Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, tại những khu vực mặt bằng được bàn giao liền mạch sau 8 tháng tính từ thời gian khởi công vào đầu năm 2023, nhiều đoạn tuyến đã được các nhà thầu thi công cuốn chiếu, thậm chí nhiều đoạn tuyến đã thi công lớp cấp phối đá dăm (lớp móng mặt đường). Dưới tiết trời nắng như đổ lửa, song các đơn vị thi công đang dồn sức triển khai các hạng mục quan trọng như cầu, cống… để đáp ứng tiến độ đề ra.
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) cho biết, để đảm bảo tiến độ dự án, các đơn vị thi công đã huy động nhân lực, phương tiện thi công 3 ca/ngày. Đến nay, các đơn vị nhà thầu cũng đã huy động đủ thiết bị máy móc và nhân sự theo hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư. Tại dự án về phần cầu có tổng cộng 30 cầu, với chiều dài 5.403m (trong đó 16 cầu trên tuyến chính, 10 cầu vượt trục giao thông và 4 cầu trong nút giao).
Theo báo cáo của chủ đầu tư, về phần đường có khoảng 1,17 km phải xử lý nền đất yếu. Toàn tuyến có 237 cống các loại, 39 hầm hui dân sinh. Cùng với đó, trên tuyến có 4 nút giao liên thông gồm nút giao Quốc lộ 9C, nút giao Quốc lộ 9D; nút giao ĐT75; nút giao Quốc lộ 9A.
Cũng theo báo cáo của chủ đầu tư, hiện gói thầu xây lắp XL1 (từ km675+400 -km708+350), đường công vụ nội tuyến nhà thầu đã thi công được 22 km trong tổng số 29,8 km. Với tinh thần mặt bằng sạch đến đâu triển khai đường công vụ đến đó. Tuy nhiên, hiện một số đoạn chưa triển khai được do mặt bằng đang trong cảnh xôi đỗ. Đối với gói thầu xây lắp XL2 từ km708+350 - km740+884 hiện đường công vụ nội tuyến, các nhà thầu đã thi công được khoảng 21,66 km trong tổng số 34,5 km.
Mặc dù, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đánh giá 2 gói thầu xây lắp của dự án đều đang đảm bảo yêu cầu tiến độ và chất lượng đề ra. Tuy nhiên, "nút thắt" lớn nhất hiện nay của dự án là vấn đề giải phóng mặt bằng và giải ngân của địa phương chưa đạt yêu cầu. Việc triển khai phê duyệt các khu tái định cư, lập hồ sơ thiết kế di dời hạ tầng kỹ thuật còn chưa đáp ứng. Cùng với đó là việc cấp phép mỏ vật liệu cho dự án cũng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Vì vậy, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh một mặt đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh thi công những đoạn tuyến có công địa. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu, chính quyền địa phương và các hộ dân để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng cũng như các vấn đề về nguồn vật liệu đất đắp cho dự án.
Tại gói thầu XL01, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Binh Đoàn 12), đảm nhận thi công 8 km đường và 6 cầu thuộc gói thầu XL1 thuộc dự án thành phần Vạn Ninh - Cam Lộ, Trung tá Phạm Minh Phương, Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 6, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thông tin, với phần công việc đảm nhận có giá trị 1.150 tỷ đồng, sau 8 tháng triển khai, đơn vị đã huy động hàng trăm phương tiện máy móc cùng nhiều kỹ sư, công nhân chia làm nhiều mũi thi công 3 ca liên tục các hạng mục cầu, nền đường nhằm đảm bảo tiến độ đề ra. Tính đến nay, đơn vị đã đạt sản lượng xây lắp 125 tỷ đồng, đạt gần 11% giá trị hợp đồng.
Tuy nhiên, Trung tá Phạm Minh Phương cho rằng, thời gian tới nếu khó khăn về mặt bằng không được giải quyết sẽ ảnh hưởng nhiều đến tiến độ của nhà thầu. Bởi phần đường mà nhà thầu đảm nhận là 8 km tới nay địa phương mới bàn giao được hơn 4 km. Tuy nhiên, trong hơn 4 km mặt bằng sạch này nhà thầu chỉ có thể triển khai thi công được là 2,44 km, còn lại đều vướng nhà dân chưa di dời hoặc vướng các công trình sinh hoạt.
Đối với phần cầu, địa phương đã bàn giao cho nhà thầu được mặt bằng đạt 83% (5 trong 6 cầu). Vì vậy, nhà thầu đã triển khai thi công được 4 cầu, riêng cầu An Mã 2 đã có mặt bằng nhưng dân chưa thu gom cây cối và chưa có đường tiếp cận vào. Đặc biệt, cầu Mỹ Đức 2 chưa có mặt bằng để triển khai.
Tại gói thầu XL2 do liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh - Công ty cổ phần Giao thông xây dựng số 1 (Hà Giang) - Công ty cổ phần Tổng công ty Đường sắt đảm nhận.
Tại công trường thi công cầu Bến Tắt, ông Trịnh Chí Sơn, Chỉ huy trưởng Công ty cổ phần Tổng công ty Đường sắt chia sẻ, do địa hình, kết cấu địa chất phức tạp nên việc thi công hạng mục này gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tiến độ cầu Bến Tắt dài 220m có giá trị 66 tỷ đồng đang vượt tiến độ đề ra, đơn vị tiến hành lao lắp dầm. Tại gói thầu XL2, nhà thầu đả nhận thi công toàn bộ 15 cầu của gói thầu với giá trị 600 tỷ đồng, đến nay đơn vị đã đạt giá trị xây lắp gần 18% tương đương 120 tỷ đồng.
Trong khi đó, nhà thầu Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh đứng đầu liên danh gói XL2, ông Thái Anh Giang, Chỉ huy trưởng Tập đoàn Trường Thịnh cho biết, đơn vị phụ trách thi công 21 km đường (từ km 708+350-km729 +800). Tuy nhiên, đến thời điểm này mới có mặt bằng sạch 11km, còn lại là mặt bằng được bàn giao xôi đỗ hoặc chưa được bàn giao.
"Với tinh thần mặt bằng đến đâu thi công đến đó, đến nay Tập đoàn Trường Thịnh đã huy động hàng trăm máy móc, thiết bị cùng nhiều nhân lực chia làm 5 mũi thi công 3 ca, nhờ vậy mà đơn vị đã thi công được 7,3 km đường cấp phối đá dăm k1 (loại 1) và 3 km lớp CTB (lớp cấp phối đá dăm gia cố xi măng). Dự kiến, hết năm 2023, nhà thầu sẽ hoàn thành 6 km lớp ATB (bê tông bán nhựa rỗng)", ông Thái Anh Giang chia sẻ.
Tuy nhiên cũng như các nhà thầu khác, ông Thái Anh Giang chia sẻ, dù địa phương quyết liệt thực hiện giải phóng mặt bằng, tuy nhiên một số đoạn vẫn còn vướng, ảnh hưởng đến việc thi công. Ngoài ra nhà thầu cũng đang băn khoăn về vướng mắt về mỏ đất, đề nghị cơ quan chức năng sớm giải quyết.
Giữa tháng 8 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh khẩn trương thực hiện các giải pháp để đáp ứng chất lượng, tiến độ hoàn thành dự án thành phần cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ.
Theo đó, dự án đã triển khai được 8 tháng, đến nay mặt bằng đã bàn giao được 47,98 km trong tổng số 65,5 km; trong đó mặt bằng thi công được đạt 44,65 km, giá trị sản lượng đạt 570 tỷ đồng, đạt 10,14% đáp ứng so với kế hoạch.
"Để thi công dự án đáp ứng về giải ngân, yêu cầu về chất lượng, tiến độ trong điều kiện mặt bằng như hiện nay, cần triển khai đồng loạt nhiều mũi thi công, nhiều hạng mục công trình, đồng thời phải quan tâm chặt chẽ đến chất lượng, an toàn lao động, vệ sinh môi trường ngay từ đầu", Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo.
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với địa phương để giải quyết các vị trí mặt bằng đã bàn giao nhưng còn vướng mắc không thi công được; tập trung triển khai di chuyển công trình hạ tầng kỹ thuật; xây dựng khu tái định cư.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 9.919,78 tỷ đồng với quy mô 4 làn xe, giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe. Dự án dài 65,5 km; trong đó qua Quảng Bình dài 32,95 km và qua Quảng Trị dài khoảng 32,53 km. Dự án khởi công từ ngày 1/1/2023, dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.