Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao tỉnh Kon Tum khi tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh đạt mức cao và là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP cao của cả nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Kon Tum trong năm 2022 đã tăng 24 bậc, đứng thứ 37 cả nước và thứ 2 khu vực Tây Nguyên. Đây là những kết quả tích cực của tỉnh trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau ảnh hưởng của COVID-19, đóng góp lớn vào sự phát triển chung của đất nước.
Để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của tỉnh Kon Tum, trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị, tỉnh cần tiếp tục xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước bạn Lào và Campuchia; tăng cường hợp tác với các tỉnh giáp biên giới thuộc Lào, Campuchia để giữ vững công tác quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ quan trọng về ngoại giao kinh tế; thu hút các nguồn lực từ nước ngoài đầu tư vào phát triển lĩnh vực trọng tâm trên địa bàn. Cùng đó, công tác triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia cần bám sát các định hướng của Đảng, chú trọng nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Tỉnh tăng cường phát triển nền nông nghiệp hướng đến mở rộng sang công nghiệp chế biến và xuất khẩu; đẩy mạnh phát triển nền du lịch, dịch vụ; đồng thời chú trọng vào việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn. Tỉnh Kon Tum cần tiếp tục bám sát định hướng theo Nghị quyết 152/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thông tin đến đoàn công tác, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum Ngô Việt Thành cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2023 ước đạt gần 3.750 tỷ đồng, tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 8.500 tỷ đồng, tăng 16,01%. Từ đầu năm đến nay, hoạt động du lịch của tỉnh phát triển mạnh, thu hút được hơn 600.350 lượt khách, doanh thu ước đạt gần 250 tỷ đồng.
Tổng diện tích các cây trồng chính vụ Đông Xuân năm 2023 của Kon Tum ước khoảng 10.600 ha. Chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2023 tăng 0,45% so với quý trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,52%; trong đó, ngành công nghiệp khai thác khoáng sản tăng cao nhất khi đạt 19,82%.
Thu ngân sách Nhà nước ước khoảng 830 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong quý I/2023 đạt khoảng 72 triệu USD, tăng 3,15% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt gần một triệu USD, tăng 6,5%
Năm 2023, tỉnh Kon Tum được giao tổng mức kế hoạch đầu tư công là hơn 4.700 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/3, toàn tỉnh đã giải ngân được khoảng gần 380 tỷ đồng, đạt khoảng 10,57% so với kế hoạch vốn trung ương giao.
Để phát huy kết quả đạt được và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc còn tồn đọng, UBND tỉnh Kon Tum đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có cơ chế phân cấp trong phê duyệt danh mục dự án thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia; tham mưu Thủ tướng Chính phủ xem xét trình Quốc hội cho phép HĐND các cấp có thẩm quyền quyết định kéo dài thời gian bố trí vốn thực hiện dự án và thời gian thực hiện, giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm nguồn ngân sách địa phương; xây dựng Luật về khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất để tránh sự chồng chéo.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục cho thuê rừng, quy trình đấu giá cho thuê rừng; đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm xem xét, điều chỉnh bổ sung đối tượng và quy mô của vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có quy định cụ thể để thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị; xem xét điều chỉnh thời gian thực hiện quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị theo hướng đồng bộ về thời gian nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất chung. Đồng thời tham mưu Chính phủ tháo gỡ vướng mắc sự chồng chéo giữa quy định về thẩm quyền cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước đối với các dự án thủy điện có công suất từ 2MW đến dưới 20MW; sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về các nội dung Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn chưa cụ thể hóa đầy đủ, trong thực tế triển khai tại địa phương.
Trên cơ sở các báo cáo, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị đoàn công tác của Chính phủ tiếp thu các ý kiến, đóng góp của tỉnh Kon Tum và tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm giúp tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, giúp tỉnh Kon Tum trở thành một trong những đầu tàu tăng trưởng tại khu vực Tây Nguyên, hướng đến đưa vùng Tây Nguyên vươn lên trở thành cực tăng trưởng của cả nước.