Gỡ nút thắt về thiếu đất san lấp mặt bằng công trình giao thông 

Để gỡ nút thắt trong việc thiếu đất san lấp mặt bằng các công trình xây dựng giao thông trên địa bàn thành phố Pleiku, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định 35/QĐ-UBND về việc bổ sung giấy phép khai thác khoáng sản.

Chú thích ảnh
Tỉnh Gia Lai cho phép khai thác mỏ đất tại xã H’Nol, huyện Đak Đoa nhằm phục vụ nhu cầu thiếu đất san lấp trầm trọng. Ảnh: TTXVN phát

Theo quyết định này, UBND tỉnh Gia Lai bổ sung một mỏ đất tại xã H’Nol, huyện Đak Đoa nhằm phục vụ nhu cầu thiếu đất san lấp trầm trọng trong thời gian vừa qua trên địa bàn.

Theo đó, UBND tỉnh Gia Lai đã bổ sung vào khoản 8 Điều 1 của Giấy phép khai thác khoáng sản số 281/GP-UBND ngày 28/5/2019 cấp cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hưng Cường tại mỏ đá bazan xây dựng tại xã H’Nol, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai.

Cụ thể, ngoài mỏ đá bazan xây dựng đang khai thác, bổ sung thêm trữ lượng khoáng sản đi kèm là đất thải làm vật liệu san lấp (đất san lấp) được phép tận dụng và tiêu thụ: 105.174 m3 đất san lấp nguyên khối.

Trong đó, năm thứ nhất là 60.000 m3 đất san lấp nguyên khối; năm thứ 2 là 30.000 m3 đất san lấp nguyên khối; năm thứ 3 là 15.174 m3 đất san lấp nguyên khối. Thời gian được phép tận dụng và tiêu thụ khoáng sản đi kèm là 3 năm, kể từ ngày quyết định này có hiệu lực.

Liên quan đến vấn đề thiếu hụt đất san lấp tại các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh Gia Lai mà đặc biệt tại thành phố Pleiku, tình trạng này đã gây ách tắc việc xây dựng các công trình giao thông gây ảnh hưởng lớn đến công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Gia Lai những năm gần đây.

Ông Nguyễn Tây Nguyên, Giám đốc Dự án đường Nguyễn Văn Linh - Ban Quản lý đầu tư xây dựng thành phố Pleiku (Gia Lai) cho biết, trong một dự án, các công đoạn khác không thể thực hiện nếu chưa hoàn thành công tác san lấp, do đó, dù đã được cấp vốn ngân sách, tuy nhiên các công trình giao thông trên địa bàn đều dậm chân tại chỗ vì không có đất san lấp mặt bằng. Để hoàn thành tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Ban quản lý dự án đã chủ động tìm trên 10 điểm mỏ để làm nguồn cung cấp đất cho công trình trong những năm tiếp theo.

Vấn đề thiếu đất san lấp cho các công trình giao thông đã được các cấp, các ngành địa phương tỉnh Gia Lai đưa ra bàn bạc, thảo luận. Tuy nhiên, việc cấp một mỏ đất phải qua quá nhiều công đoạn, các điều luật chồng chéo khiến các công trình xây dựng hiện tại vẫn còn trong tình trạng không có đất san lấp.

Chú thích ảnh
Tỉnh Gia Lai cho phép khai thác mỏ đất tại xã H’Nol, huyện Đak Đoa nhằm phục vụ nhu cầu thiếu đất san lấp trầm trọng. Ảnh: TTXVN phát

Để gỡ nút thắt này, cuối năm 2023, ông Dương Mah Tiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã ký văn bản đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn về đất san lấp  phục vụ các công trình sử dụng ngân sách nhà nước.

Theo đó, ông Dương Mah Tiệp đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thiện hồ sơ bổ sung các mỏ đất san lấp và quy hoạch khoáng sản thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để  tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xin ý kiến, trình các cấp có thẩm quyền trước khi phê duyệt theo quy định.

Ngoài ra, UBND tỉnh Gia Lai còn chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư có biện pháp quản lý, tận dụng đất dôi dư trong quá trình người dân cải tạo đất nông nghiệp có khả năng tận dụng phục vụ các công trình sử dụng ngân sách nhà nước, không để lãng phí tài nguyên và để quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả.

Hồng Điệp (TTXVN)
Thanh Hóa tăng cường quản lý hoạt động tận thu đất san lấp
Thanh Hóa tăng cường quản lý hoạt động tận thu đất san lấp

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh hóa, trên địa bàn có 18 điểm tận thu khoáng sản được tỉnh chấp thuận phục vụ các dự án trọng điểm của tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN