Giải pháp phát triển ngành mây tre đan xuất khẩu

Để hàng mây tre đan Việt Nam vươn ra quốc tế, rất cần có một nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định. Trong khi đó, nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho ngành mây tre đan xuất khẩu trong những năm qua chủ yếu thông qua con đường tiểu ngạch, quy mô nhỏ, sản lượng thấp, thường xuyên biến động... dẫn đến thời gian giao hàng, số lượng lẫn chất lượng nguyên liệu ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai các đơn hàng lớn.

Sản xuất ghế mây xuất khẩu ở làng Thủy Lập, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế). Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Hiện nay, cả nước có khoảng trên 1.000 làng nghề mây tre đan, chiếm 24% tổng số các làng nghề trong cả nước. Riêng Hà Nội có 365 làng nghề và làng có nghề mây tre đan với gần 33.000 gia đình, gần 200 doanh nghiệp, hợp tác xã đang làm nghề, thu hút trên 100 nghìn lao với mức thu nhập bình quân đầu người đạt từ 35-40 triệu đồng/người/năm.

Ngành hàng này không chỉ góp phần vào giá trị xuất khẩu mà còn tạo việc làm cho lao động nông thôn và người dân tộc thiểu số. Đến nay, các sản phẩm mây tre đan đã xuất khẩu trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ thế giới với kim ngạch xuất khẩu trung bình đạt trên 200 triệu USD/năm, chiếm khoảng 14% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ trong cả nước.

Theo thông kế của Trademap (hệ thống cơ sở dữ liệu cập nhật về tình hình thương mại của các nước), thị phần mây tre đan Việt Nam trên thị trường thế giới mới đạt khoảng 3,37%. Trong đó, thị trường chủ đạo nhập khẩu mây tre lá của Việt Nam là Mỹ chiếm đến 20%, Nhật Bản chiếm 16% tổng giá trị xuất khẩu.

Ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Phát triển công nghiệp Hà Nội cho biết, một số thị trường mới nổi những năm gần đây như Trung Quốc, Tây Ban Nha, Nga, Autralia… đang có xu hướng nhập khẩu nhiều các mặt hàng mây tre đan từ Việt Nam. Đặc biệt, là Tây Ban Nha nhập khẩu các mặt hàng mây tre đan của Việt Nam tăng bình quân 13,2%, Trung Quốc tăng bình quân 40%/năm.

Mặc dù cơ hội là rất lớn, nhưng khó khăn đối với các làng nghề, doanh nghiệp đấy chính là nguồn cung nguyên liệu đầu vào. Theo bà Nguyễn Thị Lương, Công ty TNHH mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương, so với năm 2016 thì nguyên liệu đầu vào của ngành mây tre đan tăng lên nhiều. Cụ thể, đối với cây bượt năm 2017 so với năm 2016 tăng 15 nghìn đồng/kg, giá cây bèo tây cũng tăng 12 nghìn đồng/kg so với năm 2016, do đó các đơn hàng xuất khẩu đàm phán với khách gặp rất nhiều khó khăn.

Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) cho hay, nếu như trước đây người dân chỉ cần vào rừng đã có thể lấy được mây, tre nứa tự nhiên, giá nguyên liệu thời điểm đó cũng chưa cao, chỉ khoảng 2.000 đồng/kg nguyên liệu. Thì hiện nay, giá nguyên liệu tăng lên gấp nhiều lần. Đây là yếu tố được xem là một khó khăn, thách thức rất lớn của các địa phương đang sản xuất mây tre đan, trong đó có Hà Nội.

Ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Phát triển công nghiệp Hà Nội cho biết, hiện nay, nguồn cung nguyên liệu chính cho các làng nghề mây tre đan của Hà Nội là từ các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và một phần nhập khẩu từ nước ngoài.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Trung tâm dạy nghề tư thục mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), cùng đồng nghiệp nghiên cứu, thiết kế mẫu cho sản phẩm mới từ nguyên liệu truyền thống. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp sản xuất mây tre đan Hà Nội thì nguồn cung nguyên liệu đầu vào trong những năm qua chủ yếu thông qua con đường tiểu ngạch, quy mô nhỏ, sản lượng thấp, thường xuyên biến động, thiếu ổn định cả về thời gian giao hàng, số lượng lẫn chất lượng nguyên liệu. Điều này phần nào đã tác động không tốt đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là triển khai các đơn hàng lớn.

Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất do không tìm được nguồn cung nguồn nguyên liệu ổn định đã phải dừng một số đơn hàng xuất khẩu có giá trị lớn, không chỉ làm giảm doanh thu, thu nhập người động mà còn làm giảm doanh thu, thu nhập người lao động, giảm lòng tin, uy tín của doanh nghiệp đối với các nhà nhập khẩu nước ngoài.

Nhằm giúp các doanh nghiệp làng nghề mây tre đan Hà Nội tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu đầu vào và giúp các cơ sở sản xuất các tỉnh miền Trung tiêu thụ bán thành phẩm, sản phẩm ổn định, lâu dài, có chất lượng, Sở Công Thương Hà Nội trên cơ sở các chính sách hiện hành đã chủ động tham mưu, đề xuất với UBND các tỉnh, các sở, ban ngành và các cấp có liên quan của địa phương mình về các cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu đãi. Đặc biệt là ưu tiên tạo vùng nguyên liệu, khai thác nguyên liệu, chế biến nguyên liệu đối với ngành mây tre đan.

Đồng thời, đề xuất với UBND thành phố có cơ chế đặc thù riêng, phù hợp với yêu cầu, thực tế để có thể hỗ trợ trực tiếp, bao tiêu sản lượng nguyên liệu, sản phẩm bán thành phẩm nhằm khuyến khích các địa phương quan tâm phát triển, cung cấp nguyên liệu đầu vào cho ngành mây tre đan Hà Nội. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng mây tre đan của Hà Nội cũng có thể liên kết đầu tư xưởng sản xuất ngay tại các địa phương của 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh để tận dụng nguyên vật liệu, nhân công, giảm các chi phí và góp phần tạo nên được chuỗi cung cầu hoàn thiện và có hiệu quả…

Theo các chuyên gia, ngoài việc đảm bảo đủ nguồn cung nguyên liệu đầu vào, cũng giống như các ngành nghề khác, khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, hàng rào thuế quan bị gỡ bỏ, thuế xuất khẩu khẩu bằng 0%, đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với các mặt hàng mây tre đan buộc phải nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhất là phải đáp ứng các tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật chất lượng mà các nước dựng lên.

Để có thể phát triển ngành nghề mây tre đan một cách bền vững, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các làng nghề, người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước để có thể đưa ra các giải pháp đồng bộ như quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng các trung tâm xử lý, bảo quản nguyên liệu và đổi mới mẫu mã sản phẩm.

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, hàng năm nước ta tiêu thụ từ 400-500 triệu cây tre nứa và từ 600 – 800 tấn song, mây nguyên liệu để sản xuất các mặt hàng tiêu dùng, phục vụ xuất khẩu.

P.A
Khuyến khích đầu tư ngành dệt may, da giày, mây tre lá

Nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh các ngành dệt may, da giày, mây tre lá trên địa bàn nông thôn, miền núi tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất quy định hỗ trợ đầu tư vào những lĩnh vực này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN