Gỡ khó cho những cánh đồng mẫu lớn ở Phú Thọ

Manh mún, nhỏ lẻ, thiếu bền vững là những bất cập chung trong sản xuất nông nghiệp không chỉ ở tỉnh Phú Thọ mà cả nhiều địa phương khác trong cả nước.

 

 Năm 2013, tỉnh Phú Thọ triển khai 4 mô hình cánh đồng mẫu lớn ở vụ xuân với diện tích 275 ha; 12 mô hình ở vụ mùa với diện tích 590 ha tại các huyện Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Ba, Hạ Hòa, Cẩm Khê, Đoan Hùng. Tuy có tạo ra một số kết quả ban đầu khả quan hơn trước trên những cánh đồng "liền vùng, cùng giống, cùng trà", nhưng thực trạng ruộng đất manh mún vẫn đang là trở ngại lớn khi muốn nhân rộng mô hình này.


Khắc phục cánh đồng manh mún


Ở Phú Thọ, ruộng đồng manh mún đang là bài toán khó để triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Bình quân chung mỗi hộ nông dân cả tỉnh thường chỉ có 5 - 7 sào và chia thành nhiều thửa, không tập trung. Việc gieo cấy và nhất là khâu làm đất đưa cơ giới hóa vào rất khó thực hiện, trong khi đó hệ thống hạ tầng giao thông thủy lợi chưa thể đáp ứng được yêu cầu xây dựng cánh đồng mẫu lớn.

 

Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp giúp nâng cao hiệu quả kinh tế. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Để khắc phục tình trạng này, ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các địa phương tích cực dồn đổi lại ruộng đất để thích hợp cho canh tác, nhất là việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Ông Cao Ngọc Hoành, Chủ tịch UBND xã Cao Xá (huyện Lâm Thao), cho biết: Địa phương đã lựa chọn các xứ đồng bằng phẳng và thuận tưới tiêu, nhưng diện tích mỗi thửa vẫn còn nhỏ. Cho dù đến thời điểm này đã dồn đổi ruộng tới 3 lần, mà trung bình chỉ được 375 m2/thửa, hộ nào nhiều cũng chỉ 8 - 9 sào, khoảng 3.000 m2.


Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thượng Nông, huyện Tam Nông, cho biết: Mô hình xây dựng cánh đồng mẫu lớn triển khai ở Thượng Nông đúng thời điểm xã đang xây dựng phương án dồn đổi ruộng đất, đây là vấn đề xã đặc biệt quan tâm trong quá trình chỉ đạo sản xuất. Hiện nay xã đang khẩn trương triển khai kế hoạch dồn đổi ruộng đất đến các khu dân cư để đáp ứng yêu cầu xây dựng cánh đồng mẫu lớn.


Qua triển khai thực hiện cánh đồng mẫu lớn, bước đầu đã hình thành diện mạo những cánh đồng "liền vùng, cùng giống, cùng trà, khác chủ". Kết quả thu hoạch ở hầu hết các mô hình đều cho năng suất cao hơn so với đối chứng ngoài mô hình. Cụ thể ở huyện Lâm Thao cấy giống RVT đạt bình quân 61,8 tạ/ha, cao hơn đối chứng 3,3 tạ/ha. Hay ở huyện Thanh Ba, cấy giống JO2 năng suất 57,5 tạ/ha, cao hơn 3,2 tạ/ha… Hạch toán quy lợi nhuận đạt 17 - 19 triệu đồng/ha, cao hơn mô hình đối chứng 3,5 - 4,7 triệu đồng/ha. Riêng giống lúa RVT cấy ở xã Cao Xá (huyện Lâm Thao), sau khi trừ chi phí, hiệu quả đạt trên 19 triệu đồng/ha, cao hơn so với ngoài mô hình 4,5 triệu đồng/ha.

 

Dồn đổi ruộng đất thích hợp cho canh tác. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Bà Trần Thị Quý, xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao cho biết: "So với cách làm truyền thống thì việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn có rất nhiều ưu điểm như gieo cùng giống, cấy cùng thời điểm nên thuận tiện cho việc chăm sóc. Trước kia, nhà cấy trước, nhà cấy sau nên sâu bệnh cũng phát triển theo từng thời kỳ khác nhau. Có khi gia đình này vừa phun xong, gia đình khác chưa kịp phun thuốc, thế là sâu bướm lại dồn cả sang ruộng đó. Làm cánh đồng mẫu lớn này hạn chế được tình trạng này, chưa kể bà con còn có thể trao đổi với nhau kỹ thuật chăm sóc bởi cùng một loại giống, phương pháp cấy… nên hiệu quả kinh tế cũng khá hơn nhiều".


Đẩy mạnh liên kết “4 nhà”


Thông qua việc triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn, người nông dân đã có mối liên kết tốt hơn trong cộng đồng, từng bước hình thành những người nông dân mới biết gắn sản xuất với thị trường; các hợp tác xã phát huy được hiệu quả, vật tư đầu vào được quản lý bảo đảm chất lượng, sản phẩm đầu ra đồng đều hơn, tạo điều kiện để trở hành hàng hóa. Quan trọng nhất là đã hình thành được mối liên kết giữa “4 nhà”, trong đó có sự vào cuộc của nhà khoa học, nhà quản lý các doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư đầu vào, giúp bà con nông dân trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.


Ông Trần Tú Anh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ khẳng định: “Để mô hình cánh đồng mẫu lớn đạt hiệu quả cần lựa chọn địa điểm có diện tích đủ lớn, bằng phẳng, chủ động tưới tiêu để thuận tiện cho việc ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Vì thế việc xây dựng các cánh đồng mẫu lớn ở Phú Thọ theo kiểu “liền vùng, cùng trà, cùng giống và khác chủ” vẫn là giải pháp chủ đạo. Đây được coi là hướng đi mới trong sản suất nông nghiệp ở Phú Thọ. Trên cơ sở đó sẽ tập trung chuyển giao tiến bộ kỹ thuật như sử dụng giống chất lượng, đầu tư thâm canh để tăng năng suất và hiệu quả. Trong canh tác cần đưa cơ giới vào từng khâu sản xuất để giảm áp lực thời vụ đồng thời là động lực để dồn đổi ruộng đất, trước mắt là trong gia đình, họ hàng với nhau.


Ông Trần Tú Anh cho biết thêm, khó khăn nhất hiện nay trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn, tập trung chính là sự liên kết trong chuỗi tiêu thụ sản phẩm. Hiện tỉnh Phú Thọ đang trong bước đầu hình thành mô hình nên đã có nhiều cơ chế khuyến khích khi xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn như công tác triển khai, hỗ trợ cho nông dân về khoa học kỹ thuật, một phần vật tư đầu vào. Nhưng vai trò của doanh nghiệp trong việc gắn nông dân với thị trường, cung cấp đầu vào, tiêu thụ đầu ra đến nay chưa có nhiều giải pháp hữu hiệu. Chưa có doanh nghiệp nào đủ mạnh để có thể ký kết hợp đồng ràng buộc trách nhiệm thu mua sản phẩm cho người sản xuất.

Người sản xuất vẫn luôn bị động trong khâu tiêu thụ, chỉ bán nhỏ lẻ theo kiểu "hàng xáo", thương lái chưa theo tiêu chuẩn, quy định nào nên không tránh khỏi sự trà trộn, chất lượng gạo không bảo đảm. Để giải quyết vấn đề này trong khi chưa có doanh nghiệp nào đủ nhân lực trong việc giám sát sản xuất thì liên kết tốt nhất là thông qua hợp tác xã hoặc hệ thống khuyến nông khi đó doanh nghiệp không cần trực tiếp trong việc giám sát, thu mua sản phẩm từ nông dân. Hợp tác xã hoặc hệ thống khuyến nông sẽ tập hợp sản xuất của các nông dân nhỏ thành đầu mối, khi đó hệ thống này sẽ thực hiện tất cả những dịch vụ giữa nông dân và doanh nghiệp từ đầu vào sản xuất cho đến khi thu gom lúa.


Ông Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, cho rằng: Xây dựng cánh đồng mẫu lớn hướng tới quy mô vùng sản xuất hàng hóa lớn và có chất lượng cao, giải quyết những bất cập lâu nay đang tồn tại trong nông nghiệp, tạo bước đột phá trong liên kết "4 nhà". Tuy cái khó ở địa bàn trung du, miền núi, đồng ruộng manh mún, nhưng tới đây các cấp, các ngành ở tỉnh Phú Thọ tiếp tục nghiên cứu để nhân rộng cánh đồng mẫu lớn. Tỉnh sẽ chỉ đạo lồng ghép cánh đồng mẫu lớn với các chương trình, dự án để tạo tiền đề khắc phục một số hạn chế về hạ tầng, đồng ruộng manh mún, tạo cơ hội để nông dân và các địa phương nhân rộng mô hình từ cây lúa ra thêm nhiều loại cây trồng khác.


Vụ đông xuân năm 2013-2014, tỉnh Phú Thọ gieo cấy gần 37.000 ha, đạt 102% kế hoạch; trong đó lúa lai gần 20.000 ha, diện tích gieo thẳng hơn 3.200 ha, diện tích thâm canh lúa cải tiến (SRI) hơn 13.000 ha. Diện tích gieo cấy ở những cánh đồng mẫu chiếm khoảng 30%/tổng diện tích gieo cấy trong toàn tỉnh.


Tạ Văn Toàn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN