Giảm giá xăng dầu không tác động nhiều tới thị trường

Trong 10 ngày qua, giá xăng, dầu đã giảm lần 2 liên tiếp với mức giảm tổng cộng hơn 800 đồng/lít. Tuy nhiên, việc giảm giá trên đã không có tác động nhiều đến thị trường, nhìn chung giá các loại hàng hóa và cước vận tải không có biến động lớn.

Qua khảo sát tại các chợ đầu mối, chợ Hôm, chợ Mơ – Hà Nội, có thể nhận thấy, mặc dù giá xăng, dầu đã giảm, nhưng hầu hết các mặt hàng đều không có dấu hiệu giảm giá. Cá biệt, một số ít mặt hàng có xu hướng tăng giá nhẹ.

Cụ thể, tại chợ Mơ - Hà Nội, giá rau củ vẫn không đổi. Rau muống từ 8.000 – 15.000 đồng/mớ, xu hào 8.000 đồng/kg, cà chua 16.000 – 17.000 đồng/kg, hành lá 20.000 đồng/kg... Các loại thịt cá cũng không có nhiều biến động so với thời điểm trước khi giảm giá xăng.

Mua bán thực phẩm tại Chợ Hôm. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Thịt lợn thăn từ 90.000 – 100.000 đồng/kg, thịt mông 80.000 đồng/kg, cá chép từ 70.000 – 80.000 đồng/kg, cá rô từ 40.000 – 50.000 đồng/kg, thịt bò giá bán tại chợ dao động từ 230.000 – 250.000 đồng/kg, gà công nghiệp từ 75.000 – 85.000 đồng/kg...

Tuy nhiên, tại hầu hết các chợ, một số loại hoa quả có giá tăng nhẹ, từ 2.000 – 5.000 đồng/kg tuỳ loại. Giá mận cơm từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, nhãn giá 40.000 – 50.000 đồng/kg, dưa hấu 15.000-18.000 đồng/kg...

Theo các tiểu thương tại chợ Mơ – Hà Nội, giá xăng dầu chỉ giảm nhẹ và không có nhiều tác động đến giá các hàng hoá tại chợ. Hơn nữa, do đang trong thời gian bước vào Rằm tháng Bảy, nên giá một số mặt hàng có xu hướng tăng mạnh do lượng tiêu dùng tăng cao, như các loại hoa quả, thịt gà, bò...

Ngoài các loại hàng hoá tiêu dùng thiết yếu không giảm theo giá xăng dầu, thì trong lĩnh vực vận tải hành khách, cũng không có dấu hiệu giảm giá cước.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, giá xăng giảm lần thứ 2 liên tiếp với mức giảm gần 500 đồng/lít là chưa đủ mạnh để khiến các doanh nghiệp vận tải điều chỉnh giá cước.

Ông Thanh lý giải, các doanh nghiệp vận tải trong thời gian qua đã phải gánh chịu nhiều tác động từ các yếu tố đầu vào như giá xăng dầu liên tục tăng, trong khi doanh nghiệp không điều chỉnh giá cước. Thêm nữa, nếu so sánh với những lần tăng giá xăng từ đầu năm đến nay thì mức giảm lần này vẫn còn thấp.

Đại diện Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội, ông Bùi Danh Liên cho biết, thời gian qua, giá cước vận tải của các doanh nghiệp vẫn được giữ ổn định mặc dù giá xăng dầu tăng, bởi mỗi lần muốn thay đổi giá cước, doanh nghiệp sẽ mất nhiều thời gian về thủ tục đăng kí điều chỉnh giá cước, chi phí thay đồng hồ đối với taxi, bảng biểu...

Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải thường tính toán rất kỹ khi điều chỉnh giá cước. Đợt giảm giá lần này mặc dù không nhiều, dưới 5% so với mức giá xăng hiện tại, tuy nhiên đó cũng là động thái giúp giảm gánh nặng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp vận tải.

Ngày 7/8, Bộ Tài chính đã đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối giảm giá xăng trong nước phù hợp với quy định. Mức giảm cụ thể do các doanh nghiệp tự quyết định.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, giá bán lẻ xăng dầu hiện hành (chưa tính mức sử dụng Quỹ BOG) cao hơn giá cơ sở khoảng 191 đồng/lít. Vì vậy, nếu ngừng sử dụng Quỹ BOG (600 đồng/lít), giá xăng trong nước chỉ có thể giảm tương ứng mức chênh lệch là 191 đồng/lít.

Tuy nhiên, để hài hòa lợi ích với người tiêu dùng, Liên Bộ đã yêu cầu doanh nghiệp giảm sử dụng Quỹ BOG xuống còn 300 đồng/lít và giảm giá bán. Nếu tham chiếu theo giá hiện hành của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, thì mức giảm tối thiểu đối với xăng RON 92 khoảng 491 đồng/lít, dầu điêzen 0,05S khoảng 153 đồng/lít; dầu hỏa khoảng 138 đồng/lít; dầu madút 180CST 3,5S khoảng 68 đồng/kg.


Đức Dũng


Giảm giá xăng từ 16 giờ chiều nay
Giảm giá xăng từ 16 giờ chiều nay

Thời điểm thực hiện, đối với sử dụng Quỹ Bình ổn giá từ 16 giờ ngày 7/8, điều chỉnh giảm giá bán do doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối quy định nhưng không muộn hơn 16 giờ cùng ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN