Theo đó, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ nhanh nhất trong việc phê duyệt quy hoạch các mỏ đất, đá phục vụ san lấp các dự án, công trình đảm bảo vị trí các mỏ đất gần nhất phục vụ các dự án, công trình đầu tư công. Tiếp đó là sử dụng mỏ đất, đá tuần hoàn. Cụ thể, ở các dự án làm đường, làm hạ tầng giao thông có lượng đất, đá khai thác dư thừa thì chính quyền địa phương có quyền sử dụng phần dư thừa đó cho các dự án khác. Thêm vào đó, tận dụng các vật liệu rời (gồm các gạch, đá khi phá các công trình xây dựng) để làm vật liệu san lấp.
Đồng thời, tỉnh sử dụng đất, đá thải mỏ làm vật liệu san lấp. Chủ trương này được tỉnh Quảng Ninh kiến nghị nhiều lần và được Bộ Tài nguyên – Môi trường đồng ý. Một số bãi thải mỏ như Nam Tràng Bạch (Tổng Công ty Đông Bắc – Bộ Quốc phòng), Suối Lại (Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam) đã được Bộ Tài nguyên – Môi trường cấp phép sử dụng đất, đá thải mỏ này phục vụ cho việc san lấp. Dự kiến, tới đây một số bãi thải mỏ ở khu vực Cẩm Phả sẽ được Bộ cấp phép thêm. Như vậy, tỉnh Quảng Ninh sẽ đảm bảo được nguồn cung ứng vật liệu san lấp, từ đó đảm bảo tiến độ thi công các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị.
Theo báo cáo của Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc, hiện tổng diện tích các bãi thải mỏ là 2.700 ha với trữ lượng đất đá thải khoảng 1.362 triệu m3 và vẫn không ngừng tăng thêm khoảng 150 triệu m3 mỗi năm. Các bãi thải tập trung chủ yếu tại địa bàn thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, thị xã Đông Triều.
Đây là nguồn vật liệu san lấp quý để có thể đáp ứng nhu cầu của dự án hạ tầng được triển khai đồng loạt ở tỉnh Quảng Ninh. Dự kiến, tổng cộng nhu cầu vật liệu đắp, san lấp mặt bằng trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 788 triệu m3, trung bình hơn 130 triệu m3/năm. Điển hình là các dự án như: Khu đô thị phức hợp đô thị Hạ Long Xanh trên địa bàn thị xã Quảng Yên và thành phố Hạ Long có tổng nhu cầu khối lượng vật liệu (đất, cát) san lấp khoảng 300 - 400 triệu m3. Tổ hợp cảng biển, Khu công nghiệp và đô thị Đầm Nhà Mạc tại thị xã Quảng Yên có nhu cầu khối lượng đất san nền khoảng 100 triệu m3 và hàng loạt các dự án hạ tầng, đô thị lớn khác tại thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả, thành phố Móng Cái, thị xã Quảng Yên, Khu kinh tế Vân Đồn... có nhu cầu sử dụng khối lượng vật liệu san lấp mặt bằng rất lớn.
Ông Phạm Hồng Biên nhấn mạnh, với việc đồng bộ thực hiện 3 giải pháp trên, thì một loạt các công trình, dự án động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, liên kết, nội vùng của tỉnh Quảng Ninh sẽ được phục vụ đầy đủ nguồn vật liệu san lấp, góp phần đảm bảo tiến độ thi công theo kế hoạch.
Từ đầu năm 2023, nguy cơ thiếu hụt vật liệu san lấp phục vụ các dự án, công trình là khó khăn chung của cả nước do có sự thay đổi về quy định đất, đá là khoáng sản. Do vậy, theo đánh giá của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh, việc thiếu vật liệu san lấp là nguyên nhân gây ra nguy cơ làm chậm tiến độ đối với nhiều dự án trọng điểm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trước thực trạng trên, sau khi đi kiểm tra thực tế hồi cuối tháng Năm, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành, địa phương khẩn trương tập trung tháo gỡ những nút thắt trên tinh thần ưu tiên tối đa nguồn đất san lấp cho các công trình, dự án này.
Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục cấp phép các mỏ đất đảm bảo đất phục vụ thi công các công trình dự án.
Tổng vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Quảng Ninh là 14.233 tỷ đồng; trong đó đã phân khai chi tiết được 14.059 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 6/2023, tỉnh Quảng Ninh đã giải ngân vốn đầu tư công đạt 4.280 tỷ đồng, đạt 30%, tương đương tỷ lệ bình quân chung cả nước.