Hàng ngày, Trạm Biên phòng Cửa khẩu Sóc Giang (huyện Hà Quảng) có hàng trăm loại phương tiện chở hàng hóa; trong đó, có những xe vận chuyển lợn qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hiện dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Trung Quốc và một số tỉnh, thành ở trong nước, lực lượng biên phòng phối hợp giám sát chặt chẽ tại trạm cửa khẩu này.
Đại úy Nông Văn Duy, Trạm trưởng Trạm Biên phòng cửa khẩu Sóc Giang, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng cho biết, đơn vị phối hợp lực lượng cửa khẩu tuần tra, kiểm tra, giám sát đường mòn lối mở, cửa khẩu để phòng ngừa người dân, chủ buôn lậu lợn vào Việt Nam.
Ông Lân Văn Nguyễn, xóm Bản Mới, xã Đức Long, huyện Thạch An, Cao Bằng chia sẻ, bệnh dịch tả lợn châu Phi rất nguy hiểm đối với gia súc. Gia đình được Bộ đội tuyên truyền về tác hại khi sử dụng những sản phẩm không rõ nguồn gốc. Cách làm này giúp người dân nhận thức rõ, từ đó góp phần ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào địa bàn.
Tỉnh Cao Bằng ước có gần 400.000 con lợn, trường hợp dịch tả lợn xâm nhập gây thiệt hại nặng nề. Sau khi có thông tin dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại một số địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đề nghị lực lượng chức năng chủ động thành lập đoàn kiểm tra, đôn đốc phòng chống dịch bệnh tại các địa bàn nguy cơ cao; đồng thời ban hành kế hoạch hành động, ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.
Khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại một số địa phương giáp ranh, ngày 10/3/2019, UBND tỉnh Cao Bằng đã Quyết định thành lập Trạm kiểm dịch tạm thời trên Quốc lộ 4A thuộc địa phận xã Đức Xuân, huyện Thạch An (giáp ranh tỉnh Lạng Sơn) và Trạm kiểm dịch tạm thời tại Km 37, Quốc lộ 3 (Giáp ranh tỉnh Bắc Kạn).
Các lực lượng tại hai Trạm kiểm dịch tạm thời này được yêu cầu trực 24/24 giờ hàng ngày và có chức năng kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua địa bàn tỉnh; khử trùng tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua Trạm kiểm dịch; hướng dẫn, giám sát việc xử lý tiêu hủy tại chỗ khi phát hiện lợn, sản phẩm từ lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng quy định.
Ông Hoàng Minh Đạt, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cao Bằng cho biết, cơ quan chuyên môn hướng dẫn cơ sở chăn nuôi, hộ dân trên địa bàn ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở địa phương, trong đó tập trung khử trùng tiêu độc; hướng dẫn người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; đề nghị cơ quan chức năng kiểm soát việc vận chuyển lợn ở biên giới, tỉnh miền xuôi qua địa bàn tỉnh.
Tại Cao Bằng, việc ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhập gặp nhiều khó khăn, khi đường biên giới dài hơn 300 km, với 6 cửa khẩu và nhiều lối mòn qua lại. Lực lượng kiểm soát dịch tại hai Trạm kiểm dịch tạm thời trên hai quốc lộ chính còn mỏng, trang thiết bị cũng như thuốc khử trùng cho phương tiện lưu thông thiếu.
Trước nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi khả năng xâm nhập vào địa bàn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cao Bằng yêu cầu người nuôi và chính quyền địa phương chủ động ngăn chặn dịch bằng cách khi phát hiện lợn bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh, lợn bị chết không biết nguyên nhân cần báo thú y xã hoặc cơ quan thú y gần nhất để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm.