'Giải cứu' người chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp 'cầu cứu' Thủ tướng

Có lẽ, chưa bao giờ người chăn nuôi lợn lại gặp khó khăn như lúc này. Nhiều hộ chăn nuôi tại nhiều nơi đã phải "bán tống bán tháo" lợn để gỡ gạc chút vốn liếng.

Thậm chí, nhiều trang trại cũng đang đứng trước nguy cơ phá sản vì giá lợn xuống quá thấp và kéo dài nhiều tháng qua. Hiện các ngành chức năng đang tìm mọi biện pháp để cấp bách "giải cứu" người chăn nuôi, thậm chí "cầu cứu" cả tới Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là, sau 20 năm phát triển, ngành chăn nuôi tăng trưởng tương đối nóng. Đến thời điểm này đã phát sinh ra những bất cập lớn, nhất là thị trường đối với sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt, là chăn nuôi lợn.

Một trang trại nuôi lợn ở Đồng Nai phải "treo chuồng" vì không đủ khả năng duy trì đàn. Ảnh: Lê Xuân/TTXVN

"Trước đây, nếu nuôi 1 con lợn đạt trọng lượng 1 tạ thì người dân phải mất 7 tháng đến 1 năm. Nhưng nay, với con giống tốt, kỹ thuật chăn nuôi tốt, dinh dưỡng tốt... thì chỉ mất 3 tháng thì lợn đã đạt trọng lượng 1 tạ" - ông Dương dẫn chứng. Bên cạnh đó, tình trạng người dân bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng tăng đàn ồ ạt vào thời điểm giá thịt lợn được giá cao (54.000 - 55.000 đồng/kg), xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, khi Trung Quốc ngừng mua thì giá lợn liên tục rớt giá, hiện chỉ còn khoảng 27.000 - 28.000 đồng/kg, khiến người dân thua lỗ nặng. Theo ông Dương, suất đầu tư cho con lợn rất cao, ví dụ như con nái bình quân từ 15 - 30 triệu đồng, thời gian khai thác 3 năm. Do vậy, chu kỳ sản phẩm của con lợn rất dài.

"Nếu để khủng hoảng chăn nuôi lợn thì rất khó có thể lấy lại thăng bằng trong ngành chăn nuôi và có thể xảy ra tình trạng thiếu thực phẩm trong tương lai không xa. Bởi khi người chăn nuôi lợn dừng, thì phải mất 2 năm sau mới có thể khôi phục lại đàn lợn. Còn đối với gia cầm chỉ mất từ 1 - 3 tháng", ông Dương lo ngại.

Tại Đồng Nai, địa phương có ngành chăn nuôi phát triển nhất cả nước, giá lợn giảm sâu xuống mức kỷ lục kéo dài hơn nửa năm khiến hầu hết các hộ chăn nuôi đặc biệt là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khốn đốn, buộc phải bán bán đất, bán trại, "treo chuồng" vì vỡ nợ. Thậm chí, nhiều hộ chăn nuôi không còn khả năng chi trả nợ ngân hàng và các đại lý cám đã bị siết đất, siết lợn để trừ nợ.

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, sở dĩ xảy ra tình trạng người dân đua nhau bán đất như hiện nay là do giá lợn xuống quá thấp trong thời gian dài khiến người chăn nuôi đổ nợ, không còn sức giữ đàn. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay ở Đồng Nai có khoảng 30-40% hộ chăn nuôi buộc phải treo trại, bán đất, bán trại để trả nợ, trong số đó hầu hết là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Có những trại do chính chủ rao bán, nhưng cũng không ít những trại, người rao bán là chủ các đại lý cám siết nợ từ hộ chăn nuôi.

Trại chăn nuôi lợn của gia đình bà Lê Thị Tuyết Linh ở ấp Bắc Sơn, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất rộng hơn 3.000 m2 mới được xây dựng khang trang, sạch sẽ nhưng lại đang trong tình trạng vắng bóng lợn, "treo chuồng" vì không còn vốn duy trì đàn.

Cuối năm 2015, gia đình mạnh dạn vay vốn ngân hàng hơn 1 tỷ đồng xây dựng mới khu trang trại với hy vọng chăn nuôi một vài năm sẽ trả hết nợ. Tuy nhiên, ngay từ lứa lợn đầu tiên, gia đình bà đã gặp “trái đắng” thua lỗ hơn 900 triệu đồng. Theo bà Linh, hiện tại sổ đỏ của gia đình đang cầm ở ngân hàng và sổ trại lợn đang cầm cho đại lý cám. “Hai tháng nữa nếu không có tiền trả nợ ngân hàng, gia đình sẽ bị siết nợ tương tự một số hộ chăn nuôi trong vùng”, bà Linh nói.

Ông Nguyễn Kim Đoán cho biết, người chăn nuôi đang đứng bên bờ vực phá sản. Theo dự đoán, người chăn nuôi vẫn phải chịu lỗ vì trong vài tháng tới giá lợn khó khởi sắc do nguồn cung còn nhiều. Nguyên nhân giá lợn giảm mạnh, chủ yếu vẫn do không xuất sang được thị trường Trung Quốc, không tìm được đầu ra cho con lợn. Do đó, không còn cách nào khác buộc người chăn nuôi phải mạnh tay giảm đàn để cắt giảm nguồn cung mới hy vọng giá lợn khởi sắc trong vài tháng tới.

Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp ổn định phát triển chăn nuôi. Ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, có 5 giải pháp có thể triển khai ngay lúc này là giảm đầu vào cho người chăn nuôi, bởi giá thịt lợn đang ở mức 27.000 - 28.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại nhất là trong những tháng mùa hè sắp tới khi người tiêu dùng chuyển sang ăn các loại thực phẩm khác như: tôm, cá,... thì sức tiêu thụ thịt lợn lại càng thấp.

Do đó, nguy cơ thừa thịt lợn còn xảy ra và giá có thể giảm xuống tiếp. Đây là giải pháp giúp người chăn nuôi giảm bớt phần nào gánh nặng ở thời điểm này. Tới đây Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có cuộc làm việc với các nhà máy thức ăn chăn nuôi, đồng thời yêu cầu các cơ quan trong Bộ và các đơn vị của Bộ Tài chính tăng cường kiểm soát cơ cấu giá thành. Làm sao để giảm bằng được giá thành và giá bán cho người chăn nuôi, ông Dương cho hay.

Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao đẩy nhanh các biện pháp đàm phán tìm thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn ở cả khu vực biên mậu và chính ngạch. Một giải pháp nữa cũng cần triển khai ngay được là kiến nghị các ngân hàng, tổ chức tín dụng khoanh nợ, giãn nợ, giảm nợ cho người chăn nuôi, kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y.

Đồng thời, yêu cầu các đơn vị có năng lực dự trữ, chế biến và tiêu thụ nhiều thịt như Visan, Việt Đức, Hapro Hà Nội, Saigon Corp.... tăng cường thu mua giết mổ, cấp đông đối với thịt lợn, thịt gia cầm trong các tháng mùa hè sắp tới. Bên cạnh đó, tăng cường chế biến, đa dạng hoá sản phẩm thức ăn từ lợn, tăng sức tiêu thụ của thị trường trong nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, dừng các hoạt động tạm nhập tái xuất sản phẩm thịt và phủ tạng từ bên ngoài qua Việt Nam vào thị trường các nước trong khu vực nhằm bảo vệ thị phần cho các san phẩm chăn nuôi trong nước; hạn chế rủi ro lây lan dịch bệnh, nguy cơ "thực phẩm bẩn" quay trở lại thị trường nội địa.

Về các giải pháp lâu dài, ông Dương cho rằng, các địa phương cần tiến hành rà soát, điều chỉnh hạn chế mở mới các cơ sở chế biến thức ăn công nghiệp. Bởi, hiện nay tổng công suất các nhà máy có đăng ký kinh doanh đã đạt trên 31 triệu tấn, vượt xa so với dự kiến kế hoạch định hướng đến năm 2020 là 25 triệu tấn.

Đồng thời, giảm quy mô đàn lợn, nhất là đàn lợn nái (giảm từ 4,2 triệu lợn nái hiện nay xuống còn dưới 3 triệu con vào năm 2019), và thay vào đó là các giống lợn cao sản, đặc sản. Song song đó, điều chỉnh lại cơ cấu chất lượng đàn giống và phương thức chăn nuôi phù hợp với từng phân khúc thị trường; trong đó gia tăng hơn phương thức chăn nuôi hữu cơ là thế mạnh của khu vực chăn nuôi nông hộ, vốn là đặc trưng của ngành chăn nuôi nước ta.

Giải pháp căn cơ nữa là tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết; trong đó phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, Hiệp hội và Hợp tác xã tạo thành một chuỗi liên kết nhằm kiểm soát tốt hơn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và điều tiết cung cầu thị trường các sản phẩm.

Thành Trung (TTXVN)
Cần sớm giải cứu giúp người chăn nuôi vượt qua 'cơn bão' giảm giá
Cần sớm giải cứu giúp người chăn nuôi vượt qua 'cơn bão' giảm giá

Từ tháng 10/2016 đến nay, giá thịt lợn hơi đã liên tiếp giảm và lần giảm với mức độ “lao dốc” vào đầu năm 2017 này đã khiến nhiều người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Bình rơi vào cảnh lao đao, khốn khó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN