Giảm lãi suất giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất kinh doanh

Chiều 5/5, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú đã thông tin về các chính sách điều hành lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp và việc kỳ vọng giảm lãi suất trong thời gian tới. 

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, việc giảm lãi suất là một trong những chính sách rất quan trọng, có ý nghĩa thiết thực giúp các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Do đó, chính sách giảm lãi suất được thực hiện rất quyết liệt.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong 4 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 8 chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể là: Điều hành chính sách tiền tệ bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền, tỷ giá là điều kiện tiên quyết, quan trọng nhất; tạo dư địa, đủ lượng tín dụng năm nay dự kiến là 14-15% cho việc khôi phục kinh tế, tăng trưởng; luôn bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế và các tổ chức tín dụng; tạo điều kiện cho thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu; thực hiện gói 120 nghìn tỷ đồng cho bất động sản với 3 đối tượng ưu tiên; giãn hoãn nợ cho doanh nghiệp khó khăn đến thời kỳ hạn nợ chưa trả; chỉ đạo tất cả ngân hàng thương mại giảm chi phí hành chính, thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp; chính sách giảm lãi suất.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, trong thời gian qua việc giảm lãi suất là chính sách quan trọng, thiết thực để giúp đỡ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất kinh doanh. Việc này được Ngân hàng Nhà nước triển khai tích cực. Từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần giảm lãi suất điều hành.

“Trong thời gian rất ngắn, đánh giá tình hình trong nước và quốc tế, việc quyết định giảm lãi suất điều hành vừa tạo thông điệp, vừa định hướng cho các ngân hàng thương mại trong vấn đề giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu rõ một số con số tổng quan như giảm lãi suất huy động chung của các tổ chức tín dụng, cả nền kinh tế là 1-1,2%; giảm lãi suất cho vay chung của các ngân hàng trong cả hệ thống là 0,5-0,65%.

Riêng các ngân hàng thương mại nhà nước có mức giảm tích cực hơn, lãi suất huy động giảm 1-1,5%, lãi suất cho vay giảm 1,5-2%. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đối với bình quân tiền gửi mới và tiền vay, khoản tín dụng mới vừa được thực hiện thì tiền gửi bình quân là 6-6,1%, cho vay là 9-9,2%.

“Những con số cho thấy, tốc độ giảm lãi suất khá tích cực trong thời gian qua”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định.

Với việc kỳ vọng giảm lãi suất trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước thể hiện quan điểm tiếp tục thực hiện các chính sách tiền tệ linh hoạt, hợp lý, bảo đảm được mục tiêu chính kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền và sự hài hòa tỷ giá của lãi suất. Vì thế, việc điều hành lãi suất trên tinh thần vận động, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí, tạo điều kiện tốt nhất, hạ lãi suất cho doanh nghiệp và người dân vay vốn.

Tại hội nghị ngày 25/4, khi triển khai Thông tư 02 về giãn hoãn, cơ cấu lại các khoản nợ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đặt vấn đề với các ngân hàng cho vay lãi suất cao xem xét lại để có mặt bằng thống nhất chung của hệ thống. Thời gian gần đây, các ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất.

Tại các ngân hàng thương mại, trong 4 tháng đầu năm đã có 2 đợt giảm lãi suất. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo, định hướng các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho doanh nghiệp, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh, vừa đẩy mạnh tín dụng từ nay đến cuối năm.

Bố trí đủ nguồn lực để tăng lương cơ sở

Cũng tại họp báo, các cơ quan báo chí đã đặt câu hỏi tới lãnh đạo Bộ Tài chính về việc bố trí nguồn lực để phục vụ tăng lương cơ sở vào ngày 1/7/2023 tới và câu hỏi tới Bộ Nội vụ về tiến trình xây dựng dự thảo Nghị định tăng lương cơ sở.

Liên quan đến nguồn lực phục vụ chính sách tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7/2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đã đề xuất với Chính phủ, Quốc hội bố trí đầy đủ nguồn lực cho việc tăng lương.

"Một lần nữa khẳng định, Chính phủ đã chủ động bố trí đầy đủ nguồn lực để phục vụ cho chính sách tăng lương tối thiểu và cải cách tiền lương cho 6 tháng cuối năm 2023", ông Nguyễn Đức Chi nói.

Thứ trưởng Bộ Tài chính thông tin thêm: "Hiện nay, con số chính xác là hơn 59.000 tỷ đồng. Với số tiền này, chúng tôi đã bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 là 12.000 tỷ đồng. Còn 47.000 tỷ đồng khác được bố trí từ nguồn tăng thu dành cho cải cách tiền lương, trong đó ngân sách địa phương khoảng 27.000 tỷ đồng, ngân sách Trung ương khoảng 20.000 tỷ đồng".

Tham gia trả lời liên quan đến tiến trình xây dựng Nghị định về tăng lương cơ sở, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị định số 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

Đối với nội dung dự thảo Nghị định về việc tăng lương cơ sở vào ngày 1/7 tới, theo nhiệm vụ được Chính phủ phân công, trong tháng 2/2023, Bộ Nội vụ đã soạn thảo và đăng tải trên cổng thông tin lấy ý kiến nhân dân. Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và nhân dân trong tháng 4/2023, Bộ đã gửi Bộ Tư pháp để thẩm định. Trước dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, Bộ Tư pháp cũng tổ chức cuộc họp thẩm định.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ: "Trên cơ sở thẩm định bằng báo cáo, văn bản của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ sẽ khẩn trương tiếp thu, giải trình các ý kiến của Bộ Tư pháp và sẽ trình Chính phủ trong tháng 5/2023 để thực hiện được từ ngày 1/7/2023 điều chỉnh lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng".

Xuân Tùng (TTXVN)
Lãi suất huy động đồng loạt giảm
Lãi suất huy động đồng loạt giảm

Ngay sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, hàng loạt ngân hàng tiến hành giảm lãi suất huy động. Nhiều chuyên gia dự báo, lãi suất huy động và cho vay sẽ tiếp tục giảm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN