Ông Đặng Văn Bảy, một trong những tỷ phú nuôi tôm công nghệ cao ở xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre cho biết, vụ nuôi tôm năm nay, ông thả nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao với diện tích gần 50 ha. Từ đầu vụ đến nay, ông thu hoạch khoảng 300 tấn tôm thẻ thương phẩm.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Bảy, hiện giá tôm khá thấp, khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn. Giá tôm thẻ loại 100 con/kg chỉ khoảng 70.000 đồng; loại 30 con/kg hơn 115.000 đồng, giảm 40.000 đồng/kg so với cách đây 2 tháng. Với mức giá trên, người nuôi tôm ở Bến Tre không thu được lợi nhuận.
Ông Trần Văn Tâm, thương lái thu mua tôm tại thị trấn Bình Đại, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre cho hay, hiện nay giá tôm trong nước giảm do nguồn “cung vượt cầu". Bên cạnh đó, tôm đang vào vụ mùa, thời tiết thuận lợi nên sản lượng thu hoạch lớn. Cùng với đó, các công ty thu mua tôm xuất khẩu giảm sản lượng làm cho giá tôm trong nước sụt giảm mạnh so với gần hai tháng trước.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, thời gian qua các hộ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đã chủ động hơn về môi trường nuôi nên thả giống theo kế hoạch sản xuất, ít chịu ảnh hưởng của thời tiết. Từ đầu năm đến nay, diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đạt 320 ha trên tổng số 500 ha của kế hoạch thả nuôi trong năm 2024.
Theo UBND tỉnh Bến Tre, sau hơn 3 năm triển khai Kế hoạch phát triển 4.000 ha nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao tại địa phương đã đạt kết quả khả quan. Đến nay, tỉnh Bến Tre đã phát triển được hơn 3.430 ha, đạt 85,76% kế hoạch phát triển 4.000 ha nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025; sản lượng tôm nuôi ước đạt 160.188 tấn.
Đặc biệt, tại các vùng nuôi tập trung ở 3 huyện ven biển, gồm Bình Đại, Thạnh Phú và Ba Tri, tỉnh thành lập các hợp tác xã làm cầu nối để kêu gọi doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị tôm hoàn thiện, thích ứng biến đổi khí hậu.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Nguyễn Văn Buội cho biết, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được người dân trên địa bàn tỉnh đầu tư khá quy mô và ngày càng cải tiến hơn khâu thiết kế kỹ thuật cũng như về cơ sở hạ tầng vùng nuôi. Việc ứng dụng công nghệ trong nuôi tôm có thể giúp người nuôi chủ động trong sản xuất về kích cỡ tôm theo yêu cầu khách hàng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, tỉnh có tiềm năng rất lớn về phát triển nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là lĩnh vực nuôi tôm nước lợ. Thời gian gần đây, người nuôi đã có sự chuyển đổi nhanh từ hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh truyền thống sang nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao (nuôi 2, 3, 4 giai đoạn) tại 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Đây là hình thức nuôi mới, kiểm soát tốt dịch bệnh; năng suất, chất lượng tăng lên đáng kể. Lợi nhuận trung bình từ 700 - 800 triệu đồng/ha/vụ nuôi, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.
Ưu điểm của loại hình nuôi mới khép kín, cách ly được môi trường dịch bệnh giai đoạn đầu, nuôi mật độ cao, kiểm soát chặt chẽ chi phí nuôi và nâng cao tỉ lệ sống, nuôi tôm lên cỡ lớn, tạo điều kiện tăng năng suất sản lượng trên một đơn vị diện tích.
Tuy nhiên, việc nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao ở Bến Tre vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn cần được tháo gỡ trong thời gian tới, góp phần giúp nghề nuôi tôm phát triển bền vững. Cụ thể, chi phí đầu tư nuôi tôm nước lợ rất lớn, trong khi nguồn lực của người nuôi còn yếu. Việc phát triển nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao vẫn còn rời rạc, nhỏ lẻ nên hoạt động đầu tư hoàn thiện hạ tầng điện, đường, thủy lợi, giao thông còn nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng vùng nuôi mặc dù được quan tâm đầu tư, nhưng không đáp ứng được nhu cầu phát triển trong thời gian tới, nhất là hệ thống thủy lợi, điện...
Thời gian tới, Bến Tre tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, vận động người dân và doanh nghiệp mở rộng diện tích nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao; đồng thời, tăng cường thu hút đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất, chế biến thủy sản, nhất là chế biến tôm. Ngành chức năng tỉnh tổ chức các hội thảo chuyên đề người dân tiếp cận kỹ thuật mới tiên tiến về nuôi tôm, nhất là nuôi tôm theo hướng công nghệ cao.