Giải pháp xử lý giấy phép lái xe quá hạn tại địa phương giãn cách xã hội

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, thời gian qua, việc đăng ký dịch vụ công về đổi giấy phép lái xe trên Cổng dịch vụ công Quốc gia đáp ứng một phần nhu cầu đổi và cấp lại giấy phép lái xe của người dân. Tuy nhiên, kể từ khi một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội đến nay, theo thống kê vẫn còn 14.700 giấy phép lái xe quá thời hạn cấp đổi.

Chú thích ảnh
Sáng ngày 23/9, nhiều người đến số 16 phố Cao Bá Quát (quận Ba Đình, Hà Nội) để làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe. Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Nguyên nhân theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam là do nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, người có nhu cầu đổi giấy phép lái xe, đã có đủ hồ sơ theo quy định, nhưng chưa gửi hồ sơ và chụp ảnh trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ đổi giấy phép lái xe.

“Ngoài ra, một số người có đủ điều kiện để được đổi giấy phép lái xe, nhưng do giãn cách xã hội, chưa đến nộp hồ sơ, chụp ảnh trực tiếp nên phải sát hạch lại lý thuyết. Hoặc, một số người chỉ phải sát hạch lại lý thuyết, nhưng do giãn cách xã hội, chưa đến nộp hồ sơ, chụp ảnh trực tiếp nên phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành lái xe”, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết.

Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong và sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chấp thuận để người có giấy phép lái xe quá hạn, có thông báo xác nhận hồ sơ đăng ký đổi giấy phép lái xe hợp lệ được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong thời gian giãn cách xã hội và sau 10 ngày kể từ khi kết thúc giãn cách xã hội.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép người có giấy phép lái xe quá hạn sử dụng, có giấy xác nhận đã cư trú tại địa phương trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội được phép đổi. Hoặc, sát hạch lại lý thuyết trong thời gian 1 tháng kể từ khi kết thúc giãn cách xã hội theo quy định tại Thông tư số 12/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.

Ngày hết hạn sử dụng của giấy phép lái xe làm căn cứ thực hiện thủ tục hành chính đổi, cấp lại được tính bằng ngày hết hạn ghi trên giấy phép lái xe cộng thêm thời gian giãn cách xã hội của địa phương.

Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho hay, đã yêu cầu các đơn vị liên quan tạo điều kiện, cho phép người cư trú, người thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn, khu vực địa phương áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg có giấy phép lái xe quá hạn sử dụng được làm thủ tục cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe theo hướng: ngày hết hạn của giấy phép lái xe để thực hiện thủ tục cấp đổi, cấp lại theo quy định tại Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải được tính bằng ngày hết hạn thực tế ghi trên giấy phép lái xe cộng thêm thời gian địa phương áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg

“Thời gian thực hiện thủ tục cấp đổi, cấp lại theo hướng nêu trên là 1 tháng kể từ ngày địa phương kết thúc áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, đồng thời áp dụng theo từng đợt địa phương áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg", lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho hay.

Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT quy định, người có giấy phép lái xe quá thời hạn sử dụng từ 3 tháng đến dưới 1 năm kể từ ngày hết hạn, phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại giấy phép lái xe; người có giấy phép lái xe quá thời hạn sử dụng từ 1 năm trở lên kể từ ngày hết hạn, phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để cấp lại giấy phép lái xe.

Quang Toàn (TTXVN)
Người dân Hà Nội xếp hàng chờ cấp, đổi giấy phép lái xe
Người dân Hà Nội xếp hàng chờ cấp, đổi giấy phép lái xe

Sau khi TP Hà Nội nới lỏng một số hoạt động chống dịch COVID-19 từ 21/9, tại cơ sở cấp đổi, gia hạn giấp phép lái xe 16 phố Cao Bá Quát, nhiều người xếp hàng chờ đến lượt làm thủ tục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN