Theo nhận định từ lực lượng quản lý thị trường, nếu để thuốc lá lậu đi qua cửa khẩu nên việc bắt giữ và xử lý vi phạm với các đối tượng sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Bởi vậy, với những giải pháp căn cơ, kịp thời, lực lượng chức năng đã chung tay phối hợp nhằm đẩy lùi vấn nạn buôn lậu thuốc lá điếu.
Lợi dụng kẽ hở
Dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, hàng loạt chốt kiểm soát được thành lập từ biên giới đến nội địa để kiểm soát người ra, vào địa bàn nhưng nhiều đối tượng buôn lậu thuốc lá vẫn liều lĩnh hoạt động.
Đại diện Cục Quản lý thị trường Kiên Giang cho biết, nhận được tin báo của cơ sở báo tin cung cấp, Đội Quản lý thị trường số 3 đã tổ chức kiểm tra đột xuất đối với Hộ kinh doanh Lâm Thị Bích Hoàng tại 238 Mạc Thiên Tích, khu phố 1, phường Pháo Đài, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, do bà Lâm Thị Bích Hoàng làm chủ.
Kết quả, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang kinh doanh 1.510 bao thuốc lá điếu ngoại nhập lậu các loại, gồm nhãn hiệu ESSE, HERO, JET, 555 và trên 500 chai dầu thảo dược các loại, xuất xứ Thái Lan đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ tại thời điểm kiểm tra.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản kiểm tra và tạm giữ tang vật vi phạm hành chính để tổ chức thu thập, thẩm tra, xác minh bổ sung tài liệu, chứng cứ để xử lý theo quy định pháp luật.
Cũng trong thời điểm cuối tháng 3/2022, Cục Quản lý thị trường thành phố Cần Thơ đã phối hợp với đơn vị chức năng tiêu huỷ 26.318 bao thuốc lá điếu nhập lậu, thuốc lá giả các loại theo đúng quy trình, quy định, đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường bằng hình thức đốt cháy thành tro tại nhà máy xử lý rác.
Việc tiêu hủy được thực hiện công khai, thông tin rộng rãi nhằm tuyên truyền, răn đe đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm và tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong việc chấp hành các quy định pháp luật về hoạt động thương mại của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.
Ông Huỳnh Ngọc Hồ- Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang chia sẻ, thực hiện chủ trương của Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, Cục Quản lý thị trường vừa tập trung chống dịch nhưng không lơ là chống buôn lậu, không để An Giang là "điểm nóng" về buôn lậu.
Chính vì vậy, hiện nay hoạt động buôn lậu qua biên giới lẫn nội địa giảm 80%, không còn ngang nhiên thách thức như trước đây. Đặc biệt, thuốc lá cũng là mặt hàng trọng điểm được kiểm soát chặt chẽ.
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ tháng 1-3/2022, lực lượng quản lý thị trường An Giang đã phát hiện tạm giữ hơn 23.000 gói thuốc lá lậu, chủ yếu là Jet, Hero.Tuy nhiên, việc kiểm tra kiểm soát vẫn còn khó khăn bởi trước đây đối tượng buôn lậu đi thường thành đoàn, nhưng nay đã xé lẻ, nhằm đánh lạc hướng lực lượng chức năng.
"Khoảng từ 5-10m có một người, nếu bị phát hiện chỉ bắt giữ số lượng ít từ 50-60 cây thuốc. Khi qua khỏi biên giới, thuốc lá lậu tập kết lên xe tải hàng hoặc cất giấu trong xe khách để đưa vào tiêu thụ nội địa”, ông Huỳnh Ngọc Hồ cho hay.
Đồng quan điểm, ông Dương Đức Đạt- Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh: Thời gian qua, tình trạng buôn lậu thuốc lá vẫn diễn ra nhưng số vụ bắt giữ giảm 40%, số lượng thuốc lá bắt giữ tịch thu tăng 25%. Thủ đoạn của đối tượng buôn lậu chủ yếu là xé lẻ, vận chuyển bằng xe khách, ô tô, xe máy và hàng hóa được cất giấu trong túi xách, cốp xe…
Đáng lưu ý, tại các điểm bán, thuốc lá lậu thường cất giấu ở một điểm khác, khi có người mua mới lấy giao trực tiếp. Đây là khó khăn cho quản lý thị trường trong việc theo dõi kiểm tra xử lý.
Cùng với đó, chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với buôn bán vận chuyển thuốc lá lậu rất cao. Thế nhưng, cư dân khu vực biên giới chỉ làm thuê cho đối tượng buôn lậu, không có tài sản, nơi ở không cố định nên khi có quyết định xử phạt khó thực hiện.
Vì vậy, để việc chống buôn lậu thuốc lá hiệu quả, ông Dương Đức Đạt kiến nghị cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lí vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu đồng bộ, tránh chồng chéo giữa các lực lượng.
Giải pháp căn cơ
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389), dù đã có sự vào cuộc mạnh mẽ của các lực lượng chức năng, nhưng số vụ buôn lậu thuốc lá được phát hiện, bắt giữ trong thời gian qua chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với thực tế.
Bên cạnh đó, thuốc lá nhập lậu có giá rẻ, đem lại lợi nhuận rất cao cho các đối tượng buôn lậu, thêm vào đó mức sống dân cư ở các địa bàn điểm nóng thấp khiến họ sẵn sàng tham gia vận chuyển thuốc lá lậu.
Hơn nữa, với địa hình kênh rạch chằng chịt, đường mòn lối tắt nhiều là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng buôn lậu vận chuyển thuốc lá vào Việt Nam. Mặt hàng thuốc lá thường gọn nhẹ, rất dễ vận chuyển nên hiện nay buôn lậu thuốc lá diễn ra qua đường sông, đường biển, đường bộ và cả đường hàng không.
Mặt khác, thuốc lá nhập lậu thường không dán nhãn cảnh báo theo quy định của Việt Nam cũng như chưa có đơn vị nào thẩm định về chất lượng, hàm lượng của thuốc lá nhập lậu khiến người dân chưa hiểu và nhận thức đúng đắn về những nguy hại của thuốc lá lậu.
Đặc biệt, các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu chủ yếu là cư dân sống quanh khu vực biên giới nên giải pháp căn cơ và dài hạn là giải quyết công ăn việc làm cho người dân nơi đây để họ không tiếp tay cho buôn lậu.
Theo các chuyên gia, thời gian tới, sự phối hợp tốt giữa các lực lượng chức năng có nhiệm vụ chống buôn lậu như Bộ đội Biên phòng, Hải quan và Quản lý thị trường sẽ góp phần hơn nữa việc chặn đứng hoặc giảm thiểu được tình hình buôn lậu thuốc lá.
Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 15/10/2020 quy định người có hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ dưới 50 bao, sẽ bị phạt tiền đến 3 triệu đồng.
Như vậy, theo quy định này, chế tài xử phạt không chỉ áp dụng với những đối tượng buôn bán, vận chuyển mà ngay cả người tiêu dùng cũng sẽ có thể bị phạt 3 triệu đồng, dù chỉ tàng trữ 1 bao thuốc lá nhập lậu.
Mức phạt tiền cao theo quy định tại nghị định đã cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc chống nạn thuốc lá nhập lậu. Trước đó, quy định tại điều 25, Nghị định 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì với số lượng dưới 10 bao, người buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu chỉ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng.
Ông Trần Hữu Linh-Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) khẳng định: Xác định đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá ngoại nhập lậu là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của ngành.
Do đó, thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, đa dạng về hình thức tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức người dân về tác hại của buôn lậu thuốc lá đối với xã hội và kêu gọi mọi người không bao che, tiếp tay cho hành vi này.
Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường có chính sách hỗ trợ khuyến khích người dân đưa tin, tố giác hành vi buôn lậu thuốc lá cho lực lượng chức năng. Song song với đó, tăng cường cơ sở vật chất cho lực lượng chống buôn lậu, bởi buôn lậu ngày càng tinh vi, hiện đại, nhưng cơ sở vật chất của lực lượng chức năng vẫn còn rất khó khăn.
Mặt khác, tăng cường phối hợp lực lượng chức năng liên quan kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn hoạt động buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu; trong đó, chú trọng địa bàn trên các tuyến trọng điểm, tuyến biên giới như: Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Trị, Kiên Giang, An Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Tp. Hồ Chí Minh…
Đặc biệt, Tổng cục Quản lý thị trường cũng tăng cường quản lý địa bàn, rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá: nhà hàng, quán bar, cửa hàng tạp hóa, điểm bán lẻ. Nắm thông tin các điểm nóng, kho chứa trữ, đường dây, ổ nhóm hoạt động buôn lậu thuốc lá trên địa bàn.
Không dừng lại ở đó, Tổng cục cũng sẽ tham mưu với Ban Chỉ đạo 389 và địa phương khen thưởng kịp thời các cá nhân/tập thể có thành tích hoặc phê bình, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, địa phương để xảy ra tình trạng buôn lậu thuốc lá nghiêm trọng kéo dài, tái diễn ở địa bàn, lĩnh vực mình phụ trách.