Tuy nhiên, ngoài đoạn Tp. Hồ Chí Minh – Trung Lương đã được đưa vào khai thác từ 10 năm qua, hai đoạn còn lại là Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Điều này khiến cao tốc ở khu vực này chưa phát huy được hiệu quả tốt nhất.
Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận lại vướng
Được khởi công hơn 10 năm trước, đến nay cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (dài khoảng 51 km có tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng) vẫn đang thi công và mới đạt khoảng 30% khối lượng. Do nhiều nguyên nhân, giai đoạn 2009 – 2018, dự án mới chỉ đạt khoảng 15% khối lượng và bị tạm dừng thi công. Sau khi được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, cùng sự vào cuộc của Tập đoàn Đèo Cả (tham gia điều hành dự án), dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận mới tái khởi động tháng 4/2019.
Tuy nhiên, do vướng thủ tục pháp lý và nguồn vốn tín dụng chậm giải ngân, dự án lại rơi vào khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu hoàn thành thông tuyến cuối năm 2020 và đưa vào khai thác tháng 4/2021, như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, tổng nguồn vốn đã giải ngân vào dự án là 4.276 tỷ đồng; trong đó, vốn chủ sở hữu và từ nhà đầu tư huy động là 2.500 tỷ đồng; vốn ngân sách là 1.776 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn tín dụng ngân hàng (chiếm hơn 50% tổng vốn) dù đã ký kết nhưng sau hơn 2 tháng, vẫn chưa được giải ngân.
Theo đại diện Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, ngân hàng chưa giải ngân vốn là bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Tiền Giang vẫn chưa làm rõ thẩm quyền ký kết các văn bản liên quan đến dự án mà ngân hàng cấp tín dụng yêu cầu. Việc giải ngân dự kiến thực hiện trước ngày 5/3, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Theo điều khoản trong hợp đồng tín dụng, đến ngày 16/3, nếu vốn vay tín dụng không được giải ngân thì hợp đồng sẽ tự động hết hiệu lực.
Để tháo gỡ vướng mắc về thủ tục pháp lý giải ngân vốn tín dụng, ngày 18/2, UBND tỉnh Tiền Giang đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp xin ý kiến về một số nội dung kiến nghị của các ngân hàng tham gia hợp vốn dự án. Cụ thể là thẩm quyền ký văn bản cam kết giá vé và lộ trình tăng giá vé; Quyết định phân công của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phân công Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký các văn bản liên quan đến dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận… có phù hợp với Luật Giá cũng như quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương...
Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết, theo kế hoạch, chủ đầu tư phải kết thúc toàn bộ việc gia tải, xử lý đất yếu và nền móng của cầu trong tháng 4/2020. Do vậy, nhà đầu tư cần nguồn lực rất lớn về tài chính trong tháng 3 – 4/2020 nên rất trông chờ nguồn vốn tín dụng. Nếu không giải ngân được, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thông tuyến vào cuối năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với khó khăn về nguồn vốn, dự án hiện cũng gặp khó khăn về thi công trên công trường. Do khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được xem là vùng có nền đất yếu, nên việc thi công khó khăn và kéo dài hơn. Cùng với đó, tình hình xâm nhập mặn diễn ra tại nhiều địa phương trong khu vực, ảnh hưởng lớn đến khả năng cung ứng vật liệu cho công trường.
Ông Nguyễn Thế Hải, Trưởng Tư vấn giám sát gói thầu XL-08 cho biết, để đáp ứng khối lượng gia tải đến tháng 4/2020, riêng gói thầu này hiện cần khoảng 80.000 m3 cát, hơn 21.000 m3 đá dăm cấp phối. Do địa phương thực hiện công tác ngăn mặn trên các sông, việc cung cấp vật liệu phải di chuyển bằng đường vòng ở các rạch nhỏ, trên sà lan nhỏ, ảnh hưởng đến khối lượng tập kết vật liệu cung ứng. Hiện chủ đầu tư, nhà thầu phải tăng cường thêm các nguồn cung ứng khác để đáo ứng nhu cầu của dự án.
Đối với các gói thầu chậm tiến độ, ông Nguyễn Quang Vĩnh cho biết, chủ đầu tư thường xuyên phối hợp với tư vấn giám sát, quản lý dự án để đánh giá khả năng hoàn thành gói thầu theo mốc cam kết. Như gói thầu XL-08 bị chậm khoảng 13%, chủ đầu tư đã cắt chuyển khối lượng và bổ sung thêm nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ gói thầu. Đối với nhà thầu Hoàng An ở gói thầu XL-08, nếu không có giải pháp khắc phục chậm tiến độ, nhà đầu tư sẽ cắt chuyển khối lượng hoặc bổ sung nhà thầu khác thay thế.
Chờ kết nối đồng bộ
Thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, từ năm 2017 đến nay, Quốc hội, Chính phủ đã đồng ý bố trí nguồn vốn lớn để triển khai các dự án giao thông trong khu vực. Dù vậy, việc các dự án chậm triển khai hoặc thi công chậm tiến độ đã ảnh hưởng rất nhiều đến giao thông kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay, trục giao thông từ Tp. Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ vẫn còn hạn chế, khiến tình trạng ùn tắc, kẹt xe kéo dài thường xuyên nhất là vào các dịp lễ, tết, cuối tuần. Các chuyên gia nhận định, khi cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đưa vào khai thác (như kế hoạch là tháng 4/2021), nếu chưa có tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2, thì đây sẽ là “điểm nghẽn” mới về giao thông trong khu vực.
Trong khi đó, cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Trung Lương (hơn 40 km), đưa vào sử dụng từ năm 2010, với lưu lượng bình quân hiện khoảng 47.000 phương tiện/ngày đêm. Tuy nhiên, do không thu phí từ đầu năm 2019, nên lưu lượng, tải trọng phương tiện trên tuyến không được kiểm soát, gây lãng phí nghiêm trọng; tốc độ lưu thông giảm, đường xuống cấp, không có nguồn kinh phí bảo trì… Do đó, cần sớm triển khai thu phí trở lại để tránh thất thu ngân sách và có điều kiện duy tu, bảo trì tuyến đường này.
Ông Nguyễn Bá Hùng, đại diện Công ty cổ phần đầu tư xây dựng BMT cho biết, dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có điểm kết thúc tại An Thái Trung (huyện Cái Bè, Tiền Giang), nối ra Quốc lộ 30 với một nhánh đi tỉnh Đồng Tháp và một nhánh đổ về Quốc lộ 1. Hiện tuyến Quốc lộ 30 có lưu xe rất lớn, thường xuyên kẹt xe vào dịp lễ, tết, cuối tuần, nhất là khu vực ngã ba An Thái Trung. Khi hết cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, các xe hướng về Cần Thơ đều phải dồn về Quốc lộ 1, chắc chắn sẽ gây kẹt xe nghiêm trọng.
Theo ông Nguyễn Bá Hùng, trong thực tế hiện nay, để phát huy hiệu quả tuyến cao tốc, Chính phủ nên triển khai sớm đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ để kết nối liên vùng thuận lợi, phát huy hiệu quả cả tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Cần Thơ.
Vừa qua, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cũng đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc “tính cấp bách của việc sớm hoàn thành và khai thác đồng bộ toàn tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh đến Cần Thơ"; trong đó, VARSI nhận định, nếu không sớm hoàn thành để đưa vào khai thác tuyến đường cao tốc từ Tp. Hồ Chí Minh đến Cần Thơ, sẽ tạo ra “điểm nghẽn”, gây ách tắc và ảnh hưởng đến sự phát triển của khu vực.
Đối với cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 theo hình thức đối tác công tư với tổng mức đầu tư 5.370 tỷ đồng; sau đó tổ chức sơ tuyển, lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, do thay đổi về chủ trương hỗ trợ của Nhà nước để phù hợp với quy định pháp luật, nên Bộ Giao thông Vận tải đã hủy sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư và tổ chức điều chỉnh dự án. Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ với tổng mức đầu tư là 4.758 tỷ đồng và nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho dự án là 932 tỷ đồng.
Theo VARSI, hiện dự án còn khối lượng công việc khá nhiều như sơ tuyển, đấu thầu đầu tư; đàm phán ký kết Hợp đồng dự án, hợp đồng tín dụng; hoàn thiện thủ tục giải ngân vốn ngân sách Nhà nước; giải phóng mặt bằng… nên không thể khởi công trong quý I/2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Do đó, VARSI đề xuất Chính phủ xem xét áp dụng quy định “Lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt” theo điều 26 Luật đấu thầu để rút ngắn quá trình lựa chọn nhà đầu tư, nhằm đảm bảo hoàn thành đồng bộ với tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và cầu Mỹ Thuận 2 đang được triển khai.
Với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, việc sớm kết nối đồng bộ tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh đến Cần Thơ sẽ góp phần tạo “sức bật” mới, tháo gỡ “điểm nghẽn” về giao thông cho khu vực. Trước mắt, cần sớm tháo gỡ khó khăn để dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận về đích vào tháng 4/2021 và triển khai đoạn tuyến Mỹ Thuận – Cần Thơ để tạo sự thông suốt.