Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, trong 3 ngày gần đây, giá thịt lợn hơi trên thị trường đã giảm mạnh. Cụ thể, ngày 2/8, giá thịt lợn hơi từ 46.000 đồng/kg giảm xuống còn 44.000 đồng/kg; đến trưa 4/8, giá thịt lợn hơi tiếp tục giảm xuống còn 43.000 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, đây là hệ quả của việc người chăn nuôi sử dụng chất cấm khiến người tiêu dùng lo âu. Tuy nhiên, cũng có thể đây là một chiêu trò của thương lái lợi dụng lý do trên để ép giá người chăn nuôi. Hiện nay, các chủ trại chăn nuôi lợn tại Đồng Nai đều lo lắng giá sẽ còn tiếp tục giảm tiếp trong những ngày tới.
Qua 2 đợt kiểm tra từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 vừa qua, Chi cục Thú y tỉnh đã phát hiện có 14/48 mẫu thịt lợn dương tính với chất cấm Sabultamol, thuộc nhóm Benta - Agonist. Cụ thể, ở huyện Vĩnh Cửu có 5 mẫu, Trảng Bom 5 mẫu, Xuân Lộc 3 mẫu và Long Thành 1 mẫu.
Hiện nay, ngoài việc giữ đàn lợn đến khi thải hết chất cấm mới cho xuất bán, các chủ trại sử dụng chất cấm còn bị phạt 15 triệu đồng/hộ. Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh cho rằng đây là mức xử phạt còn quá nhẹ, nên các chủ trại sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẵn sàng "đánh đổi".
Liên quan đến vụ thịt đông lạnh nhập vào Việt Nam giá rẻ, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng cho biết, đến chiều ngày 4/8, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ và Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cơ bản đã lấy xong ý kiến của một số các chủ trại, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn tại Đông Nam bộ về việc tiến hành khởi kiện nếu có chứng cứ. Hầu hết các trang trại chăn nuôi trên địa bàn sẵn sàng hỗ trợ Hiệp hội về mặt kinh phí để tiến hành vụ kiện. Kinh phí dự toán ban đầu cho vụ kiện này khoảng 100.000 - 200.000 USD, tương đương với khoảng 2 đến 4 tỷ đồng.
Theo các hộ chăn nuôi gà trên địa bàn huyện Thống Nhất, chưa năm nào giá gà xuống giá thấp như hiện nay. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, giá gà từ 48.000 - 50.000 đồng/kg nay đã giảm xuống còn 30.000 đồng/kg. Tính ra mỗi con gà người nuôi đang lỗ từ 10.000 - 12.000 đồng. Trước việc giá gà xuống thấp dẫn đến thua lỗ nặng, nhiều hộ không còn đủ vốn để tái đàn, chính vì vậy việc ngưng nuôi, treo chuồng là giải pháp mà người chăn nuôi đang tính đến.