Gỡ nút thắt để kinh tế tăng trưởng hiệu quả

Mặc dù nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi nhưng theo các chuyên gia kinh tế, trong năm 2015, Việt Nam nên tiếp tục duy trì con đường tăng trưởng thận trọng. Song hành quá trình này, cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Những dấu hiệu phục hồi tích cực

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, năm 2014 là một năm nhiều biến động với nền kinh tế Việt Nam song vẫn có những điểm nhấn với những con số tương đối ấn tượng. Tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2014 đã đạt 5,98%, cao hơn mức tăng 5,42% của năm 2013 và cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 7,6%, cao hơn nhiều mức tăng 5,6% của năm ngoái, xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cao, đầu tư FDI vào Việt Nam tăng khá. Thị trường bất động sản xuất hiện những tín hiệu phục hồi, đặc biệt là phân khúc bình dân...

Sự hồi phục của thị trường bất động sản đã tác động tích cực đến nền kinh tế 2015. Ảnh: Hoàng Dương


Các chuyên gia kinh tế thế giới cũng có những đánh giá tích cực về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam. Theo ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, hai năm qua, dù kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều bất ổn song đã có sự thay đổi khá tích cực. Kinh tế Việt Nam có dấu hiệu phục hồi tích cực nhờ hầu hết các lĩnh vực chủ chốt như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ... đều có triển vọng tăng trưởng; thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi; dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp đều tăng... Niềm tin của nhà đầu tư đã tăng lên. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam nên duy trì con đường tăng trưởng thận trọng. Trong đó, IMF vẫn khuyến cáo, cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển:

Kinh tế Việt Nam năm 2015 có mức phục hồi cao hơn và có khả năng đạt mức tăng trưởng từ 6 - 6,2%. Để thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, cần có các giải pháp ngắn hạn và dài hạn.

Về giải pháp ngắn hạn, cần chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Yêu cầu này đang được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Thực tế, chương trình cải cách thủ tục hành chính hàng chục năm nay và báo cáo vẫn đánh giá đạt được những kết quả tích cực nhưng môi trường kinh doanh vẫn rất kém. Bên cạnh đó, cần có giải pháp hữu hiệu để giải quyết nợ xấu của các ngân hàng thương mại, gắn với tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Thực hiện minh bạch tỷ lệ nợ xấu. Trong điều kiện tổng cầu yếu, lạm phát thấp và ta đang xuất siêu, xem xét khả năng điều chỉnh hạ giá VND khoảng 3% để khuyến khích xuất khẩu và phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Các biện pháp trung dài hạn là đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó, về cải cách DNNN, cần tiến hành cổ phần hóa DNNN - bán hết phần vốn trong các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần. Đổi mới quản trị DNNN mà Nhà nước còn nắm giữ cổ phần chi phối, coi đây là nội dung chủ yếu của tái cơ cấu DNNN. Cần loại bỏ mọi sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp không phân biệt thành phần kinh tế, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các DN.

Về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cần quan tâm nâng mức đóng góp của các nhân tố tổng năng suất: khoa học công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực và kỹ năng quản lý hiện đại vào tăng trưởng. Đây chính là giải pháp cơ bản để nâng cao hiệu suất sử dụng vốn trong đầu tư. Bên cạnh đó, cần chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng chương trình hành động nhằm tận dụng các cơ hội, vượt qua những thách thức khi nước ta tham gia các Hiệp định Mậu dịch tự do mới, nhất là TPP và FTA Việt Nam - EU.

“Tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, nhưng rủi ro thì vẫn lớn. Nợ công của Việt Nam đang đáng lo, trong khi hiệu quả kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn đang làm dấy lên những rủi ro tài khóa của Việt Nam. Khu vực ngân hàng cũng cần được tái cơ cấu, sáp nhập để làm sao có hệ thống ngân hàng đủ mạnh, nợ xấu được cải thiện. Cũng cần cải cách nền kinh tế để cải thiện năng suất, chất lượng”, ông Sanjay Kalra khuyến cáo.

Báo cáo về triển vọng kinh tế Việt Nam của Ngân hàng VPBS cho rằng, Việt Nam đang ở trong giai đoạn “khó xử” khi nền kinh tế đứng trước hai lựa chọn là quyết định đuổi theo tăng trưởng ở mức ra sao. Nếu đuổi theo sự tăng trưởng Chính phủ sẽ buộc phải gia tăng đầu tư công, hệ lụy là sự gia tăng nợ công, Chính phủ sẽ phải phát hành trái phiếu tài trợ hoạt động đầu tư, dẫn tới chèn lấn tín dụng doanh nghiệp (DN), tăng lãi suất cho vay trong khi tín dụng tăng chậm lại. Kết quả là lợi nhuận DN giảm. Nếu đuổi theo sự ổn định như đang làm 3 năm nay, tăng trưởng GDP sẽ được kìm hãm dưới 6%/năm, lạm phát thấp kỷ lục nhưng tiền đồng giữ giá, thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng... Bên cạnh đó, Chính phủ cần tập trung vào việc giảm nợ công thông qua các hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để thoái vốn khỏi các DN không hiệu quả, thúc đẩy đầu tư tư nhân và thương mại trong khi duy trì giá trị tiền đồng.

“Nếu Chính phủ tiếp tục con đường này, lãi suất cho vay sẽ được duy trì ở mức thấp trong năm 2015 và giúp gia tăng lợi nhuận DN. Chúng tôi nhận thấy đi cùng với chi phí vay vốn giảm, sẽ là tăng trưởng tín dụng và có nhiều hơn những dự án sinh lời”, báo cáo của VPBS đánh giá.

Đổi mới mô hình tăng trưởng


Có chung nhận định về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế nhưng vẫn còn nhiều ý kiến khá băn khoăn về hiệu quả tăng trưởng trong giai đoạn tới. TS Trần Đình Thiên,Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đặt ra nhiều câu hỏi: “Tăng trưởng ở khu vực công nghiệp đã tốt hơn nhưng ai là người đóng góp cho điều đó? Nói về tăng trưởng xuất khẩu cũng thế, lực lượng nào đóng góp nhiều nhất? Vẫn là khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Như vậy có nghĩa khu vực DN nội địa vẫn yếu. Và điều đó có nghĩa rằng, chúng ta cần tiếp tục có giải pháp để khu vực DN trong nước mạnh hơn”.

Cũng theo chuyên gia này, cần đổi mới thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng thì nền kinh tế mới có thể đi lên chứ không thể 30 năm đổi mới vẫn chỉ khai thác tài nguyên, nặng về gia công lắp ráp. Bên cạnh đó, cần có những chính sách khuyến khích DN nội địa phát triển, tăng trưởng chứ không chỉ dựa vào những DN nước ngoài như Samsung, LG… như hiện nay.
Chia sẻ nỗi lo lắng này, TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài cho rằng, việc cần làm trước tiên là rà soát lại đầu tư công. Tiếp đó phải làm sao để khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận được vốn để đầu tư cho sản xuất - kinh doanh. “Nếu giải quyết được các vấn đề về vốn, về đầu tư công, thì năm 2015 chúng ta sẽ tăng trưởng cao hơn, tạo đà cho giai đoạn phát triển sau”, ông Mại nói.

Hỗ trợ tối đa cho DN phát triển


Thời gian qua, Chính phủ liên tục ban hành các giải pháp về tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hỗ trợ DN tăng trưởng. Động thái này nhận được hiệu ứng tích cực từ cộng đồng DN. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những bất cập trong thực thi.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, TS Nguyễn Mại kiến nghị, các ngân hàng thương mại điều chỉnh lại lãi suất, tài sản thế chấp… để các DN, nhất là DNNVV có nhiều cơ hội tiếp cận được vốn. “Tôi mong hệ thống ngân hàng năm 2015 đặt mục tiêu là năm phục vụ DN, cải cách cơ bản quan hệ ngân hàng và DN, cho vay theo dự án, nâng cao năng lực hệ thống về thẩm định dự án. Như vậy sẽ cứu hệ thống DN đang gặp khó khăn, giúp DN phát triển,” ông Mại chia sẻ.

TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cũng cho rằng, sau ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, các DN hiện đang có nhu cầu vay vốn ngân hàng nhiều hơn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng tiếp cận được vốn vay ngân hàng, đặc biệt là DNVVN do khả năng sinh lời của DN đang có xu hướng giảm trong khi lãi suất cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng thương mại dù đã giảm nhưng không thể xuống dưới mức 8%. Do đó, trong bối cảnh lạm phát giảm như hiện nay cần đặt ưu tiên hàng đầu là giảm lãi suất tín dụng để giúp giảm áp lực vay cho DN và khơi thông tín dụng.

Thu Hường
Kết quả tích cực từ điều hành chính sách tiền tệ
Kết quả tích cực từ điều hành chính sách tiền tệ

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, trong năm 2014, chính sách tiền tệ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành chủ động, linh hoạt và nhất quán, đã tạo được niềm tin đối với người dân, doanh nghiệp và góp phần quan trọng vào sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN