập LNG trong khi kho cảng nhập LNG thì lại yêu cầu phải xây dựng gần cảng nước sâu để phục vụ cho tàu LNG trọng tải lớn. Vì vậy, cùng với yêu cầu vị trí xây dựng có thể đấu nối vào lưới truyền tải thì yêu cầu liên quan đến kho cảng LNG cũng đang là thách thức với các nhà đầu tư hiện nay.

Thực tế là các đặc thù này của dự án điện khí LNG nhập khẩu đang là những "khúc mắc" trong đàm phán hợp đồng mua bán điện PPA giữa chủ đầu tư với Công ty Mua bán điện (EVN EPTC), trong hợp đồng mua khí GSA, từ đó dẫn đến những khó khăn trong thu xếp tài chính triển khai dự án trong bối cảnh chính phủ đã ngừng cung cấp bảo lãnh, ông Tưởng cho biết.

Cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý chuyên ngành nhà nước

Với công suất 1.500 MW, nhu cầu khí LNG của Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 khi đi vào vận hành lên tới 1 triệu tấn (tương đương 1,5 tỷ m3 khí) nên việc cam kết bao tiêu nhiên liệu LNG trong các hợp đồng cung cấp nhiên liệu là điều khoản bắt buộc theo thông lệ quốc tế.

Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả và sự hoạt động ổn định của dự án, PV Power đã đề xuất nguyên tắc "cho phép chuyển ngang các quy định bao tiêu nhiên liệu của nhà máy điện trong hợp đồng cung cấp nhiên liệu ở mức tương đương 80 - 90% sản lượng điện thiết kế sang hợp đồng mua bán điện của Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 trong 15 năm - là thời hạn trả nợ gốc của nhà máy".

Tuy nhiên, bên mua điện là Công ty Mua bán điện (EVN EPTC) không chấp thuận đề xuất này của PV Power và cho rằng sẽ đàm phán sản lượng điện hợp đồng Qc trong quá trình thực hiện hợp đồng. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt Qc dài hạn như kiến nghị của PV Power thì hai bên sẽ tiến hành điều chỉnh sản lượng điện hợp đồng Qc phù hợp.

Tương tự như vậy, với vấn đề bao tiêu sản lượng điện, nhà đầu tư DOE của dự án LNG Bạc Liêu đã yêu cầu EVN EPTC không mua hoặc không tiếp nhận điện của nhà máy thì phải chấp nhận cam kết nghĩa vụ bao tiêu sản xuất điện hoặc trả một khoản tiền nhất định cho sản lượng điện nhất định theo thỏa thuận giữa hai bên. 

Nhà đầu tư này cũng muốn giá LNG và các chi phí liên quan trong hợp đồng mua bán điện PPA sẽ được áp dụng cơ chế chuyển giá nhiên liệu vào giá bán điện.

Theo các chuyên gia, các nhà máy điện khí LNG được chấp nhận chủ trương đầu tư dưới hình thức nhà máy điện độc lập (IPP) nên các nhà máy đều phải tham gia thị trường điện. 

Do vậy, hiện không có quy định bên mua điện phải bao tiêu sản lượng điện, trừ các nhà máy có ràng buộc về bao tiêu nhiên liệu và có văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển ngang các quy định bao tiêu nhiên liệu của nhà máy trong hợp đồng cung cấp nhiên liệu sang hợp đồng mua bán điện (PPA).

Theo chuyên gia tư vấn các dự án điện Nguyễn Bình, việc đàm phán PPA phải thực hiện theo đúng quy định của Bộ Công Thương. Theo đó, hồ sơ dự án đã được duyệt phải có trước khi đàm phán. Dựa trên chi phí đầu tư, dòng tiền vào ra, lợi nhuận nhất định, tỷ lệ chiết khấu… sẽ ra giá mua điện mà nhà đầu tư mong muốn bán. Trừ trường hợp cam kết giá bán suốt đời không vượt quá 7 cent/kWh sẽ khiến EVN EPTC ký ngay PPA, chứ còn giá khác thì đều phải mất thời gian tính toán.  

Thông tư 24/2019/TT-BCT ngày 14/11/2019 của Bộ Công Thương cũng quy định, mức sản lượng điện hợp đồng Qc thấp nhất là 60% còn cao hơn do đàm phán.

Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, với thực tế giá bán lẻ điện bình quân nhiều năm không được điều chỉnh dù giá nhiên liệu biến động mạnh như hiện nay, việc đàm phán hợp đồng mua bán điện PPA với các đề xuất của chủ đầu tư các dự án điện LNG nhập khẩu sẽ chưa thể có hồi kết nếu như không có sự vào cuộc của cơ quan quản lý chuyên ngành nhà nước.

Về phía doanh nghiệp, đại diện PV Power cũng đề xuất chính phủ cần sớm xây dựng và ban hành cơ chế chính sách phát triển điện khí LNG, trong đó các cái chính sách cần rõ ràng và ổn định, đồng thời cần cụ thể về chính sách, cam kết sản lượng và giá điện khí LNG nhằm đảm bảo cái tính hiệu quả của dự án để nhà đầu tư yên tâm đầu tư. 

Bên cạnh đó, việc sớm xây dựng và ban hành các cái tiêu chuẩn kỹ thuật quy phạm của Việt Nam trong xây dựng kho cảng và nhập khẩu khí LNG là thực sự cần thiết. 

Ngoài ra, việc sớm xem xét giảm thuế nhập khẩu LNG và các cái thiết bị máy móc, xây dựng nhà máy điện khí LNG và giảm thuế thu nhập cho các cái doanh nghiệp đầu tư dự án điện LNG nhập khẩu là thực sự cần thiết để thúc đẩy các dự án điện sạch này.

Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII tại tờ trình 4778/TTr-BCT mới nhất vào ngày 11/8 vừa qua, Bộ Công Thương đặt mục tiêu công suất đặt nguồn nhiệt điện LNG đạt 23.900 MW trên tổng công suất nguồn điện hệ thống 120.995-148.358 MW vào năm 2030, trong đó đáng chú ý có tới 17.900 MW là kế thừa từ Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, được phê duyệt bổ sung trước khi lập Quy hoạch Điện VIII.

Anh Nguyễn (TTXVN)
Phát triển điện khí đối mặt với nhiều khó khăn
Phát triển điện khí đối mặt với nhiều khó khăn

Bên cạnh nguồn năng lượng điện gió ngoài khơi thì điện khí cũng được đánh giá là nguồn điện ổn định, có thời gian hoạt động dài và đặc biệt là nguồn điện cần thiết để chạy nền khi năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Tuy vậy, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, loại hình năng lượng này còn gặp nhiều thách thức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN