Gỡ điểm nghẽn để dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná sớm đi vào hoạt động

Sáng 9/2, trong chuyến thị sát thực hiện dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná (xã Cà Ná, huyện Thuận Nam) do Tập đoàn Trung Nam (Trungnam Group) làm chủ đầu tư, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh đánh giá cao tiến độ thực hiện dự án cũng như chất lượng thi công công trình trong thời gian qua.

Chú thích ảnh
 Dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná đang được thi công trên biển (ảnh tư liệu). 

Ông Nguyễn Đức Thanh bày tỏ, đây là công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, do vậy lãnh đạo tỉnh không chỉ cam kết với nhà đầu tư là Trungnam Group mà cả Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh quyết tâm sẽ đưa Cảng biển tổng hợp Cà Ná trở thành mốc đột phá quan trọng, sớm đưa vào khai thác, tạo đòn bẩy thúc đẩy các dự án khác cùng phát triển.

Dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1 đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 điều chỉnh tại Quyết định số 474/QĐ-UBND ngày 7/9/2021 của UBND tỉnh Ninh Thuận với tổng diện tích 85,52 ha, tổng vốn đầu tư 6.500 tỷ đồng, công suất thiết kế lượng hàng qua cảng đạt khoảng 3,7 triệu tấn/năm.

Quy mô dự án bao gồm bến cảng 1A và 1B cùng khu phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật kết nối đồng bộ để có thể tiếp nhận tàu có tải trọng đến 100.000 DWT. Dự kiến tổng lượng hàng tổng hợp thông quan qua cảng năm 2025 từ 1,89 - 3,69 triệu tấn và đến năm 2030 từ 3,21 - 5,48 triệu tấn.

Ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trungnam Group cho biết, dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1 được khởi công vào ngày 25/8/2020. Sau gần một năm rưỡi thi công, đến nay dự án đã hoàn thành bến cảng 1A và cơ bản hoàn thành công tác san lấp bãi hàng, khu phụ trợ phục vụ vận hành khai thác cảng.

Hiện nay, Trungnam Group đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý cuối cùng với Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông và Cục Hàng hải trực thuộc Bộ Giao thông vận tải để thực hiện công bố cảng, luồng và xin cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cảng biển để đưa bến cảng 1A vào vận hành khai thác dự kiến vào quý II/2022.

Đối với bến cảng 1B, Trungnam Group cũng đang triển khai thi công hạng mục cọc khoan nhồi, hiện đã hoàn thành 14/252 cọc và san lấp khu bãi hàng, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2023, vượt tiến độ 1 năm so với Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh. Đối với khu phụ trợ của giai đoạn 1, Trungnam Group cũng đang triển khai xây dựng đồng bộ các khu nhà chức năng, đường giao thông để đưa vào vận hành trong Quý III/2022.

Tuy vậy, ông Nguyễn Tâm Thịnh cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất mà dự án đang đối mặt đó là nguồn cung cấp vật liệu san lấp, xây dựng thiếu hụt nghiêm trọng. Hiện nay, nhu cầu cát san lấp đang thiếu cho Cảng tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1 là khoảng 1,5 triệu m3 và gần 10 triệu m3 đá san lấp, xây dựng các loại, đó chưa kể khối lượng vật liệu để xây dựng đoạn tuyến nối cao tốc Bắc - Nam trong giai đoạn 1 nằm trong kế hoạch tài trợ của Trungnam Group cho tỉnh Ninh Thuận.

Để đảm bảo nguồn cung và đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án nêu trên, Trungnam Group đề nghị tỉnh Ninh Thuận tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ các khó khăn về thủ tục pháp lý, về quy hoạch chung hệ thống thoát nước cho toàn bộ khu tổ hợp Cà Ná, về ký hợp đồng cho thuê đất của dự án, về vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án; qua đó để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Cụ thể, tỉnh sớm thống nhất chủ trương và hỗ trợ đẩy nhanh thủ tục pháp lý khai thác mỏ đá Giăng, trữ lượng khảo sát khoảng 12 triệu m3 đá và 2 triệu m3 đất; đồng thời xem xét cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất để đưa đồi đá Chao vào quy hoạch mỏ vật liệu xây dựng, với trữ lượng khoảng 14 triệu m3 để có nguồn vật liệu phục vụ dự án.

Bên cạnh đó, tỉnh sớm hỗ trợ đẩy nhanh thủ tục pháp lý về việc thẩm định hồ sơ điều chỉnh dự án nạo vét cảng cá Cà Ná mở rộng để vừa khai thác khoảng 300.000 m3 đất cát san lấp, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển và neo đậu tàu thuyền có công suất 90CV trở lên.

UBND tỉnh Ninh Thuận cần xem xét, giải quyết hồ sơ pháp lý, giải phóng mặt bằng, triển khai thi công san lấp giai đoạn 1 khu công nghiệp Cà Ná, nhằm tận dụng khối lượng đất đá san lấp dư thừa (trữ lượng khoảng 16 triệu m3) để đáp ứng nhu cầu dự án.

Ngoài ra, Trungnam Group cũng đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận chấp thuận cho tham gia đấu thầu giai đoạn 2 của Cảng tổng hợp Cà Ná để thực hiện xây dựng bến cảng có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng đến 300.000DWT, phù hợp với quy hoạch phân khu được duyệt, biến Cảng tổng hợp Cà Ná trở thành vị trí độc tôn trên bản đồ Cảng biển Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận nhấn mạnh, trong tổng chiến lược phát triển của tỉnh, tỉnh xem đây là dự án trọng điểm rất quan trọng và cũng là động thái không chỉ trước mắt mà cả về lâu dài. Tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực vượt khó của Trungnam Group và các nhà thầu đã ngày đêm lao động cật lực, kể cả ngày Tết để đẩy nhanh tiến độ dự án. Khi dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ tạo cú huých lớn thúc đẩy cho các lĩnh vực, kể cả công nghiệp, kinh tế biển, đô thị biển, logistics và các ngành công nghiệp mới phát triển.

Để giải quyết khó khăn của doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh giao UBND tỉnh khẩn trương xem xét, hỗ trợ nhà đầu tư về các thủ tục pháp lý theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo chặt chẽ, nhanh chóng. Liên quan đến vướng mắc trong quá trình thi công, UBND tỉnh và Trungnam Group cần có kế hoạch và có một cơ chế vận hành tốt hơn để sớm tháo gỡ nhanh chóng khó khăn hiện nay đang gặp phải. Mục tiêu mà tỉnh đặt ra là rất rõ ràng và Trungnam Group cũng đã cam kết thi công dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình thì không lý gì để xảy ra vướng mắc, làm chậm dự án.

Toàn bộ quy mô Cảng biển tổng hợp Cà Ná sau khi hoàn thành gồm 17 bến tàu, đây là cảng nước sâu có địa thế rất thuận lợi trong phạm vi cả nước, giúp giải tỏa áp lực cho các cảng biển ở các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ. Đặc biệt hướng đến là điểm trung chuyển hàng hóa cho cả khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cho toàn bộ khu vực ASEAN.

Dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná đi vào hoạt động dự kiến đóng góp ngân sách hàng năm cho tỉnh Ninh Thuận từ 33,8 tỷ - 83,4 tỷ đồng/năm; đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương, giúp tỉnh Ninh Thuận tiếp tục tạo đột phá phát triển mạnh mẽ so với các tỉnh, thành trong cả nước.

Tin, ảnh: Công Thử (TTXVN)
Khảo sát dự án đường nối cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1A và cảng Cà Ná
Khảo sát dự án đường nối cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1A và cảng Cà Ná

Để tạo động lực cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Ninh Thuận phát triển, việc đầu tư hạ tầng giao thông nối cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1A và cảng Cà Ná là cấp bách. Do đó, các sở, ngành có liên quan cần khẩn trương khảo sát kỹ, chi tiết, chặt chẽ quy mô dự án sớm trình thẩm định, thực hiện đầu tư xây dựng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN