Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bùi Hồng Minh nhận định, Luật Xây dựng đã được thay đổi, sửa đổi bổ sung và tinh thần của các luật liên quan từ giai đoạn 2020 đến nay là phân cấp, phân quyền cho chủ thể để tự chịu trách nhiệm; trong đó, có liên quan đến công việc lập định mức và công bố giá.
Trước đây, Bộ Xây dựng đảm nhận những phần việc này. Tuy nhiên, luật đã đổi mới để phù hợp với thực tiễn nhưng diễn biến khi vận dụng thực tế ngoài xã hội lại đang rất lúng túng; thậm chí khi áp dụng các quy định của pháp luật cũng chưa được hiểu đúng và đầy đủ… dẫn đến bất cập. Đây là thực trạng cần giải quyết.
“Tuy nhiên, cũng không thể vì điều này mà giảm phân cấp. Do đó, cần cương quyết áp dụng quy định tiếp tục phân cấp, phân quyền mạnh mẽ để cấp nào làm thì cấp đó phải chịu trách nhiệm; tránh tình trạng một người ký quyết định, rồi một người khác chịu trách nhiệm thay” – Thứ trưởng Bùi Hồng Minh nhấn mạnh.
Nhiệm vụ của Bộ Xây dựng không phải là làm tất cả các loại định mức mà phải phân cấp, phân quyền theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy, Bộ Xây dựng chỉ có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát, kiểm tra chứ không ban hành thay. Nếu còn mục nào chưa rõ, chưa kỹ thì phải làm sáng tỏ. Các chủ thể gặp khó khăn khi thực hiện và có phản ánh thì Bộ Xây dựng sẽ có trách nhiệm phối hợp cùng hướng dẫn thực hiện.
Do đó, trong quá trình thực hiện Công điện 02, Thứ trưởng Bùi Hồng Minh đề nghị Tổ công tác xác định ngay các định mức được ban hành trong quý I/2024 bởi đây là những định mức rất cần trong giai đoạn hiện nay; cụ thể là liên quan đến một số phần việc như bê tông, cấp phối vữa, cầu dây văng, hầm cùng định mức về đường sắt.
Theo đó, hai bên phối hợp sớm làm rõ thẩm quyền hướng dẫn về chi phí vật liệu xác định tại mỏ theo cơ chế đặc thù của Quốc hội và Chính phủ; cố gắng hoàn tất trong tháng 2 hoặc tháng 3/2024. Nếu thuộc trách nhiệm địa phương hoặc chủ đầu tư thì cũng phải giao rõ ràng.
Về cơ bản, sau khi Bộ Giao thông Vận tải đưa các quy định về chi phí đầy đủ thì sẽ sớm giải quyết được các “nút thắt” này. Trong quý I này cũng kiểm tra, khảo sát tại Ban quản lý một số dự án để nắm bắt thêm quá trình quản lý chi phí đầu tư xây dựng, ban hành định mức, công bố giá… trong quản lý hợp đồng.
Thứ trưởng Bùi Hồng Minh cho biết, Bộ Xây dựng đã kịp thời ban hành 3 văn bản quan trọng; trong đó có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị thực hiện nhiệm vụ về việc công bố giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công, giá ca máy, thiết bị thi công và chỉ số giá xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.
Điều này nhằm tránh tình trạng công bố giá không đầy đủ, không đúng thời gian, không kịp thời diễn biến của giá trên thị trường gây khó khăn cho công tác xác lập, quản lý, thực hiện hợp đồng thi công. Đồng thời, phản ánh những vướng mắc về thể chế (nếu có) để Bộ Xây dựng rà soát, sửa đổi, bổ sung (nếu có) theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Như vậy, địa phương nào, nơi nào không bám sát thị trường, không công bố đúng thời hạn thì cũng cần “bêu” công khai trên hệ thống thông tin quốc gia – Thứ trưởng Bùi Hồng Minh nêu rõ.
Cùng đó, Bộ Xây dựng đã ban hành văn bản gửi các bộ quản lý xây dựng chuyên ngành, UBND các địa phương để đánh giá thực trạng về việc quản lý định mức xây dựng, bao gồm cả định mức chuyên ngành, đặc thù (nếu có); xây dựng kế hoạch và danh mục định mức dự toán còn thiếu hoặc bất cập, tổ chức xây dựng định mức dự toán theo quy định tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, việc ban hành định mức, sau khi thống nhất khái niệm chuyên ngành, đặc thù thì cũng cần thông tin, hướng dẫn địa phương để có tổng hợp lại các định mức còn thiếu cần làm tiếp, bổ sung… Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) sớm lấy ý kiến về phương pháp xác định giá vật liệu, công bố giá vật liệu để ban hành chậm nhất trong tháng 3 tới vì phương pháp cũng đã được thực nghiệm từ năm 2023.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm nhận xét, thời gian qua, Bộ Xây dựng rất chủ động phối hợp để giải quyết các vấn đề liên quan đến định mức, đơn giá nhưng vẫn còn tồn tại nhiều việc.
Vấn đề định mức được nhà thầu phản ánh rất nhiều, cụ thể là thấp hơn so với thực tế. Nhưng vấn đề là thực chất thấp như thế nào, có thấp thật không… thì cần có sự đánh giá, rà soát của cơ quan có thẩm quyền; trong đó, có Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn, quản lý về hoạt động xây dựng chung của cả nước hay như Bộ Giao thông Vận tải là chủ đầu tư hoặc thực hiện chức năng chủ đầu tư… Từ đó, có điều chỉnh cho hợp lý.
Để thực hiện có hiệu quả các giải pháp đưa ra, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất thành lập Tổ công tác liên Bộ, nhằm triển khai đồng bộ các chỉ đạo. Phiên họp thứ nhất đã diễn ra vào ngày 6/2/2024 (27 tết) để thống nhất thành phần, nhiệm vụ của Tổ công tác.
Tại phiên họp lần 2 này, Tổ công tác tập trung kiểm điểm, đánh giá nội dung công việc, giải pháp thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua và tham mưu, đề xuất giải quyết một số vấn đề vãn còn tồn tại, vướng mắc.
Đáng chú ý, Bộ Xây dựng đã ban hành văn bản số 641/BXD-KTXD ngày 19/2/2024 gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc xác định giá vật liệu xây dựng tại mỏ theo cơ chế đặc thù giao cho nhà thầu thi công tự khai thác vật liệu xây dựng phục vụ thi công đã được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Nghị quyết 106/2023/QH15 và các Nghị quyết của Chính phủ; trong đó, hướng dẫn Bộ Giao thông Vận tải thu thập, đánh giá, xác định các loại chi phí, khoản mục chi phí phát sinh (nếu có) theo cơ chế đặc thù.
Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đã có ý kiến đối với kết quả rà soát các định mức dự toán cần điều chỉnh, bổ sung thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng và danh mục định mức chuyên ngành giao thông theo đề nghị tại văn bản của Cục Quản lý đầu tư xây dựng - Bộ Giao thông Vận tải; trong đó, xác định rõ danh mục các định mức trùng lặp theo đề xuất của cả 2 bộ, danh mục định mức cơ bản đủ điều kiện ban hành theo thẩm quyền và định mức cần bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định.