Giữ vững mối liên kết đảm bảo chuỗi cung ứng hàng Việt Nam

Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp, đời sống của nhân dân, chuỗi cung ứng sản xuất và phân phối hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian chứng kiến sức sống mãnh liệt của hàng Việt và vai trò vô cùng quan trọng của thị trường trong nước đối với nền kinh tế.

Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh tại hội nghị Giữ vững mối liên kết đảm bảo chuỗi cung ứng hàng Việt Nam nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức sáng 8/12 tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Dòng chảy thương mại

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Nhìn lại một chặng đường đã qua có thể khẳng định phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động đã giúp ngành công thương tạo nền tảng vững chắc trong xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại; phát triển các chương trình thương mại nội địa như Chương trình bình ổn thị trường, đưa hàng Việt về nông thôn, Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam…

Những chương trình này đã xây dựng nên những chuỗi cung ứng hàng hóa mà ở đó, sự kết nối giữa các bộ, ngành trung ương với chính quyền địa phương; doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã, hộ nông dân với doanh nghiệp phân phối đã tạo thành dòng chảy thương mại vững chắc, có khả năng điều tiết thị trường, ngay cả trong tình huống có nhiều địa phương cùng lúc áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, tuy tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 11 tháng năm 2021 tuy giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2020 do các dịch vụ du lịch, hàng không trên toàn cầu bị đình trệ, nhưng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 11 đã tăng 6,2% so với tháng trước.

Đây là kết quả tích cực khi nguồn cung hàng hóa thiết yếu không bị gián đoạn và kiểm soát được giá cả trên thị trường, ngay cả ở Bắc Ninh, Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 và 16+.

Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 11 tiếp tục khởi sắc bởi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, với mức tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 11 tháng năm 2021, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Hướng tới phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP; trong đó nhấn mạnh đến khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Với tinh thần đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp vượt khó, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT về thực hiện các giải pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; đồng thời tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt về các điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất hiện nay.

Chú thích ảnh
Tàu cập bến bốc dỡ hàng hóa tại cảng Tân Cảng - Cái Mép (Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh minh họa: Trọng Đức/TTXVN

Ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho hay, từ cuối tháng 4/2021, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát đã khiến Bắc Giang trở thành tâm dịch lớn nhất cả nước.

Tuy nhiên, nhờ các giải pháp linh hoạt thông qua việc kết nối cung cầu, các doanh nghiệp đã cơ bản phục hồi sản xuất, thậm chí đã sử dụng lao động ở mức nhiều hơn so với thời điểm trước dịch.

Một số doanh nghiệp lớn trong Khu công nghiệp đang bố trí tăng ca tất cả các ngày trong tuần, mở rộng dây chuyền sản xuất để bù lại các đơn hàng bị chậm trong thời gian nghỉ dịch. Hơn nữa, đã có nhiều doanh nghiệp mới được chấp thuận đầu tư, đi vào hoạt động, thu hút đầu tư đạt trên 1,26 tỷ USD.

Cùng với đó, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã dần sôi động, lượng hàng hóa tiêu thụ tăng và đang dần phục hồi. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, giá cả ổn định. Hoạt động vận tải nội tỉnh hoạt động bình thường, phục vụ tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và nhu cầu của người dân.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Vương Đức Anh, Chánh văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, mặc dù khu vực may phía Nam bị ảnh hưởng phải đóng cửa vì dịch bệnh trong quý III tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu 10 tháng 2021 đạt 32,4 tỷ USD, tăng 11% so cùng kỳ năm 2020 và cũng gần tương đương cùng kỳ của năm 2019. Nếu 2 tháng cuối năm, mỗi tháng tối thiểu xuất khẩu đạt 3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2021 xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020. 

Sau 9 tháng năm 2021, Tập đoàn đã vượt 35% kế hoạch năm và phục hồi về mức trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát năm 2019, lợi nhuận năm 2021 dự kiến cao gấp trên 2 lần năm 2020 và có thể cao hơn nếu vừa qua khu vực may phía Nam của Tập đoàn không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bù lại năm nay lĩnh vực sản xuất nguyên liệu đóng góp 60% hiệu quả của Tập đoàn.

Nâng chất cho hàng Việt

Chú thích ảnh
Người dân đi mua sắm tại siêu thị Co.opXtra. Ảnh tư liệu: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Theo ông Vương Đức Anh, rõ ràng khó khăn và thách thức COVID-19 đối với những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may là rất lớn. Vì vậy, doanh nghiệp phải có các giải pháp ứng phó hết sức linh hoạt để đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho người lao động.

Tới đây, Tập đoàn sẽ cùng các đơn vị thành viên sẽ tiếp tục phối hợp xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ sợi-dệt-nhuộm-may hướng tới trở thành một điểm đến trọn gói cho khách hàng trong ngành dệt may thời trang.

Với mục tiêu giai đoạn 2022-2025 là hình thành năng lực cung ứng đủ lớn cho ngành hàng dệt kim, đáp ứng được yêu cầu ban đầu của các chuỗi cung ứng quy mô lớn của thế giới, trên nền tảng của ngành sợi đã khá phát triển trong 5 năm qua, cùng với một ngành may quy mô và có uy tín.

Để người dân tiếp tục ủng hộ hàng Việt, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đề nghị thay vì vận động cần chuyển sang hành động qua việc nâng cao chất hàng hóa Việt để đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Bởi thực tế hiện nay, do chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng nên doanh nghiệp vẫn đang sản xuất ra những loại hàng hóa với chất lượng không đồng đều.

Sở dĩ hàng kém chất lượng vẫn tiêu thụ được nên giúp người sản xuất không có “áp lực” để nâng cao trách nhiệm, sản xuất ra hàng chất lượng cao. Trong khi thực tế, năng lực của các doanh nghiệp hoàn toàn có thể sản xuất ra các mặt hàng đáp ứng tiêu chuẩn của hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu... 

Vì vậy, với những thị trường lớn như Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội… hoàn toàn có thể đặt ra các tiêu chí và lấy quyền lực thị trường để định hướng để nhà sản xuất phải đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Nhằm duy trì chuỗi sản xuất hàng Việt Nam bền vững, thích ứng linh hoạt trong tình hình mới, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất trong tình huống dịch có thể kéo dài. 

Mặt khác, doanh nghiệp nhanh chóng tái tuyển dụng và đào tạo lao động, nhất là những ngành như da giày, điện tử, chế biến thực phẩm... do thời gian qua thiếu hụt, lao động chuyển dịch về quê; có chính sách linh hoạt về giờ làm thêm, kiến nghị giảm đóng phí công đoàn, trả thêm thù lao cho lao động làm việc tại chỗ, hỗ trợ giữ trẻ cho người lao động.
 
Ông Ngô Khải Hoàn cũng lưu ý doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước khi triển khai Nghị quyết số 128 của Chính phủ, có kiến nghị kịp thời về những bất cập phát sinh để tránh xảy ra tình trạng cát cứ, ách tắc lưu thông hàng hóa như vừa qua.

Đặc biệt, cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền địa phương cũng cần thống nhất khi triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, tránh tình trạng mỗi địa phương làm một kiểu, để đảm bảo đủ nguyên liệu cho sản xuất. 

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thông tin, tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, khả năng sản xuất, kinh doanh cũng như khuyến khích, định hướng tiêu dùng sử dụng hàng Việt Nam.

Bên cạnh đó, vận động các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ vai trò, lợi ích và hiệu quả của việc tham gia Cuộc vận động, trách nhiệm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ.

Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ công bố thường xuyên, kịp thời danh mục quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia mới ban hành; thông tin chính thức về diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu; thiết lập các kênh phân phối hàng hóa và phát triển thị trường nội địa; ứng dụng thương mại điện tử cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Uyên Hương (TTXVN)
Nhiều kênh kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa địa phương
Nhiều kênh kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa địa phương

Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2021 diễn ra trong ba ngày (từ ngày 2-5/12) tại TP Hồ Chí Minh đang thu hút sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước; trong đó, bộ, ngành và các tỉnh, thành cũng không ngừng nỗ lực phát huy vai trò cầu nối và mở rộng nhiều kênh kết nối chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh, nhất là tại khu vực phía Nam trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN