Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ năm 2017 trở loại đây, do giá sầu riêng ở mức cao, hiệu quả sản xuất mang lại cho người sản xuất là rất lớn, là cây làm giàu cho người nông dân tại một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ; vùng Tây Nguyên như Đắk Lắk, Lâm Đồng; vùng Đông Nam bộ như Đồng Nai, Tây Ninh.
Cụ thể là diện tích sầu riêng tăng rất nhanh trong 5 năm trở lại đây, tính đến cuối năm 2022, cả nước phát triển được hơn 110.000 ha sầu riêng, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2017 (37.00 ha). Trung bình mỗi năm diện tích sầu riêng tăng 24,5% trong giai đoạn này.
Cây sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với cây trồng khác, do đó nông dân đã mở rộng diện tích sản xuất nhanh chóng thông qua trồng xen trong các vườn cà phê tại Tây Nguyên, trồng xen trong vườn cây ăn quả, nhất là chuyển đổi một số diện tích lúa sang trồng cây sầu riêng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay, diện tích sầu riêng cả nước khoảng 110,3 nghìn ha, diện tích cho thu hoạch 54,4 nghìn ha, năng suất 16,5 tấn/ha, sản lượng 849,1 nghìn ha. Trồng tập chung tại 4 vùng tại miền Nam, vùng Tây Nguyên có diện tích lớn nhất 51,4 nghìn ha, sản lượng 336,4 nghìn tấn, so cả nước bằng 46,7% diện tích và 39,6% sản lượng.
Đứng thứ 2 là vùng Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích 33 nghìn ha, sản lượng 372 nghìn tấn, so cả nước bằng 29,9% diện tích và 43,8% sản lượng. Thứ 3 là vùng Đông Nam bộ có diện tích 20,8 nghìn ha, sản lượng 122,9 nghìn tấn, so cả nước bằng 18,9% diện tích và 14,5% sản lượng. Thứ 4 là vùng Duyên hải Nam Trung bộ có diện tích 5 nghìn ha, sản lượng 17,8 nghìn tấn, so cả nước bằng 4,2 % diện tích và 2,1% sản lượng.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt gần 850 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cả năm 2022 . Dự kiến xuất khẩu sầu riêng cả năm 2023 của Việt Nam sẽ tăng mạnh, đạt 1,2 đến 1,5 tỷ USD, gấp 3,5 lần so với năm 2022.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt kiêm Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cơ hội làm giàu đối với cây sầu riêng mở ra rất nhiều nhưng kèm theo đó là một số khó khăn, thách thức khác.
Cụ thể như nông dân trồng sầu riêng trên một số loại đất chưa phù hợp cho cây sầu riêng như đất sét nặng, đất nhiễm phèn nên ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và phát triển của cây. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, ít vùng sản xuất tập trung, thiếu tính liên kết sản xuất, đầu ra chưa thật sự ổn định, đặc biệt phụ thuộc chính vào thị trường Trung Quốc.
Nông dân thiếu kinh nghiệm về kỹ thuật canh tác cây sầu riêng khi chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng sầu riêng. Nông dân đa số mua cây giống sầu riêng trôi nổi, không rõ nguồn gốc nên không đảm bảo chất lượng.
Một số vùng trồng sầu riêng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thiết kế mương liếp, trồng cây chưa đạt như đắp mô trồng còn thấp so với mặt liếp, mương hẹp và cạn, mực nước trong mương vườn khá cao, thoát nước kém vào mùa mưa và trữ không đủ nước tưới cho mùa khô.
Khoảng cách trồng dày kỹ thuật tỉa cành và tạo tán cho cây sầu riêng giai đoạn kiến thiết cơ bản và kinh doanh còn chưa đúng kỹ thuật. Kỹ thuật bón phân cho cây sầu riêng trong giai đoạn mang trái chưa hợp lý, chưa đúng thời điểm, bón thừa phân đạm giai đoạn cận thu hoạch dẫn đến hiện tượng sượng, cháy múi và cơm nhão và thời gian tồn trữ sản phẩm ngắn. Tình trạng thu hoạch trái sầu riêng chưa đủ độ chín còn tồn tại làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm sầu riêng.
Thách thức đặt ra cho cây sầu riêng là tình hình sâu bệnh hại trên các vườn sầu riêng khá nhiều, nông dân quản lý chưa tốt dẫn đến tăng chi phí phòng trừ, khó khăn cho việc sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong khi đó, nông dân chưa được tập huấn về quy trình canh tác cây sầu riêng nên rất thiếu thông tin về kỹ thuật trồng, chăm sóc, xử lý ra hoa, quản lý sâu bệnh hại để đảm bảo năng suất, chất lượng sầu riêng như các vùng trồng truyền thống.
Một vấn đề thách thức nữa là yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, điều kiện đảm bảo vệ sinh thực phẩm của các thị trường xuất khẩu ngày càng cao, trong khi áp dụng giải pháp kỹ thuật còn hạn chế, xuất khẩu sẽ gặp khó khăn nếu chưa có sự thay đổi kịp. Biến đổi khí hậu và tình hình khô hạn, xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến vùng sản xuất sầu riêng.
Tại diễn đàn, để phát triển cây sầu riêng bền vững, Cục Trồng trọt đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố quan tâm triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 8084/CT-BNN-TT ngày 30/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phát triển bền vững sản xuất cây sầu riêng, chanh leo.
Theo đó, một số giải pháp cần quan tâm tập trung chỉ đạo đó là khẩn trương rà soát diện tích sầu riêng trên địa bàn, xây dựng đề án/kế hoạch phát triển sản xuất theo vùng tập trung; gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến; quy mô phù hợp nội dung của Quyết định số 4085/QĐ-BNN-TT ngày 27/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt và tổ chức triển khai.
Các địa phương cần quy hoạch toàn diện vùng trồng cây ăn quả tập trung; trong đó, có cây sầu riêng và phát triển thành vùng chuyên canh để thuận lợi cho sản xuất áp dụng cơ giới hóa và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, quy hoạch phù hợp với từng địa phương, hạn chế tình trạng cung vượt cầu, phổ biến các thông tin về quy hoạch trồng sầu riêng thông qua các kênh truyền thông cho nông dân cập nhật.
Các địa phương chú ý không chuyển đổi tự phát, phát triển nóng theo phong trào, đặc biệt tại các vùng đất phèn nặng có thể gây ngộ độc cho cây sầu riêng; khu vực trũng thấp, chưa có đê bao khép kín hoặc thiếu nguồn nước ngọt trong các tháng mùa khô không phù hợp phát triển cây sầu riêng.
Các địa phương tăng cường phổ biến, hướng dẫn nông dân thực hiện rải vụ thu hoạch sầu riêng linh hoạt, hiệu quả theo tín hiệu thị trường để phát huy tối đa lợi thế mùa vụ. Mặt khác, phổ biến áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong vùng sản xuất tập trung, mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm; liên kết với doanh nghiệp đóng gói, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu.
Cùng đó, các ngành chức năng và chính quyền địa phương tăng cường hỗ trợ hình thành các kho bảo quản, kho lạnh, chế biến sầu riêng, đa dạng hoá hình thức xuất khẩu không chỉ xuất khẩu nguyên trái tươi, cần tăng cường xuất khẩu dạng múi đông lạnh, nhằm bảo quản được lâu hơn, giảm chi phí vận chuyển khi xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường quản lý thanh, kiểm tra chất lượng giống cây sầu riêng trong sản xuất, kinh doanh tuân thủ theo quy định; thẩm định, công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng sầu riêng.
Ngoài ra, địa phương trồng sầu riêng tăng cường quảng bá thương hiệu trái sầu riêng với nhiều hình thức khác nhau, tham gia các hội thi trái ngon an toàn thực phẩm, xây dựng pannel quảng cáo và biểu tượng trái sầu riêng đặt tại vị trí thu hút được nhiều sự chú ý, thực hiện video clip giới thiệu về sản phẩm sầu riêng.
Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại lĩnh vực nông nghiệp; trong đó, chú trọng sản phẩm sầu riêng; hàng năm tổ chức các cuộc hội thảo liên kết tiêu thụ, tham gia các cuộc hội chợ triển lãm quốc gia, quốc tế, giới thiệu sản phẩm sầu riêng trên các sàn giao dịch nông sản, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường cho các tổ chức, cá nhân trong vùng có liên quan đến cây sầu riêng.
Các địa phương tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để mời gọi các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu và chế biến nông sản; trong đó, có sầu riêng tại các vùng mới chuyển đổi để dễ dàng trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Là địa phương tổ chức Diễn đàn “Cơ hội và thách thức phát triển ngành sầu riêng Việt Nam”, Phó Chủ tịch UBND Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết, sầu riêng là một trong những loại cây trồng chủ lực của tỉnh Đồng Nai với diện tích gần 11.400 ha, sản lượng khoảng 70 nghìn tấn. Cùng với phát triển sản xuất, tỉnh Đồng Nai đang tích cực thực hiện theo quy chuẩn của các thị trường tiêu thụ để đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 6 cơ sở đóng gói và 11 vùng trồng sầu riêng với diện tích trên 820 ha, sản lượng khoảng 20 nghìn tấn được cấp mã số xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Tỉnh đã hoàn thiện 61 hồ sơ vùng trồng với diện tích gần 1.800 ha và 4 cơ sở đóng gói sầu riêng gửi Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt mã số.
Đây là cơ sở, tiền đề đảm bảo việc xuất khẩu sầu riêng chính thức, ổn định bền vững; góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp mang lợi ích cho người nông dân Đồng Nai. Đáng chú ý là vào ngày 16/6/2023 tỉnh Đồng Nai cũng đã long trọng tổ chức “Lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.