Hà Nội: Ban hành nghị quyết hỗ trợ phát triển sản xuất cây vụ Đông

Ngày 4/10, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 18, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Hỗ trợ phát triển sản xuất cây vụ Đông góp phần khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn thành phố năm 2024.

Chú thích ảnh
Khai mạc Kỳ họp thứ 18, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Cụ thể, theo tờ trình do Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu trình bày, do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại lớn cho Thủ đô; trong đó, có lĩnh vực nông nghiệp.

Theo số liệu tổng hợp đến ngày 16/9/2024, ước tính thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ sau bão là trên 2.287 tỷ đồng (22.848ha lúa bị gẫy, đổ, dập nát; 13.832ha lúa bị ngập; 10.830ha rau màu bị ngập, ảnh hưởng; 9.045ha cây ăn quả bị ảnh hưởng; 4.212ha thủy sản bị ảnh hưởng; 3.299 con gia súc bị chết; 453.104 con gia cầm bị chết, thất lạc…). Trên địa bàn thành phố xảy ra khoảng 40 sự cố công trình đê điều và trên 150 sự cố công trình thủy lợi cùng các sự cố, ảnh hưởng khác về ngập lụt.

Để khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão, sớm ổn định đời sống nhân dân, UBND thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương các cấp xây dựng, triển khai thực hiện các phương án phục hồi sản xuất.

Như vậy, kết quả đánh giá sơ bộ thiệt hại của ngành nông nghiệp ước tính 2.287 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực trồng trọt và thủy sản, lĩnh vực chăn nuôi thiệt hại ít so với tổng đàn của thành phố, trong khi thời điểm hiện tại thời tiết không phù hợp để hỗ trợ phát triển thủy sản (do mùa đông sắp tới). 

Vì vậy, để khôi phục nhanh sản xuất nông nghiệp sau bão, bù đắp sản lượng lương thực, thực phẩm bị thụt giảm cần tập trung hỗ trợ sản xuất trồng trọt. Từ nay đến cuối năm, việc phát triển sản xuất trồng trọt chỉ có thể tập trung vào phát triển một số loại cây trồng vụ đông để đáp ứng ngay việc khôi phục sản xuất. Đồng thời, Hà Nội cũng là một trong những địa phương sản xuất cây vụ Đông trọng điểm của khu vực Đồng bằng sông Hồng, do đó phát triển cây vụ Đông là cơ hội để hộ nông dân tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần tăng 5 lượng nông sản hàng hóa, đặc biệt là một số loại nông sản có giá trị chất lượng cao.

Từ những lý do thực tiễn nêu trên và để kịp thời góp phần ổn định tình hình sản xuất sau thiên tai bão lũ và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành nghị quyết về Hỗ trợ phát triển sản xuất cây vụ Đông, góp phần khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn thành phố năm 2024. Theo đó, đối tượng áp dụng nghị quyết là các tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện sản xuất cây vụ Đông năm 2024 tại các diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại từ 30% trở lên do bão số 3 và mưa lũ sau bão. Chủng loại cây trồng được hỗ trợ là cây đậu tương, ngô, khoai tây, khoai lang, lạc, rau các loại. Thời gian áp dụng vụ Đông năm 2024.

Nội dung, mức hỗ trợ sau khi đánh giá mức độ thiệt hại tại diện tích sản xuất nông nghiệp do bão số 3 và mưa lũ sau bão, hỗ trợ bổ sung kinh phí cho tổ chức, cá nhân triển khai gieo trồng cây vụ đông năm 2024 tại diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại và cây trồng sinh trưởng, phát triển ổn định.

Cụ thể, đối với đậu tương, ngô, lạc là 12 triệu đồng/ha; khoai tây, khoai lang là 30 triệu đồng/ha; rau các loại là 10 triệu đồng/ha. Nguồn kinh phí từ nguồn ngân sách cấp thành phố cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện để hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định. Tổng kinh phí dự kiến là 213,392 tỷ đồng.

Cùng ngày, cũng trong khuôn khổ kỳ họp, HĐND thành phố Hà Nội đã phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án: Mở rộng, cải tạo xây dựng Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I tại xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ và Khu bảo tồn thuộc khu vực IV Khu du lịch - văn hóa Sóc Sơn tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn. Cụ thể, mở rộng, cải tạo xây dựng Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I tại xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, có tổng diện tích chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác là 7,27ha.

Địa điểm chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác là xã Thủy Xuân Tiên; vị trí thuộc khoảnh 1 của tiểu khu 10045 trên địa giới hành chính xã Thủy Xuân Tiên. Chức năng rừng là rừng phòng hộ, thuộc loại rừng trồng với loài cây keo, bạch đàn trồng thuần loài và hỗn giao keo, bạch đàn. Dự án Khu bảo tồn thuộc khu vực IV Khu du lịch - văn hóa Sóc Sơn tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, có tổng diện tích chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác 5,82ha. Địa điểm tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, vị trí thuộc khoảnh 1 của tiểu khu 400 trên địa giới hành chính xã Phù Linh. Chức năng rừng phòng hộ với loại rừng trồng cây thông và keo.

HĐND thành phố Hà Nội giao UBND thành phố chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ, tài liệu, số liệu và các nội dung liên quan đến chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, sự thống nhất giữa hồ sơ và thực địa, tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, chỉ thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác khi đảm bảo đã thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan. Ngoài ra, đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đồng thời xử lý các vi phạm (nếu có) theo quy định, không để xảy ra khiếu nại phức tạp gây mất trật tự xã hội.

Nguyễn Thắng  (TTXVN)
Các tỉnh phía Bắc đặt mục tiêu giá trị sản xuất vụ Đông 2024 đạt 40.000 tỷ đồng
Các tỉnh phía Bắc đặt mục tiêu giá trị sản xuất vụ Đông 2024 đạt 40.000 tỷ đồng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ Đông ở các tỉnh phía Bắc là một trong các vụ sản xuất chính với sản phẩm đa dạng và mang lại thu nhập cao cho người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN