Xây dựng thương hiệu mạnh cho nông sản xuất khẩu

Không ai có thể phủ nhận thành tích xuất khẩu nông, lâm và thủy sản thời gian qua. Nhưng nhiều chuyên gia vẫn bày tỏ lo ngại.

Chủ yếu xuất thô

Theo ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, mặc dù Việt Nam luôn nằm trong danh sách các quốc gia xuất khẩu (XK) lớn trên thế giới về nông sản như gạo, cà phê, thủy sản, hạt điều, tiêu… nhưng nông sản Việt Nam XK chủ yếu ở dạng thô, giá thấp hơn nông sản cùng loại xuất xứ từ các nước khác.

Các chuyên gia khuyến cáo cần tăng cường chế biến ca cao để sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu cao hơn.


Việt Nam có tới 90% nông sản XK phải mang thương hiệu nước khác vì doanh nghiệp (DN) trong nước chủ yếu chỉ xuất sản phẩm ở dạng thô. “Nếu nông sản chế biến sâu rồi mới XK thì sẽ đạt giá trị cao, nhưng ít DN muốn đi theo hướng này vì ngại khó và phải đầu tư lớn, trong khi xuất thô thì thị trường rộng hơn, dễ làm hơn. Điển hình như ngành hàng cà phê tươi của Việt Nam chiếm gần 40% thị phần thế giới, tuy nhiên giá trị chỉ chiếm 2%. Trong khi Brazil hiện có khoảng 20 thương hiệu cà phê hòa tan và 3.000 thương hiệu cà phê rang xay thì Việt Nam chỉ có 3 thương hiệu lớn cà phê hòa tan và 20 thương hiệu cà phê rang xay. Điều này cho thấy Việt Nam nằm trong phân khúc thấp nhất trong toàn chuỗi giá trị gia tăng cà phê”, ông Sơn cho hay.

Tương tự, ngành cao su, ba năm trở lại đây, giá liên tục giảm sâu, không ít DN lao đao vì khó tìm đầu ra. Thế nhưng, nghịch lý là các DN trong nước đang phải nhập khẩu một lượng lớn cao su từ nước ngoài về để sản xuất. Một số lãnh đạo DN nhập khẩu cao su để sản xuất cho hay, sở dĩ có nghịch lý cao su trong nước khó XK, còn các DN trong nước vẫn phải nhập khẩu cao su với lượng lớn là do Việt Nam hầu như chỉ XK cao su thiên nhiên dưới dạng thô, trong khi các DN trong nước lại rất cần cao su tổng hợp để sản xuất. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế đã cho rằng ngành cao su phải đầu tư công nghệ mới để tăng tỉ trọng sản xuất các loại cao su kỹ thuật, phát triển các sản phẩm có giá trị cao hơn. Đẩy mạnh sản xuất những sản phẩm như lốp xe, linh kiện cao su và sản phẩm cao su lưu hóa, đế giày cao su... và quan trọng là giá trị XK thu về chứ đừng chăm chăm số lượng.

Thu hoạch mủ cao su tại Bình Phước.



Theo bà Phạm Chi Lan, khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, với mức thuế 0%, nhiều khả năng các mặt hàng nông sản XK của ta có thể tăng nhiều lần. Trên thực tế, với Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Mỹ (BTA) hay khi Việt Nam đã gia nhập WTO, kim ngạch XK của Việt Nam sang Mỹ và Nhật đều tăng vọt. Đơn cử mặt hàng cá tra, từ chỗ kim ngạch XK sang Mỹ chỉ đạt mấy triệu USD, nay đã XK đạt hàng tỷ USD ngay cả khi phải chống chọi với các hàng rào thuế quan. “Vấn đề mấu chốt là chúng ta phải biết tận dụng ưu thế và hạn chế nhược điểm. Do vậy, điều mà ngành nông nghiệp Việt Nam cần hướng tới lúc này là phải đẩy mạnh hơn nữa việc XK các mặt hàng nông sản tinh chế. Các sản phẩm tinh chế đòi hỏi phải thông qua cả chuỗi sản xuất. Và như đã thỏa thuận tại TPP, song song với việc đảm bảo năng suất là việc đảm bảo chất lượng cho từng khâu sản xuất. Cũng cần tính đến những thay đổi để kịp thời có các chính sách đi kèm chứ không chỉ XK nguyên liệu thô nữa. TPP sẽ đem lại động lực để nông nghiệp Việt Nam đi theo cách này”, bà Phạm Chi Lan cho biết.

Gỡ điểm nghẽn

“Chúng ta cần nâng cao chất lượng, hiệu quả và đi theo toàn bộ chuỗi. Đó là câu chuyện tổ chức lại sản xuất, liên kết giữa các bên, tăng hàm lượng chế biến, quản lý chất lượng sản phẩm cũng như khẳng định thương hiệu. Làm được những điều này sẽ giúp tăng chất lượng sản phẩm cũng như tăng thêm giá trị mới để chia cho các bên trong các chuỗi giá trị. Khi đó các bên tham gia mới nâng cao ý thức để làm tốt ở mọi khâu, đảm bảo chất lượng và dần thúc đẩy XK gia tăng”, TS.Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn phân tích.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, Việt Nam có tới 933 sản phẩm, dịch vụ đặc thù gắn với 721 địa danh trên cả nước, trong đó có 800 sản phẩm nổi tiếng. Tuy nhiên thực tế cho thấy, số lượng chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ có 136 sản phẩm.

Muốn làm được như vậy, Việt Nam phải đặt ra những tiêu chuẩn cho các bên tham gia hoặc tổ chức lại nông dân. Ví như, trong lĩnh vực XK gạo, có thể đặt ra điều kiện cho DN muốn XK gạo phải đảm bảo làm được mô hình liên kết sản xuất với nông dân, đảm bảo cung cấp đầu vào, ứng vốn trước để các hộ nông dân làm đúng quy trình canh tác, có thời gian giám sát đầy đủ. Bên cạnh đó, nếu DN đảm bảo điều kiện về kho, nhà máy chế biến thì có thể ưu đãi cho DN mua tạm trữ hoặc ưu đãi mặt bằng đất đai. Đó là cách để DN có động lực thay đổi. “Quan điểm của tôi là Nhà nước chỉ hỗ trợ ban đầu, sau đó DN đầu tư lớn, có khách hàng thì sẽ chủ động “chạy” và nông dân cũng được hưởng lợi theo”, ông Tuấn nhấn mạnh.

TS.Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết XK nông sản của Việt Nam tăng nhanh cả về sản lượng và kim ngạch, tăng trưởng bình quân kim ngạch XK trong nhiều năm trở lại đây đạt mức 22-23%/năm. Một số mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam có thị phần lớn và chiếm vị trí dẫn đầu trong các nước XK nông sản như: Gạo (đứng thứ 2 thế giới), hồ tiêu (đứng thứ nhất thế giới), hạt điều (đứng thứ 2 thế giới), cà phê (chiếm 40% thị phần)... do vậy cần triển khai xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn các mặt hàng nông thủy sản XK để nâng cao chất lượng, hiệu quả XK; đồng thời hợp tác với các nước có cùng mặt hàng XK để tăng cường hiệu quả XK. “Trước mắt, cần định hướng lựa chọn một số thương hiệu chủ lực cho các mặt hàng nông thủy sản đang có thế mạnh trên thị trường thế giới như gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản... để có thể XK trực tiếp đến các thị trường có nhu cầu mà không phải qua trung gian hoặc mượn thương hiệu nước ngoài... Bằng việc khẳng định các thương hiệu nông sản mạnh, chúng ta sẽ khai phá, mở rộng thị trường, tạo điều kiện cho nông sản Việt và nông nghiệp Việt Nam có vị thế trên thương trường quốc tế”, ông Quyền cho biết.

Tuy nhiên, ngay tại thị trường nội địa, hơn 80% nông sản cũng không có nhãn hiệu. Hiện nay, trên thị trường, người bán hàng sẵn sàng “thay tên đổi họ” như xoài cát, nho Bình Thuận chuyển thành xoài Úc, nho Mỹ để bán hàng được dễ hơn, kiếm lời nhiều hơn. Hay gạo Việt Nam dù đứng hàng đầu thế giới, nhưng ngay trong thị trường nội địa, vẫn phải nhờ mác thơm Nhật, dẻo Hàn Quốc để “dụ” người tiêu dùng.

Bài và ảnh: M.T- Q.Chánh
Xuất khẩu tăng nhưng giá trị gia tăng vẫn thấp
Xuất khẩu tăng nhưng giá trị gia tăng vẫn thấp

Xuất khẩu năm 2014 tiếp tục giữ được đà xuất siêu năm thứ ba liên tiếp, tuy nhiên, năm 2015 vẫn còn nhiều thách thức. Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn TS Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại xung quanh các vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN