Theo giới chuyên gia, với lãi suất cho vay hiện nay đang ở mức 0%, nhiều khả năng FED sẽ không có các điều chỉnh hay đưa ra các biện pháp mới, đặc biệt khi Quốc hội Mỹ không có bất cứ thỏa thuận nào về gói cứu trợ liên bang mới để hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn cũng như những người bị mất việc. Các nhà kinh tế dự báo các quan chức của Ủy ban Thị trưởng mở Liên bang (FOCM) - cơ quan hoạch định chính sách của FED - sẽ cung cấp thêm thông tin về khả năng tăng quy mô chương trình mua trái phiếu, cao hơn mức 120 tỷ USD/tháng hiện nay.
Tuy nhiên, theo nhà kinh tế Diane Swonk của tổ chức Grant Thornton, FED sẽ chỉ quyết định tăng cường mua tài sản nếu thị trường tín dụng gặp phải một rào cản khác. Bà cũng dự báo ngân hàng trung ương Mỹ sẽ phát đi tín hiệu giữ nguyên chương trình mua tài sản đó cho đến khi nền kinh tế vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay. Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách có thể tiến hành điều chỉnh loại tài sản mua vào, chuyển thành nợ dài hạn như một chính sách bảo hiểm trước những rủi ro ngắn hạn.
Thậm chí ngay cả khi số các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại Mỹ tiếp tục tăng đột biến trên cả nước, việc triển khai đợt vaccine đầu tiên và phê duyệt đợt vaccine thứ hai giống như chất xúc tác đối với hoạt động kinh doanh tại Mỹ, tạo tâm lý lạc quan để các doanh nghiệp có thể bắt đầu quay trở lại bình thường vào năm sau.
Cùng với thông báo chính sách, FOMC sẽ công bố dự báo tình hình kinh tế quý mới nhất của mình phản ánh quan điểm của 17 thành viên về triển vọng của nền kinh tế lớn nhất.
Mặc dù vấn đề tăng số lượng việc làm không có nhiều tiến triển, nhưng các dữ liệu khác cho thấy có sự cải thiện trong nhiều lĩnh vực như sản xuất công nghiệp và các quan chức của FED có thể nâng đánh giá tăng trưởng của mình.
Chủ tịch FED Jerome Powell sẽ tổ chức một cuộc họp báo sau cuộc họp và có khả năng sẽ phải đối mặt với nhiều câu hỏi hơn về số phận của nền kinh tế nếu Quốc hội Mỹ không thể giải quyết bế tắc liên quan tới gói cứu trợ.