Từ nay đến giữa tháng 5, các trà lúa chính sẽ bước vào giai đoạn trỗ bông, phơi màu. Đây là giai đoạn mẫn cảm của cây lúa với sinh vật gây hại như đạo ôn, cuốn lá nhỏ, rầy, nhất là trong điều kiện thời tiết: trời lạnh, âm u, có mưa, ẩm độ cao, sương mù kéo dài… thuận lợi cho sinh vật gây hại. Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những chia sẻ với phóng viên TTXVN về các giải pháp phòng trừ dịch hại.
Vụ Đông Xuân ở các tỉnh phía Bắc chiếm đến 60% sản lượng của khu vực này và chủ yếu để phục vụ nhu cầu tại chỗ. Tuy nhiên, các trà lúa đang cao điểm phải đối mặt với các loại sâu bệnh, dịch hại phát sinh, gây hại. Cục Bảo vệ thực vật có những lưu ý gì với các địa phương?
Các tỉnh, thành phố phía Bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra) có trên 1,1 triệu ha lúa Đông Xuân; trong đó, vùng Bắc Trung Bộ có khoảng 351.000 ha, vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc có khoảng 755.000 ha. Đến nay, các trà lúa đều đang sinh trưởng và phát triển tốt.
Tuy nhiên, từ nay đến giữa tháng 5, các trà lúa chính sẽ bước vào giai đoạn trỗ bông, phơi màu. Đây là giai đoạn mẫn cảm của cây lúa với sinh vật gây hại như đạo ôn, cuốn lá nhỏ, rầy các loại, nhất là trong điều kiện thời tiết thuận lợi cho sinh vật gây hại như: trời lạnh, âm u, có mưa, ẩm độ cao, sương mù kéo dài... Trong bối cảnh dịch COVID-19, việc sản xuất thành công vụ lúa Đông Xuân có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực khu vực này.
Các tỉnh Bắc Trung bộ có 3 trà lúa. Trà lúa sớm cơ bản đã trỗ, trà lúa chính đang làm đòng, trà thứ ba đang đẻ nhanh và đứng cái. Căn cứ vào diện tích cũng như thời gian sinh trưởng của các trà lúa, cộng với điều kiện thời tiết như hiện nay, ngành đã dự báo các đối tượng sâu bệnh sẽ phát sinh, phát triển gây hại mạnh trên các trà lúa này.
Đặc biệt như các tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh phải đặc biệt lưu ý bệnh đạo ôn cổ bông, vì bệnh có khả năng gây hại và phát tán rất nhanh. Nếu không có dự tính, dự báo, bám sát đồng rộng phòng trừ kịp thời thì khả năng gây mất năng suất, thậm chí là mất mùa cao. Bài học về bệnh đạo ôn đã có ở vụ Đông Xuân năm 2016 - 2017, gây thiệt hại rất nặng.
Đối tượng sâu bệnh thứ hai có diễn tiến nhanh từ nay đến cuối tháng 4, nửa đầu tháng 5 là sâu cuốn lá nhỏ và rầy nâu, rầy lưng trắng. Đây là nhóm đối tượng sâu bệnh đặc biệt gây hại với kiểu thời tiết thuận lợi như hiện nay cho đối tượng gây hại này phát triển.
Hiện tại, các tỉnh Bắc Trung Bộ đang có mật số sâu cuốn lá nhỏ đã tăng gấp 60 lần so với vụ Đông Xuân 2018 – 2019, các địa phương cần đặc biệt quan tâm theo dõi, phòng trừ kịp thời.
Tất cả các vấn đề phòng trừ, ngành đã có những hướng dẫn, quy trình với từng đối tượng sinh vật gây hại để hướng dẫn người nông dân hiệu quả nhất.
Với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, Trung du miền núi phía Bắc cần lưu ý gì, thưa ông?
Đối với các tỉnh khu vực này, diện tích lúa vụ này khoảng 755.000 ha, hiện đang phát triển tốt. Tuy nhiên, bà con cần đặc biệt chú ý đến các đối tượng sâu bệnh đạo ôn trên lá, tiếp đến sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng. Đây là các đối tượng phát sinh xen kẽ nên nông dân cần phòng trừ đồng thời các loại sâu bệnh trên. Đặc biệt là rầy nâu cuối vụ không chỉ với các tỉnh phía Bắc mà kể cả Bắc Trung bộ cũng cần quan tâm đối với sinh vật gây hại này.
Cụ thể, bệnh đạo ôn lá tiếp tục phát sinh và gây hại mạnh từ nay đến 20/4, nhất là trên các giống nhiễm: BC15, J02, TBR225, nếp thơm…. Những ruộng gieo cấy dày, bón nhiều phân tại các tỉnh Tây Bắc (Điện Biên, Hòa Bình...) và các tỉnh đồng bằng sông Hồng (Bắc Ninh, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng ...) bệnh gây lùn, lụi ổ trên các giống nhiễm khi thời tiết thuận lợi cho bệnh gây hại.
Rầy nâu, rầy lưng trắng đang có diện tích gây hại tăng mạnh so cùng kỳ năm trước, chủ yếu gây hại giai đoạn cuối đẻ - phân hóa đòng. Đối với sâu cuốn lá nhỏ, trưởng thành lứa 2 rộ từ đầu đến trung tuần tháng 4, sâu non gây hại từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 4. Đây là lứa gây hại chính trong vụ đông xuân trên các trà lúa xuân muộn giai đoạn đòng.
Trong bối cảnh cả xã hội đang dồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19, ông có lưu ý gì với các địa phương?
Dù toàn xã hội đang tập trung nguồn lực để phòng chống dịch COVID-19, do đó nguồn lực cho các nhiệm vụ khác sẽ bị phân tán. Nhưng các địa phương vẫn phải yêu cầu ngành chuyên môn bố trí cán bộ bám sát đồng ruộng, phát hiện kịp thời dịch bệnh, đặc biệt là bệnh đạo ôn. Riêng với bệnh đạo ôn, chỉ trong vòng 1 ngày nếu không phát hiện kịp thời, bệnh sẽ tấn công lên cổ bông, lúc đó coi như mất trắng. Do đó, việc phát hiện và phòng trừ phải được thực hiện ngay từ bây giờ.