Nguyên nhân của việc thiếu đất trên do giai đoạn 2015 - 2020, một số địa phương không dự đoán, dự báo được nguồn đất san lấp các công trình. Vì vậy, tỉnh không bố trí vị trí khai thác đất trong quy hoạch sử dụng đất. Bên cạnh đó, hiện nay, nguồn vật liệu san lấp (cát, sỏi, đá…) khan hiếm và nguồn vật liệu san lấp chính trên địa bàn tỉnh là đất san lấp.
Theo ông Võ Minh Thành, thời gian tới Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương xác định nguồn vật liệu của tỉnh cho giai đoạn đến năm 2030 về đất san lấp và ưu tiên cho các công trình đầu tư công; phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất (đất san lấp) trong kỳ quy hoạch 2021 - 2030 cho UBND cấp huyện.
Trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt, các địa phương đề xuất nhu cầu trữ lượng và khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với trường hợp về cung cấp nguyên vật liệu phục vụ xây dựng các công trình sử dụng ngân sách nhà nước như: phát triển hạ tầng giao thông; công trình thủy lợi, thủy điện; công trình khắc phục thiên tai, địch họa; khu vực có khoáng sản dùng làm vật liệu san lấp phục vụ công trình hạ tầng giao thông, công trình phúc lợi thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới (theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 22 Nghị định số 158/2016/NĐCP ngày 29/12/2016 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoáng sản). Sau khi hoàn thành việc khoanh định, các địa phương phải thực hiện các thủ tục cấp phép theo quy định.
Hiện, trên địa bàn tỉnh Long An có 37 điểm mỏ đất đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác còn hiệu lực; trong đó, trữ lượng còn lại chưa khai thác của đất san lấp khoảng 24,69 triệu m3 và chủ yếu tập trung tại các huyện Đức Huệ, Đức Hòa, Tân Thạnh, Thanh Hóa, Thị xã Kiến Tường. Riêng đối với huyện Mộc Hóa, có 1 giấy phép khai thác nhưng ngưng khai thác do công an đang xử lý; huyện Tân Hưng có 1 giấy phép nhưng đã ngưng khai thác và đề nghị đóng mỏ.