Gia tăng giá trị cây vụ Đông sau mưa bão

Vụ Mùa năm 2024, bão số 3 đã gây thiệt hại lớn cho diện tích rau màu trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã hướng dẫn người dân đẩy mạnh sản xuất vụ Đông để sớm có nguồn rau màu đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường...

Chú thích ảnh
Thu hoạch củ niễng tại xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ảnh: Công Luật/TTXVN

Tăng vụ Đông, bù thiệt hại vụ Mùa

Xã Nghĩa Thành, huyện Nghĩa Hưng là địa phương có truyền thống trồng cây màu vụ Đông; trong đó, cà chua là cây trồng chủ lực. Từ đầu tháng 9, người dân nơi đây đã xuống giống cà chua vụ sớm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu sau bão nhiều diện tích rau màu, chủ yếu trên đất màu vườn, bãi của xã bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh ở xóm Mao Điền, xã Nghĩa Thành cho biết, với mong muốn có sản phẩm bán sớm cho được giá, ngay từ đầu tháng 9, gia đình đã trồng một mẫu cà chua (36.000 m2) giống Tre Việt số 20 và hơn 2 sào bí xanh. Tuy vậy, khi cà chua vừa bén rễ lên xanh đã gặp bão số 3, sau đó là mưa lũ hoàn lưu sau bão khiến toàn bộ diện tích cà chua của gia đình bị ngập úng.

Sau bão, những cây còn sống, gia đình cấy dồn lại còn khoảng 2 sào; đồng thời, làm lại đất trồng vụ mới với phương châm tăng vụ, bù thiệt hại. Hiện, diện tích cà chua sớm bắt đầu cho thu hoạch. Do bị ngập úng, lứa cà chua sớm chỉ cho năng suất bằng 1/3 so với bình thường nhưng hiện giá cà chua khá cao, khoảng 20.000 đồng/kg. Đối với diện tích cà chua mới trồng, gia đình đang tập trung chăm sóc, làm giàn, bấm ngọn, tỉa cành và phòng trừ sâu hại cho cây.

Để sớm có rau củ bán, ngay từ đầu tháng 10, gia đình bà Đoàn Thị Định ở thị trấn Quỹ Nhất, huyện Nghĩa Hưng đã xuống giống các loại rau ngắn ngày như: rau cải, dưa chuột, đỗ… Năm nay, gia đình bà trồng 5 sào màu, chủ yếu là dưa chuột. Thời tiết khá thuận lợi, cây dưa phát triển tốt nên đến đầu tháng 11, hơn 2 sào dưa chuột của gia đình đã bắt đầu cho thu hoạch. Giá dưa chuột đầu vụ ở mức 15.000 đồng/kg, cao hơn bình thường khiến gia đình bà rất phấn khởi.

Ông Hoàng Quang Tuyến, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng cho hay, vụ Đông năm nay, huyện phấn đấu gieo trồng 1.100 ha rau màu. Ngay sau bão số 3, huyện đã cấp phát trên 35 kg hạt giống, chủ yếu là các loại rau ngắn ngày cho người dân ở một số xã.

Cùng với đó, huyện tuyên truyền người dân tập trung nhân lực, phương tiện thu hoạch nhanh, gọn lúa Mùa, huy động máy làm đất để kịp thời vụ gieo trồng cây vụ Đông, sản xuất đa dạng các cây rau đậu ngắn ngày, quay vòng 2 - 3 lứa/vụ để nâng cao hiệu quả.

Gia tăng giá trị cây vụ Đông

Xác định đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa, đưa các loại cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, xây dựng vùng sản xuất tập trung, liên kết chuỗi giá trị, ngay từ đầu vụ Đông 2024, huyện Ý Yên đã chỉ đạo các xã, thị trấn, nhất là các địa phương có điều kiện và kinh nghiệm làm vụ Đông như: Yên Dương, Yên Nhân, Yên Cường, Yên Thắng, Yên Đồng… chủ động xây dựng kế hoạch duy trì và mở rộng tối đa diện tích cây vụ đông.

Tại xã Yên Cường, vùng chuyên canh cây rau màu sản xuất theo hướng hữu cơ có liên kết chuỗi giá trị, vụ Đông năm nay, xã phấn đấu gieo trồng 150 ha với các cây trồng chủ lực là khoai tây, ngô và rau màu các loại. Bên cạnh việc duy trì sản xuất 5 ha rau an toàn, vụ Đông năm nay, xã đã liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed và Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam thực hiện mô hình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm các giống ngô nếp TBM18, LVN10 và Ngân Điện 98 với quy mô 3 ha; đồng thời tiếp tục đưa vào trồng khảo nghiệm 5 sào khoai lang Nhật và 5 sào khoai tây chất lượng cao.

Ông Nguyễn Văn Dự, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp và thương mại Nam Cường, xã Yên Cường thông tin, xác định sản xuất rau an toàn là hướng đi bền vững, hợp tác xã đã tự sản xuất phân hữu cơ bằng phương pháp ngâm ủ chế phẩm nông nghiệp sẵn có như rơm, rạ, rác hữu cơ, phân gia súc gia cầm để bón cho cây trồng.

Với diện tích canh tác 20 ha; trong đó, có 5 ha rau an toàn đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, hiện mỗi ngày, hợp tác xã xuất ra thị trường khoảng 3 - 5 tạ rau các loại. Các sản phẩm được sơ chế đóng gói bao bì, được dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc trước khi được xuất ra các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch trong và ngoài huyện. Đến nay, hợp tác xã đã xây dựng được thương hiệu rau, củ, quả sạch đạt tiêu chuẩn OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cho 8 sản phẩm gồm: Dưa chuột, rau muống, đậu bắp, khoai tây, cải ngồng, cải bó xôi, su hào, bắp cải.

Không chỉ ở Ý Yên, hiện nay, tại các huyện của tỉnh Nam Định đã hình thành những vùng sản xuất cây màu vụ Đông tập trung như xã Nam Điền, thị trấn Quỹ Nhất của huyện Nghĩa Hưng; xã Nam Dương, Nam Hùng của huyện Nam Trực; Giao Yến, Giao Phong của huyện Giao Thủy…

Việc hình thành các vùng sản xuất tập trung không chỉ thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết giá trị mà còn giúp người dân trong tỉnh dễ dàng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ trong thâm canh cây trồng theo hướng sạch, an toàn, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường.  

Vụ Đông năm 2024, tỉnh Nam Định phấn đấu trồng 9.700 ha rau màu các loại như: ngô, khoai tây, bí xanh, cà chua...; trong đó, có khoảng 1.000 ha là trồng trên đất 2 lúa. Mỗi huyện, thành phố triển khai ít nhất 2 mô hình liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cây vụ Đông hàng hóa và có mô hình sản xuất rau an toàn, hữu cơ...

Để hoàn thành mục tiêu trên, ngành nông nghiệp tỉnh đã hướng dẫn các địa phương tập trung trồng các giống ngô nếp, cà chua, khoai tây, dưa chuột, rau các loại đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Các địa phương có điều kiện và kinh nghiệm làm vụ Đông trên đất 2 lúa chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Mùa phù hợp để triển khai làm vụ Đông. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cây vụ Đông; hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa người dân với doanh nghiệp…

Vụ Đông năm 2023, toàn tỉnh gieo trồng trên 9.500 ha, giá trị sản lượng ước đạt hơn 960 tỷ đồng, bình quân đạt 101 triệu đồng/ha.

Nguyễn Lành (TTXVN)
Hà Nội: Ban hành nghị quyết hỗ trợ phát triển sản xuất cây vụ Đông
Hà Nội: Ban hành nghị quyết hỗ trợ phát triển sản xuất cây vụ Đông

Ngày 4/10, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 18, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Hỗ trợ phát triển sản xuất cây vụ Đông góp phần khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn thành phố năm 2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN