Đồng loạt kiểm tra các điểm thu gom, tập kết ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Chiều 13/3, Tổng cục Quản lý thị trường đã có buổi làm việc và báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về tình hình phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên phạm vi cả nước.

Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường, tình hình dịch tả lợn châu Phi ở Việt Nam đang có dấu hiệu lan rộng, tính đến ngày 12/3/2019 cả nước đã có 14 tỉnh xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Điện Biên, Hoà Bình, Hải Dương), nhiều địa phương như Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hà Nội... xuất hiện thêm ổ dịch mới.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng vận chuyển số lợn bị dịch bệnh tại Thôn Thôm Tà, xã Thuần Mang, huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn đem đi thiêu hủy. Ảnh: Vũ Hoàng Giang/TTXVN

Nguyên nhân là do buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán tăng. Đặc biệt, phần lớn ngành chăn nuôi nước ta vẫn nhỏ lẻ, mật độ cao, khó hoặc không thực hiện đầy đủ, thường xuyên các biện pháp vệ sinh phòng bệnh dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh.

Vì vậy, ông Trần Hữu Linh cho biết, ngay khi dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại Việt Nam, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành công văn số 325/TCQLTT-CNV ngày 20/2/2019 yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn thuộc ngành nông nghiệp và y tế kiểm tra việc vận chuyển, kinh doanh lợn, thịt lợn và các sản phẩm từ lợn, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, các địa phương có dịch và các tỉnh lân cận cần chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện chỉ đạo của UBND, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn, khống chế dịch tả lợn châu Phi trong tỉnh và lây lan sang các tỉnh lân cận.

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi vẫn tiếp tục lây lan tại Việt Nam và chưa có dấu hiệu dừng lại, ngày 8/3/2019 Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục có công văn số 452/TCQLTT-CNV yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Hơn nữa, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã đồng loạt tăng cường kiểm tra tại các đầu mối giao thông, các điểm thu gom, tập kết, trung chuyển thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn.

Đặc biệt, với 14 tỉnh, thành phố đã xuất hiện dịch, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trên địa bàn tham gia tất cả các hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương.

Mặt khác, cử công chức trực 24/24 giờ tại các trạm, chốt kiểm dịch động vật, các điểm nóng về kinh doanh, giết mổ động vật trái phép nhằm kiểm soát có hiệu quả việc kinh doanh, vận chuyển thịt lợn, sản phẩm từ thịt lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch ra - vào địa bàn.

Qua kết quả thống kê từ Cục Quản lý thị trường Hà Nội, lực lượng tham gia 5/5 chốt kiểm dịch động vật liên ngành tại các đầu mối giao thông gồm chốt cầu Phủ Lỗ, chốt Dốc Vân, chốt cầu vượt Nam Hồng, chốt cầu Thăng Long, chốt Trung Giã và chốt chặn tại xã Thụy Lâm, cửa khẩu phường Lĩnh Nam. Theo đó, phát hiện 1.260kg nội tạng động vật đựng trong 21 thùng xốp không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu bốc mùi hôi thối, vụ việc hiện đang được phối hợp với các ngành chức năng xử lý theo quy định.

Ngoài ra, tại Thái Bình, Nam Định, Thái Nguyên, Hưng Yên, Điện Biên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bắc Kạn, Hải Dương, lực lượng Quản lý thị trường cũng dốc toàn lực và tham gia kiểm tra, bắt giữ nhằm đẩy lùi nạn lợn bẩn tiêu thụ trong thị trường nội địa.

Ông Trần Hữu Linh khẳng định, thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục chỉ đạo, huy động toàn lực lượng tham gia công tác phòng chống dịch tại các địa bàn huyện, thành phố, các chốt kiểm dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh, thành phố và Ban chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn châu Phi của UBND tỉnh, thành phố.

Mặt khác, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường thu thập thông tin, nắm tình hình địa bàn, chủ động phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực gần cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, chợ đầu mối, chợ trung tâm, trung tâm thương mại, các tuyến, địa bàn trọng điểm đường bộ, đường biển, đường sắt.

Lực lượng quản lý thị trường cũng kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm; vận dụng các chế tài, biện pháp xử lý mạnh đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa vi phạm.

* Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã dẫn đầu đoàn kiểm tra liên ngành thành phố tiến hành kiểm tra công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Chương Mỹ.

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội yêu cầu huyện Chương Mỹ cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền tới người dân để chủ động ngăn chặn dịch bệnh; trong đó, yêu cầu thực hiện tốt "5 không", "4 tại chỗ" để đạt hiệu quả cao. 

Khi phát hiện dịch bệnh cần phải tiêu hủy chôn tại chỗ, tránh dịch chuyển gây lây lan sang diện rộng. Những người tham gia tổ tiêu hủy phải được vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Đồng thời, chuẩn bị vật tư, hóa chất, vôi bột... sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn huyện.

Theo ông Nguyễn Minh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, để ứng phó với dịch bệnh tả lợn châu Phi đang có nguy cơ lan rộng huyện đã tổ chức ký cam kết đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động chăn nuôi, buôn bán, kinh doanh, giết mổ... Kết quả có 96% hộ chăn nuôi và 500 (97%) cơ sở buôn bán, kinh doanh, giết mổ tham gia ký cam kết.

Chương Mỹ là một huyện có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, với 515 trang trại; trong đó, có 115 trang trại chăn nuôi lợn. Bên cạnh đó, huyện vẫn tồn tại hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, xen kẽ trong khu dân cư nên công tác quản lý dịch bệnh gặp nhiều khó khăn.

Chú thích ảnh
 Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Hà Nội với lãnh đạo huyện Chương Mỹ. Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN

Với nguy cơ cao mắc dịch tả lợn châu Phi, ông Nguyễn Minh Ngọc cho biết, huyện đã thành lập Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, quản lý giám sát dịch bệnh được duy trì thường xuyên đến hộ chăn nuôi trên địa bàn thôn xóm của các xã, thị trấn. Hàng ngày, đài truyền thanh của xã, huyện thường xuyên tuyên truyền về diễn biến dịch, nguy cơ lây nhiễm và các biện pháp phòng chống dịch bệnh phải thực hiện, công khai định mức hỗ trợ thiệt hại khi có dịch để các chủ hộ chủ động khai báo khi có dịch, không giấu dịch.

Ngoài ra, huyện cũng tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và tăng cường thanh, kiểm tra trên địa bàn.

Uyên Hương - Nam Giang (TTXVN)
Khẩn trương kiểm soát dịch tả lợn châu Phi tại Quảng Ninh
Khẩn trương kiểm soát dịch tả lợn châu Phi tại Quảng Ninh

Chiều 13/3, ông Trần Đức Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) thông tin, trước tình hình dịch tả lợn xuất hiện tại thôn 11, xã Sông Khoai, thị xã Quảng Yên, địa phương đang khẩn trương phối hợp với cơ quan chức năng khoanh vùng, bao vây, kiểm soát dịch bệnh, tránh để dịch lây lan sang vùng lân cận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN