Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, Đinh Công Sứ đề nghị, các ngành và địa phương trong tỉnh căn cứ vào các chỉ tiêu và quan điểm định hướng chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp khắc phục sau bão số 3. Chủ động rà soát quỹ đất, tiến độ thu hoạch vụ mùa, thời vụ gieo trồng của từng loại cây vụ Đông để có kế hoạch gieo trồng. Đồng thời, tăng cường các biện pháp để điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất và duy trì các hoạt động cung ứng vật tư nông nghiệp thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, các địa phương cần tăng cường đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu quả có múi, mía ăn tươi và các sản phẩm khác. Đặc biệt, đưa xuất khẩu tiếp tục là kênh quan trọng trong tiêu thụ sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Theo báo cáo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình, do ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão số 3 Yagi xảy ra trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã gây thiệt hại trên 7.300 ha diện tích đất trồng trọt và lâm nghiệp; làm chết trên 15.000 con gia súc, gia cầm và hơn 300 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại, gần 2.000 m3 lồng bè nuôi thuỷ sản bị hư hỏng. Ước tính giá trị thiệt hại của ngành nông nghiệp trên 9,6 tỷ đồng.
Tại hội nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình triển khai Công điện số 100 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hổi sản xuất nông nghiệp sau mưa bão số 3 và mưa lũ với 11 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm. Đồng thời, triển khai các nhiệm vụ giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm vụ Đông năm 2024. Dự kiến toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng trên 9.000 ha cây vụ Đông, thu hoạch một số loại cây trồng chủ lực của tỉnh với sản lượng lớn như: cam, bưởi trên 170.000 tấn; mía ăn tươi 380.000 tấn; chuối 7.500 tấn…
Báo cáo tại hội nghị về thiệt hại do cơn bão và hoàn lưu bão số 3 gây ra, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn, Bùi Quốc Hoàn cho biết, cơn bão đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp tại một số xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình) với gần 800 ha lúa, hoa màu, cây lâm nghiệp và gần 5.600 con gia súc, gia cầm bị thiệt hại. Ước tính giá trị thiệt hại về nông nghiệp của huyện Lương Sơn khoảng 25 tỷ đồng.
Hiện nay, huyện Lương Sơn đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, đánh giá hiện trạng các tuyến đê điều, hồ đập và các công trình vị trí mất an toàn. Ngân hàng chính sách huyện tạm dừng thu lãi đối với hộ vay vốn bị ảnh hưởng bão và rà soát, xử lý khoanh nợ, gia hạn nợ, xóa nợ tùy từng trường hợp bị ảnh hưởng. Theo kế hoạch vụ Đông năm 2024, huyện Lương Sơn sẽ gieo trồng trên 600 ha ngô, khoai lang và rau đậu các loại. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cùng với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cũng đã hỗ trợ cây giống để người dân khôi phục sản xuất và thúc đẩy sản xuất vụ Đông 2024, góp phần ổn định đời sống của người dân sau mưa bão số 3 gây ra.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lượng Sơn, để triển khai thực hiện các giải pháp khôi phục sản xuất và thúc đẩy sản xuất vụ Đông năm 2024, tỉnh Hòa Bình cần triển khai các chính sách hỗ trợ về cây, con giống, phân bón, vật tư; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa các công trình thủy lợi bị thiệt hại.
Trong khuôn khổ hội nghị, Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinhSeed) và Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Phú Điền; Công Ty TNHH Hạt giống Nova ủng hộ hạt giống khôi phục sản xuất sau bão Yagi trên 133 triệu đồng cho các địa phương trong tỉnh.