Giải quyết ùn tắc nông sản ở cửa khẩu

Tình trạng ùn tắc nông sản ở cửa khẩu có thể sẽ còn tiếp diễn trong các năm tới, vì vậy về lâu dài cần có chính sách quy hoạch hợp lý, giảm thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Dương Thái - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan tại cuộc họp báo của Bộ Tài chính ngày 7/4.

Theo ông Nguyễn Dương Thái, Tổng cục Hải quan sẽ nghiên cứu, đề xuất với các bộ, ngành liên quan để có cơ chế chính sách, quy hoạch các vùng trồng, chế biến rau quả, phân phối phù hợp theo nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc.

Cùng với đó là phát triển công nghiệp chế biến, thúc đẩy tiêu thụ nội địa. Phát triển cơ sở hạ tầng cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) tốt hơn, rộng hơn và giữ được chất lượng hoa quả lâu hơn.

Tổng cục Hải quan cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần thay đổi phương thức kinh doanh, chuyển từ buôn bán tiểu ngạch sang chính ngạch, có hợp đồng ngoại thương theo thông lệ quốc tế. Như vậy mới có thể giảm thiểu được rủi ro khi xuất khẩu hoa quả sang thị trường Trung Quốc.

Giải thích về tình trạng ùn tắc nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh, ông Nguyễn Dương Thái cho biết, thông thường cứ đến tháng 3, tháng 4 hàng năm vào dịp Thanh Minh, phía Trung Quốc lại nhập nhiều hoa quả tươi. Lúc này lại đang rộ lên thu hoạch dưa hấu, thanh long.

Năm nay đặc biệt hơn là lượng thanh long, dưa hấu nhiều hơn 10 – 15% so với cùng kỳ năm 2014 nên lượng xe rất nhiều tại cửa khẩu. Hàng ngày, cửa khẩu Tân Thanh làm thủ tục cho từ 300 – 350 xe, nhưng số lượng xe ở cửa khẩu lại lên khoảng 800 xe/ngày.

Lý do tồn đọng, thứ nhất là do hàng nông sản xuất khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh là hàng tiểu ngạch, chẳng có cam kết nào giữa người mua và người bán, dẫn tới tình trạng được mùa rớt giá, tồn đọng. Thứ hai, khi xe qua cửa khẩu Pò Chài (Bằng Tường, Trung Quốc) thì thời gian xử lý tới 2 – 3 giờ/xe nên chỉ giải quyết được 200 – 300 xe/ngày.

Ông Thái cho biết, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào nhân công, năng lực, dịch vụ bốc dỡ của phía Trung Quốc. Thứ ba dưa hấu đang mùa thu hoạch, trong khi tiêu thụ nội địa thấp, phía Trung Quốc lại chỉ nhập qua cửa khẩu Pò Chài, chứ không nhập qua các cửa khẩu khác nên cũng dẫn tới ứ đọng.

Theo ông Nguyễn Dương Thái, cho đến thời điểm này, tồn đọng nông sản thì có chứ không có tình trạng ùng tắc và mất trật tự tại cửa khẩu. Hải quan, biên phòng thống nhất với nhau kéo dài thời gian làm việc trong ngày tới khi nào phía Trung Quốc không chấp nhận nữa mới thôi.

UBND tỉnh Lạng Sơn dự báo trước được tình hình nên cũng đã thành lập tổ công tác liên ngành điều hành xuất khẩu nông sản tại cửa khẩu, cùng các lực lượng khác có trách nhiệm điều phối. Các xe ùn tắc đã được lực lượng chức năng bố trí từ ga Đồng Đăng dọc theo quốc lộ 4A lên cửa khẩu Tân Thanh, khi nào trong cừa khẩu có khả năng tiếp nhận thì mới cho xe vào.

Trong tháng 4, thanh tra phí, phụ phí 20 hãng tàu nước ngoài


Trong tháng 4/2015, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương và các cơ quan có liên quan sẽ thanh tra việc thu các loại phí, phụ phí của các hãng tàu nước ngoài.

“Đoàn kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra 20 doanh nghiệp trên cơ sở chọn lựa các doanh nghiệp, các hãng tàu biển lớn của nước ngoài. Tập trung ở các cảng lớn, chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và một số địa phương khác. Thời gian sẽ kiểm tra trong tháng 4 này, đánh giá kết quả để báo cáo lên Phó Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết tại cuộc họp báo trên.

Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, việc làm trên xuất phát từ chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về rà soát, đánh giá thực tế việc thu các loại phí, phụ phí theo cước vận tải biển của các hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam.

Do vẫn còn phụ thuộc lớn vào các hãng tàu biển nước ngoài nên doanh nghiệp Việt Nam bị áp đặt thu nhiều loại phụ phí khác nhau. Thứ trưởng cho rằng, đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 66 về kiểm tra việc thu phí các loại phụ phí, cước vận tải biển và việc chấp hành pháp luật tài chính cũng như việc áp đặt các phí này có hợp lý hay không để xử lý. Đây cũng việc góp phần tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu.


Hoàng Tùng (TTXVN)


Xây dựng thương hiệu mạnh cho nông sản xuất khẩu
Xây dựng thương hiệu mạnh cho nông sản xuất khẩu

Không ai có thể phủ nhận thành tích xuất khẩu nông, lâm và thủy sản thời gian qua. Nhưng nhiều chuyên gia vẫn bày tỏ lo ngại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN