Yêu cầu cấp thiết
Giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong sản xuất lúa vừa góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của cộng đồng, vừa đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao thu nhập cho chính người nông dân. Đề cập về sự cần thiết của giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hinh, Ban Quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phân tích, hiện nay, sản xuất nông nghiệp ở nước ta đóng góp khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn quốc. Phát thải khí trong sản xuất nông nghiệp tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực trồng lúa nước, chăn nuôi và quản lý đất, sử dụng phân bón và quản lý đất phát thải, đốt tàn dư thực vật. Các loại khí nhà kính phát thải chính trong nông nghiệp bao gồm khí CH4, N2O và CO2.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Thế Hinh, phát thải khí trong trồng lúa nước chủ yếu là phát thải khí CH4 (Metan). Loại khí này sinh ra chủ yếu do các chất hữu cơ bị phân hủy trong điều kiện yếm khí khi ruộng lúa bị ngập nước. Lượng khí Metan phát thải từ các ruộng lúa có thể khác nhau, tùy thuộc vào loại đất trồng lúa và nhiệt độ. Ruộng lúa bị ngập nước càng lâu thì lượng khí Metan sinh ra sẽ càng nhiều.
Nhìn từ Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều chuyên gia đánh giá đây là vùng sản xuất lúa trọng điểm của quốc gia, chiếm hơn 50% diện tích gieo trồng và sản lượng lúa của cả nước sản xuất mỗi năm. Hiện nay, các kỹ thuật canh tác lúa có thể làm tăng năng suất lúa, gia tăng sản lượng lúa nhưng cũng có thể tác động ngược lại là làm tăng lượng phát thải khí nhà kính.
Ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có nhiều lợi thế phát triển sản xuất nông nghiệp, gắn với nghĩa vụ an ninh lương thực và đảm bảo sinh kế người dân. Tuy nhiên, thực tế canh tác lúa lại đang chiếm tỉ lệ phát thải khí cao trong ngành nông nghiệp. Đây là một trong những thách thức lớn đối với Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, cả nước nói chung.
Còn theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Thanh Tùng, Việt Nam đã có những cam kết với quốc tế, thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa nói riêng. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua để hoàn thiện những cam kết với quốc tế, đồng thời đem lại những tích cực cho sản xuất lúa của quốc gia.
Đồng bộ giải pháp
Trước yêu cầu giảm phát thải khí trong quá trình sản xuất nông nghiệp, trong đó có sản xuất lúa, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, các chuyên gia cho rằng Việt Nam đã có nhiều chính sách liên quan đến việc thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, đối với việc thực hiện giảm phát thải trong lĩnh vực sản xuất lúa nước, ngoài nguồn lực của Nhà nước, rất cần thêm nhiều nguồn kinh phí, nhất là khu vực tư nhân đầu tư vào hạ tầng nông nghiệp, theo hướng lồng ghép với kỹ thuật canh tác giảm phát thải khí nhà kính.
Theo Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Xuân Khoa, để phát triển nông nghiệp bền vững hơn, giảm nguồn phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính thì ngoài thực hiện các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu cần tiếp tục đẩy mạnh các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, tạo sự liên kết, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất và đáp ứng các tiêu chí bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Nhấn mạnh vào các giải pháp mang tính chuyên môn, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hinh đề xuất, để giảm phát thải khí nhà kính trong trồng lúa nước cần thực hiện đồng bộ các biện pháp như: áp dụng công nghệ “nông lộ phơi”, tức là chế độ tưới nước chủ động khô và ngập nước thay vì để các ruộng lúa ngập nước trong suốt cả mùa vụ, từ đó giúp giảm phát thải khí Metan. Tuy nhiên, với giải pháp này cần xây dựng hệ thống thủy lợi chủ động để áp dụng công nghệ phù hợp và cũng đòi hỏi chí phí đầu tư tương đối lớn. Do đó, nếu không có các nguồn lực hỗ trợ, nhiều nông dân sẽ chưa muốn làm theo. Đồng thời, để áp dụng biện pháp này cần có diện tích canh tác lúa tập trung nên chỉ có một số địa bàn cụ thể mới có thể áp dụng.
Giải pháp tiếp theo cũng góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa, theo Tiến sĩ Nguyễn Thế Hinh đó là chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng cạn khác. Do lượng phát thải trong cây trồng cạn thấp nên chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng cạn sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, các địa phương cần thực hiện chuyển đổi đất sản xuất 2-3 vụ lúa sang sản xuất 1 vụ lúa, 1 vụ màu. Để đạt hiệu quả bền vững, đòi hỏi mỗi địa phương phải có quy hoạch cụ thể liên quan đến sản xuất, thị trường sản phẩm cũng như chi phí đầu tư cảo tạo hệ thống thủy lợi, cơ sở chế biến.
Liên quan đến các giải pháp thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất lúa, từ góc độ một địa phương cụ thể ở Đồng bằng sông Cửu Long - nơi đang chịu nhiều tác động tiêu cực bởi biến đổi khí hậu, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang thông tin, tỉnh thường xuyên tổ chức các hội nghị tuyên truyền về thực hiện các biện pháp giảm cường độ phát thải khí nhà kính. Tỉnh khuyến khích triển khai, áp dụng kỹ thuật canh tác nông nghiệp hữu cơ, quy trình tưới, tiêu tiết kiệm trong canh tác và sử dụng phế phẩm trong nông nghiệp thông qua các mô hình như trồng rau thủy canh, trồng ngô nếp theo hướng an toàn, trồng rau ăn quả sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt…Trong đó, nổi bật là mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính có sự tham gia của cộng đồng đã được triển khai tại Hợp tác xã Kênh 7B, huyện Tân Hiệp, do Cơ quan Viện trợ phát triển quốc tế Australia tài trợ. Mô hình canh tác này áp dụng “1 phải 6 giảm”. Một phải là canh tác bằng giống lúa xác nhận và “6 giảm” là giảm lượng giống, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân bón, giảm lượng nước tưới, giảm thất thoát sau thu hoạch và giảm khí phát thải. Mô hình thực hiện quy trình quản lý nước “ngập - khô xen kẽ” trên diện tích khoảng 270 ha.
Trong quá trình thực hiện, Ban quản lý dự án mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính gắn kết với thực hiện chương trình Cánh đồng mẫu lớn theo hướng VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt) để mở rộng diện tích thực hiện các biện pháp “1 phải, 6 giảm”. Mô hình này đã cho nhiều hiệu quả thiết thực như giảm chi phí sản xuất so với phương pháp canh tác truyền thống, tăng năng suất lúa, tận dụng được nguồn rơm rạ sau thu hoạch để làm thức ăn chăn nuôi, trồng nấm, thay vì trước đây người dân thường đốt và vùi rơm rạ xuống đất, trong điều kiện đất ngập nước sẽ gây yếm khí, phát thải khí, ảnh hưởng đến môi trường. Tỉnh Kiên Giang đang từng bước nhân rộng mô hình canh tác lúa “1 phải, 6 giảm”, góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa để bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp.