Hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động giám sát nhà nước vẫn còn yếu và được đánh giá là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới thất thoát, lãng phí nguồn lực đã đầu tư của doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Sử dụng vốn kém hiệu quả do thiếu giám sát
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tổng số vốn chủ sở hữu tại các DNNN là trên 700 nghìn tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Tổng tài sản tính đến 31/12/2010 của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đạt gần 2 triệu tỷ đồng. Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khu vực DNNN (bao gồm cả DN có trên 50% vốn điều lệ thuộc sở hữu nhà nước) có tổng tài sản đạt 3,1 triệu tỷ đồng, chiếm trên 40% tổng tài sản của toàn bộ các DN và lớn hơn tổng GDP hàng năm của Việt Nam.
Công nhân Tổng công ty Điện lực miền Bắc thi công nâng công suất trạm biến áp 110 kV Giao Thủy (Nam Định). Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN |
Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng nguồn lực vốn nhà nước của các DN vẫn còn bất cập. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, cơ chế giám sát của Nhà nước đối với DNNN còn nhiều vấn đề cần xem xét. Tại hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã nhận định: “Một số DN vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý vốn đầu tư, làm thất thoát tài sản của Nhà nước về quản lý vốn đầu tư, làm thất thoát tài sản của Nhà nước nhưng chậm được phát hiện, ngăn chặn, xử lý. Hoạt động giám sát chưa có tác dụng cảnh báo và ngăn ngừa việc sử dụng vốn kém hiệu quả và bảo vệ được tài sản của nhà nước đầu tư. Cơ chế giám sát việc thực hiện các quyền nghĩa vụ và bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu nhà nước còn thiếu đồng bộ”.
Xét trên bình diện khung pháp lý, Việt Nam hiện chưa có luật riêng về giám sát đánh giá DNNN. Trong khi đó hệ thống các văn bản điều chỉnh hoạt động của DNNN trên thực tế đã hết hiệu lực hoặc một số văn bản còn hiệu lực nhưng lại không còn phù hợp.
Về cơ chế giám sát, theo đánh giá chưa làm rõ trách nhiệm giải trình của bộ máy nhà nước trong hoạt động giám sát, đánh giá DNNN; năng lực giám sát và đánh giá của bản thân các cơ quan giám sát còn yếu và việc chưa quy định rõ ràng, dẫn tới tình trạng lúng túng trong thực hiện hoặc nếu có thực hiện thì cũng thiếu chuẩn mực, không hiệu quả, mang tính hình thức.
Ngoài ra còn một vấn đề khác đó là hiệu quả của cơ chế giám sát nội bộ DNNN hiện có nhiều bất cập. Hiệu quả của cơ chế giám sát trong nội bộ phụ thuộc vào sự tách bạch giữa quản lý và điều hành, giữa chủ thể giám sát và đối tượng giám sát. Hiện nay, giám sát nội bộ của DNNN vẫn còn tình trạng chủ thể giám sát (nội bộ) đồng thời là đối tượng giám sát thì việc giám sát chỉ là hình thức, không có ý nghĩa. Theo Bộ KH&ĐT, hiện chỉ có 3,2% DNNN 100% vốn nhà nước là có sự tách bạch hoàn toàn, tức là Tổng giám đốc không phải là thành viên của Hội đồng thành viên…
Đổi mới cơ chế giám sát
TS Trần Tiến Cường, chuyên gia tư vấn độc lập cho biết: Trong bối cảnh thông tin không đầy đủ, thiếu minh bạch như hiện nay về DNNN thì việc giám sát và đánh giá DNNN cần phải luôn đồng hành với nhau. Tức là, cần tiến hành đồng thời cả hai hoạt động giám sát và đánh giá.
Bên cạnh đó, TS Trần Tiến Cường khuyến nghị cần thúc đẩy nhanh giải pháp có tính cải cách về tổ chức lại việc giám sát, đánh giá đối với các DNNN, đặc biệt là đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị cần đổi mới cơ chế giám sát trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm giải trình và đảm bảo các nguyên tắc về việc mỗi DNNN phải có một đầu mối chịu trách nhiệm chính việc giám sát hoạt động của DN.
Ngoài ra, DNNN phải thực hiện việc công khai, minh bạch các thông tin chủ yếu liên quan đến hoạt động của mình theo quy định của pháp luật về DN liên quan đến công khai, minh bạch hóa. Cụ thể cần minh bạch trên các khía cạnh như báo cáo tài chính; thông tin chi tiết về cơ cấu sở hữu và tài sản, mục tiêu hoạt động dài hạn và các mục tiêu cụ thể hàng năm…
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát, trước hết chúng ta cần phải tiêu chí hóa, tiêu chuẩn hóa và pháp quy hóa các hoạt động giám sát đối với các DNNN, đồng thời có những giải pháp làm tăng tính trung thực trong các báo cáo của đối tượng DN này. Mục tiêu của cơ chế giám sát là phải đánh giá được thực trạng tình hình tài chính của DN, chỉ ra được những nguy cơ, rủi ro về tài chính để từ đó đưa ra được những cảnh báo từ phía cơ quan quản lý nhà nước, những biện pháp từ chủ sở hữu và những hoạt động, giải pháp ngăn ngừa của DN để đảm bảo tình hình tài chính lành mạnh.
Quang Toàn