Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, mặc dù thời gian qua, các bộ, ngành trong cả nước đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế nhập siêu, nhưng tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu vẫn ở mức cao hơn so với mục tiêu của Chính phủ đề ra. Nhập siêu 5 tháng đầu năm ước khoảng 6,5 tỷ USD, bằng 18,8% kim ngạch xuất khẩu. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ cùng với các bộ, ngành tập trung giải bài toán giảm nhập siêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
Phân tích nguyên nhân
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến hết tháng 3/2011, nước ta nhập siêu mới hơn 3 tỷ USD, song chỉ trong vòng 2 tháng (tháng 4 - 5/2011) đã tăng lên gấp đôi. Theo báo cáo tình hình thương mại hàng hóa quốc tế nửa đầu năm 2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ ngày 1/6, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khả quan, nhưng nhập siêu trong 6 tháng đầu năm nay có xu hướng gia tăng, dự kiến khoảng 7,5 tỷ USD, bằng 18% kim ngạch xuất khẩu, vượt mục tiêu kiềm chế 16% do Chính phủ đề ra cho cả năm tại Nghị quyết 11.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, lý do chính làm nhập siêu tăng tập trung chủ yếu vào nhóm hàng hóa cần hạn chế và kiểm soát nhập khẩu mà tỷ trọng của hai nhóm này rất thấp trong tổng kim ngạch nhập khẩu (chiếm 16,9%) nên việc giảm nhập siêu chưa đạt được mục tiêu đề ra. Trong khi đó nhóm hàng cần nhập khẩu (gồm máy móc thiết bị, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, kể cả sản xuất hàng xuất khẩu) chiếm tỷ trọng khoảng 83,1% và các biện pháp quản lý nhập khẩu đối với nhóm này chưa thật sự phát huy tác dụng.
Bốc xếp hàng hóa nhập khẩu ở cảng Đoạn Xá (Hải Phòng). Ảnh: Trần Việt - TTXVN. |
Kết quả khảo sát cho thấy, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhiều nhà thầu nước ngoài trúng thầu xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, lắp đặt các công trình nhà máy điện, xi măng… vẫn nhập hầu như 100% máy móc, thiết bị vào Việt Nam. Hiện tại Trung Quốc là nước có số lượng nhà thầu và số dự án trúng thầu nhiều nhất tại Việt Nam. Vì vậy, trong giá trị nhập siêu lớn từ Trung Quốc có phần đáng kể từ việc nhập khẩu cho các công trình, dự án mà các doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu tại Việt Nam...
Mặt khác, nhu cầu của người tiêu dùng tăng mạnh trong khi ngành công nghiệp trong nước chưa đủ sức đáp ứng, nhất là những sản phẩm thiết yếu. Việc thiếu các chính sách đầu tư thích đáng để sản xuất hàng cơ khí, máy móc, thiết bị thay thế hàng nhập khẩu cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến nhập siêu cao.
Tính đến nay, hàng loạt các chính sách như dừng mua sắm ô tô công có nguồn gốc nhập khẩu; hạn chế nhập khẩu hàng xa xỉ như ô tô, điện thoại di động, rượu, bia, thuốc lá, mỹ phẩm; ban hành danh mục các mặt hàng cần kiểm soát, hạn chế nhập khẩu… đã áp dụng tuy nhiên kết quả vẫn chưa cao.
Theo ước tính của Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu năm 2011, đối với nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2,46 tỷ USD, tăng 138% so với cùng kỳ năm 2010 và chiếm tỷ trọng 6,8%. Nhóm hàng tiêu dùng các loại (kể cả ô tô từ 9 chỗ trở xuống) ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ 2010; riêng mặt hàng ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi ước khoảng 233 triệu USD, tăng 76,5% so với cùng kỳ năm 2010.
Ngoài ra, giá xăng dầu tăng cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhập siêu tăng. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, 5 tháng đầu năm, xăng dầu nhập khẩu đã lên đến trên 5,14 triệu tấn với giá trị hơn 4,5 tỷ USD, trong khi tăng về lượng chỉ 15,6% thì tăng về giá lên đến 41%. Nhiều năm liền xuất khẩu dầu thô bù đắp được cho nhập khẩu xăng dầu, nhưng 5 tháng qua, trong khi xuất khẩu dầu thô chỉ thu về 3 tỷ USD thì nhập khẩu tới 4,6 tỷ USD.
Sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn
Để đạt được mục tiêu giảm nhập siêu, việc kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu vẫn là cần thiết, cũng là để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước vươn lên chiếm lĩnh thị trường nội địa, sản xuất trong nước có điều kiện giành thêm giá trị gia tăng.
Riêng nhóm mặt hàng máy móc, cơ khí, theo Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, chỉ cần có cơ chế đúng đắn để sử dụng một phần máy móc, thiết bị cơ khí sản xuất trong nước thay thế một phần hàng cơ khí, máy móc nhập khẩu là đã góp phần giải quyết vấn nạn nhập siêu.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, nếu siết mạnh quản lý nhập khẩu sẽ gây trở ngại cho phát triển nền kinh tế trên nhiều phương diện. Do đó việc xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu phải được tiến hành một cách thận trọng và hài hòa, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay, khi sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung cũng như của doanh nghiệp nói riêng và của một số sản phẩm hàng hóa còn hạn chế. Ông Biên cũng cho rằng, cơ quan chức năng cần có biện pháp theo dõi, làm rõ nguyên nhân vì sao doanh nghiệp có vốn nước ngoài gia tăng nhập khẩu thay vì chú trọng vào sản xuất như thời gian trước nhằm từng bước làm lành mạnh hóa quan hệ xuất - nhập khẩu.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tài chính rà soát theo hướng điều chỉnh tăng thuế suất thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu thuộc danh mục các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định số 1380/QĐ-BCT ngày 25/3/2011 của Bộ Công Thương. Ngoài ra, để đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Công Thương đang áp dụng biện pháp giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu; đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường như nghiên cứu giải pháp nhằm khôi phục thị trường Đông Âu; nghiên cứu đưa hàng Việt Nam trực tiếp từ nhà sản xuất vào hệ thống phân phối của các siêu thị lớn ở châu Âu (trước mắt là Pháp và Đức).
Thảo Nguyên - Thành Hiển