Hơn 70% dân số Việt Nam có thu nhập chủ yếu từ các sản phẩm nông nghiệp nhưng cuộc sống đại đa số người dân vẫn còn hết sức khó khăn, bấp bênh; phụ thuộc vào sự may rủi của thị trường.
Phần lớn xuất thô
Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nơi cung cấp chủ yếu các mặt hàng nông sản như gạo, thủy sản, trái cây… cho thị trường trong nước và xuất khẩu, cuộc sống nhà nông vẫn khó khăn. Người nông dân vẫn đang loay hoay với đầu ra cho nông sản. Bước vào vụ thu hoạch, thay vì hưởng trọn vào niềm vui được mùa thì người nông dân lại lo héo hắt vì giá cả tụt dốc. “Thanh long ruột đỏ loại 1 giảm từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, chỉ còn khoảng 10.000 đồng/kg; tôm thẻ chân trắng thời điểm tháng 5 cũng giảm hơn 20.000 đồng/kg; còn giá lúa vụ đông xuân vừa qua cũng rơi thảm hại, chỉ còn 4.200 - 4.400 đồng/kg lúa tươi… Với mức giá trên, hầu hết nhà nông chúng tôi đối mặt với nguy cơ thua lỗ”, anh Nguyễn Văn Dũng ở huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) than thở.
Cần phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông sản. |
Tương tự, những ngày này, người dân các tỉnh khu vực miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên cũng đang “khóc ròng” với cây cao su. Vốn được mệnh danh cây làm giàu, “vàng trắng”, cây cao su một thời được người dân ồ ạt “đổ” tiền, của đầu tư, mở rộng diện tích. Tuy nhiên, hiện giá cao su xuất khẩu giảm mạnh đã trực tiếp ảnh hưởng đến giá thu mua (chỉ còn 7.000 - 1.0000 đồng/kg, so với thời gian trước từ 35.000 - 40.000 đồng/kg). Tại nhiều tỉnh như Tây Ninh, Bình Phước…, nhà nông đã chặt bỏ vườn cao su một thời là “đầu cơ nghiệp” của mình để chuyển sang trồng những loại cây khác với mong mỏi mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tỷ trọng xuất khẩu thô của ngành chiếm gần 90% và chỉ khoảng 10% nông sản xuất khẩu là những sản phẩm tinh chế. “Công nghiệp chế biến ở ta mới dừng ở mức độ gia công nguyên liệu cho quá trình chế biến tinh ở quốc gia khác, hoặc là vùng nguyên liệu cho sản xuất, chế biến nông sản. Ngoài ra, do phụ thuộc vào xuất khẩu thô, nên giá cả nông sản rất bấp bênh, nhà nông không chủ động được đầu ra, mà phụ thuộc nhiều thị trường bên ngoài…”, TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn nhận định.
Cần chính sách dài hơi
Theo các chuyên gia trong ngành nông nghiệp, đầu tư vào nông nghiệp hiện rất hạn chế, chỉ chiếm từ 1 - 2% so với tổng vốn đầu tư của cả nước. Nguyên nhân do sản xuất nông nghiệp rủi ro cao, hạ tầng cơ sở sản xuất yếu kém, xuống cấp, chi phí giao dịch lớn do thiếu các cơ chế, tổ chức đại diện cho người nông dân… “Năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn nhưng việc triển khai thực hiện trong thực tế rất chậm. Chúng ta thiếu một chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài dài hạn, trong khi đó cơ sở hạ tầng nông thôn lại yếu kém. Ngoài ra, tại nhiều địa phương phổ biến tình trạng tùy tiện thay đổi quy hoạch, chính sách… đã làm cho nhà đầu tư không mặn mà với lĩnh vực nông nghiệp”, TS.Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay.
Bộ NN& PTNT hiện đã xây dựng Đề án tăng cường thu hút và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp giai đoạn 2015 - 2020, định hướng 2030. Mục tiêu Đề án là thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài nhằm bù đắp nguồn lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp trong giai đoạn tới; xác định các chính sách, nhiệm vụ và giải pháp nhằm thu hút và quản lý nguồn vốn… “Trong vấn đề này, Bộ NN&PTNT sẽ là người cầm chịch chỉ đạo cân đối vĩ mô và có sự liên kết với ngành công thương để công tác điều hành sát thực tế hơn. Ngoài những yếu tố: cơ sở hạ tầng, nhân lực, đất đai, thủ tục… để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển công nghiệp chế biến, cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể khác. Hiện nay, nguồn vốn trong và ngoài nước rất dồi dào, vấn đề không phải là thiếu tiền mà chúng ta đang thiếu chính sách hợp lý thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư”, TS Đặng Kim Sơn nói thêm.
Bài và ảnh: Lê Nghĩa