Trễ hẹn bàn giao mặt bằng
Dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ (dự án) thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài gần 66 km khởi công ngày 1/1/2023; trong đó, đoạn qua tỉnh Quảng Trị dài trên 32,5 km đi qua các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ. Dưới nắng nóng gay gắt, nhiệt độ trên công trường lên đến trên 40 độ C, nhưng các nhà thầu vẫn huy động nhân lực và phương tiện thi công liên tục 3 ca/ngày để đảm bảo tiến độ dự án.
Ở những đoạn tuyến đã giải phóng mặt bằng, các nhà thầu hoàn thành hạng mục đắp nền đường. Thậm chí có nhà thầu đã thi công đến hạng mục rải lớp một cấp phối đá dăm loại 1. Do vậy, hình hài của tuyến cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đoạn qua tỉnh Quảng Trị đang dần lộ diện.
Tuy nhiên, hình hài tuyến cao tốc này bị ngắt quãng, bởi vẫn còn những đoạn tuyến chưa giải phóng được bằng để thi công. Những nơi chưa giải phóng được mặt bằng hầu như là có nhiều hộ dân đang sinh sống. Bà Nguyễn Thị Lài, 79 tuổi, thôn Trường Thọ, xã Hải Thái, huyện Gio Linh là một trong những hộ ở địa phương này chưa chấp nhận mức hỗ trợ, đền bù để di dời bàn giao mặt bằng.
Bà Lài cho biết, gia đình có hơn 3.000 mét vuông đất ở và đất trồng cây lâu năm. Trên đất có 3 ngôi nhà cấp 4. Sau khi kiểm đếm, cơ quan chức năng đưa giá đền bù là 1,8 tỷ đồng để gia đình xem xét. Nhưng gia đình không nhất trí với giá đền bù này và mong muốn nhà nước đền bù khoảng 3 tỷ đồng mới di dời, bàn giao mặt bằng để thi công dự án.
Nhiều hộ dân ở thôn Trường Thọ, xã Hải Thái và ở các địa phương khác đều có lý do tương tự để chưa di dời và giao mặt bằng; đó là chưa chấp nhận giá hỗ trợ, đền bù đất và tài sản trên đất. Đến ngày 13/7, tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành bồi thường, chi trả tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng được 24,8/32,5 km, đạt trên 76%, trong khi thời hạn bàn giao 100% mặt bằng theo chỉ đạo của Chính phủ là ngày 30/6/2023.
Đối với bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư dự án là Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, tỉnh đã thực hiện được 22,1/32,5 km, mới đạt 68%. Hiện nay tỉnh còn khoảng 7,7 km mặt bằng dự án chưa bàn giao; trong đó, có 6,5 km liên quan đến các hộ dân thuộc diện di dời tái định cư.
Việc trễ hẹn trong bàn giao mặt bằng đã và đang ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án của các nhà thầu. Ông Đỗ Xuân Hà, Chỉ huy trưởng Công ty cổ phần Thịnh Vượng TVT - đơn vị thi công dự án cho biết, đơn vị thi công 5,5 km qua xã Hải Thái nhưng đang còn vướng mặt bằng 1,2 km. Ngoài ra, có 1,2 km chưa giải phóng mặt bằng còn bị ngắt quãng thành 3 đoạn nên đơn vị rất khó khăn trong việc vận chuyển vật liệu, di chuyển nội bộ trên công trường. Trong khi ở những nơi đã có mặt bằng, đơn vị đã và đang huy động nhân lực, phương tiện thi công 3 ca/ngày; tiến độ đã đến hạng mục rải lớp 1 của cấp phối đá dăm loại 1.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã nhiều lần chỉ đạo và yêu cầu các huyện có dự án đi qua gồm Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ khẩn trương bàn giao đoạn tuyến đã hoàn thành áp giá bồi thường. Quán triệt cả hệ thống chính trị nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, quyết liệt trong tuyên truyền, vận động tổ chức đối thoại với các hộ dân bị ảnh hưởng, kịp thời đưa ra giải pháp nhằm đẩy nhanh giải phóng mặt bằng.
Đối với chủ đầu tư dự án, tỉnh yêu cầu chỉ đạo nhà thầu tổ chức triển khai thi công ngay khi địa phương bàn giao mặt bằng, bởi nếu chậm trễ thi công sẽ gây khó trong tuyên truyền vận động người dân chấp hành chủ trương chính sách giải phóng mặt bằng.
Tập trung xây dựng các khu tái định cư
Tỉnh Quảng Trị có khoảng 351 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án và phải di dời đến 9 khu tái định cư với tổng diện tích trên 37 ha. Đến nay tỉnh mới di dời được 21/351 hộ tại vị trí khởi công dự án ở xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ. Số hộ di dời này cũng mới chỉ được tạm cư do các khu tái định cư chưa được xây dựng. Việc tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng dự án đã được tỉnh Quảng Trị chỉ đạo đốn đốc nhiều lần.
Cụ thể tỉnh yêu cầu các địa phương tập trung hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu để thi công trong tháng 3/2023 và gia hạn tiến độ trong tháng 4/2023, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Tỉnh mới phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu 9/9 dự án khu tái định cư gồm Cam Hiếu, Cam Tuyền, Cam Thủy, Bến Quan, Vĩnh Hà, Vĩnh Khê, Gio An, Linh Trường và Hải Thái.
Dự án đi qua huyện Cam Lộ dài 6,38 km và có 131 hộ dân bị ảnh hưởng nên phải di dời đến 3 khu tái định cư gồm Cam Tuyền, Cam Thủy và Cam Hiếu với quy mô trên 16,6 ha, tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng. Ông Trần Hoài Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết, địa phương đã giải phóng mặt bằng dự án đạt 81,3%, còn lại chỉ gần 19% nhưng rất khó khăn do cần di dời dân và tái định cư.
Để các hộ dân tái định cư thì phải xây dựng khu tái định cư nhưng hiện đang gặp nhiều khó khăn như đất san lấp mặt bằng, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi đất rừng và phải thực hiện nhiều thủ tục. Địa phương đang tập trung hoàn thành thủ tục pháp lý và công việc khác để khẩn trương xây dựng các khu tái định cư.
Tương tự, huyện Gio Linh xây dựng 3 khu tái định cư với quy mô trên 12,6 ha phục vụ di dời 132 hộ dân. Huyện Vĩnh Linh xây dựng 3 khu tái định cư với quy mô trên 8 ha phục vụ di dời 88 hộ dân. Các địa phương đều đang tập trung tháo gỡ vướng mắc để khẩn trương thi công hoàn thành xây dựng các khu tái định cư.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đã yêu cầu các địa phương tập trung huy động các nguồn vật liệu san lấp đảm bảo đáp ứng chất lượng, khối lượng để khẩn trương triển khai thi công. Giao Sở Xây dựng tỉnh phối với chủ đầu tư dự án là Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh và các địa phương có liên quan, khảo sát nguồn vật liệu san lấp từ các bãi chứa đất đào của dự án để xem xét đề xuất sử dụng san lấp cho các dự án tái định cư.
Các địa phương chủ động phối hợp với các sở, ngành rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính để tranh thủ thời tiết thuận lợi, khẩn trương thi công xây dựng công trình, đảm bảo hoàn thành xây dựng khu tái định cư trong tháng 8/2023.